Cùng với việc “thay áo mới” cho các chung cư, tòa nhà cũ hoặc các dự án nâng cấp, mở rộng khách sạn tại các thành phố lớn của Việt Nam, các trung tâm thương mại (TTTM) cũng được hình thành ngày càng nhiều. Điều đáng lưu ý, công trình càng được xây dựng hiện đại thì hàng Việt càng không có chỗ đứng. Tại nhiều TTTM, hàng Việt chiếm chưa đầy 5%! Nhiều ý kiến lo ngại, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” để tiêu thụ hàng ngoại.

Thời trang nước ngoài được bán tại một trung tâm thương mại ở TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Sân chơi của hàng ngoại

Tại TPHCM, cho đến thời điểm này có thể khẳng định, chỉ có TTTM Zen Plaza là “mảnh đất” duy nhất để ươm mầm và hỗ trợ cho các nhà thiết kế trẻ trong ngành thời trang may mặc cũng như các thương hiệu Việt phát triển. Đến đây, người ta có thể tìm mua được nhiều sản phẩm khác nhau, từ chiếc áo sơ mi cho đến các trang phục dạ hội… tất tật đều “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, khách hàng đến Zen để mua sắm phải là những người thuộc tầng lớp trung lưu vì giá bán các mặt hàng tại đây không hề rẻ. Ngoài việc mua sản phẩm, khách hàng còn phải trả thêm khoản phí mặt bằng cho chủ thương hiệu.

Còn tại các TTTM khác như Saigon Center, Diamond Plaza, Parkson, Vincom… nghiễm nhiên đã trở thành “lãnh địa” của các thương hiệu nổi tiếng thế giới về mỹ phẩm, đồng hồ, nước hoa, đồ trang sức, quần áo… Từ những thương hiệu mạnh trong khu vực châu Á, cho đến những sản phẩm 5 sao, dành cho giới tiêu dùng ở tầng tháp chót (high-end) trên thế giới như Lancôm, L’oreal, BVLGARI, Esterlauder đều đã có mặt. Đi mỏi chân, nhìn mỏi mắt cũng không thể tìm được một thương hiệu Việt!

Còn nhớ, vào những năm 2002-2007, khi các TTTM này mới hoạt động, người tiêu dùng còn bắt gặp nhiều thương hiệu Việt quen thuộc của ngành may mặc như Ca-rô, Việt Thy, Anh Thư (A&T), NinoMaxx… Nhưng đến nay, hàng Việt đã bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Trong lĩnh vực hàng gia dụng, hiện chỉ có duy nhất sản phẩm sành sứ của Minh Long I trụ vững với chuỗi cửa hàng Q-home.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang chua chát nói, hồi TTTM Pakson mới khai trương, bất chấp giá thuê mặt bằng khá cao, công ty vẫn đưa hàng vào bán để từng bước gầy dựng thương hiệu. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, giá thuê mặt bằng liên tục được điều chỉnh, trong khi năng lực tài chính của công ty có hạn, hơn nữa doanh thu không đủ bù chi phí nên công ty phải tự rút lui để nhường chỗ cho các thương hiệu nổi tiếng vốn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Với đà này, khi hàng rào thuế quan được hạ xuống còn 0%-5% vào năm 2015, các thành phố lớn của Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” để tiêu thụ hàng nước ngoài. Còn các TTTM cao cấp sẽ trở thành lãnh địa để phân phối hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Chưa thể hiện phong cách, đẳng cấp

Khoảng 5 năm gần đây, tại TPHCM xuất hiện các TTTM như Saigon Square, Ánh Linh… được thiết kế dưới hình thức các chợ hiện đại, có các ô, sạp theo thứ tự, chuyên kinh doanh các loại quần áo chủ yếu có xuất xứ từ Campuchia và Việt Nam. Đã có khá nhiều ý kiến tranh luận, đây là các chợ chuyên kinh doanh hàng Việt, hàng xuất khẩu…

Người dân chọn mua mì ăn liền sản xuất trong nước. Ảnh: Thanh Tâm

Trên thực tế các mặt hàng bày bán tại đây đều là sản phẩm của các nhãn hàng quốc tế được gia công tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, cộng với các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng từ nhiều nước rồi tuồn về các TTTM này để tiêu thụ. Hàng loạt vụ kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường đã minh chứng khá rõ. Yếu tố chất xám để mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam gần như bằng không.

Trong suốt thời gian đi thực tế, chúng tôi có thể khẳng định, hàng Việt đang đứng bên ngoài “cuộc chiến” của những thương hiệu ngoại ngay trên sân nhà! Chúng ta vẫn tự hào, Việt Nam là nơi có thế mạnh trong việc gia công các mặt hàng giày dép, quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Fuma…

Tuy nhiên, tại các TTTM, sản phẩm “made in Vietnam” đang bị lép vế trước hàng của Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ và có xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới. Giá bán không rẻ, bình quân từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/đôi nhưng vẫn được khách hàng mua “đắt như tôm tươi”.

Chị Hương Giang - khách hàng thường xuyên của Diamond, Saigon Center, lý giải: Cùng một chiếc áo thun nhưng khi mặc chiếc áo của các thương hiệu Esprit hoặc Mango tôi cảm thấy rất tự tin, thoải mái. Chất liệu vải mềm mại, cộng với một vài chấm phá nhỏ trên thân áo, làm cho sản phẩm khác xa so với hàng trong nước. “Vấn đề tiêu dùng ngày nay không phải là giá tiền, độ bền của sản phẩm mà chính ở khâu thiết kế - các DN Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Vậy nên đừng vội trách bọn trẻ thích xài hàng hiệu” - chị Hương Giang cho biết.

Hàng hiệu đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và trong bối cảnh hàng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân có thu nhập cao. Cùng với đó, tại Việt Nam đã và đang nổi lên hiện tượng giới trẻ thích tiêu xài hơn là tích lũy. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Những sản phẩm họ dùng, phản ánh họ đang thuộc đẳng cấp, giai tầng nào trong xã hội. Điều này có thể lý giải, hầu hết các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam và kinh doanh rất thành công.

Trước thực trạng trên, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề về hàng nội - hàng ngoại với một nhà quản lý TTTM, họ rất thẳng thắn khi cho rằng, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam chưa thể hiện được đẳng cấp và phong cách riêng, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cao cấp nên khó chen chân vào các TTTM. Mặt khác, ngoài mức giá thuê mặt bằng rất cao (khoảng 30-50 USD/m²), nếu doanh thu trong 3 tháng liên tiếp không đạt mức 100 triệu đồng/tháng, ngay lập tức sẽ bị loại ra ngoài, nhường chỗ cho hàng loạt thương hiệu khác đang chờ thế chỗ. Cũng có một thực tế, việc kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu luôn mang lại lợi nhuận cao hơn (do giá trị của sản phẩm cao) so với hàng nội. Điều này thật dễ hiểu vì trong kinh doanh, hiệu quả luôn được đặt lên vị trí hàng đầu!

 

                                                                      Theo Báo SGGP

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục