Một trung tâm giao dịch bất động sản trên đường Trần Hưng Đạo (TPHB) nhiều tháng nay vắng khách.

Một trung tâm giao dịch bất động sản trên đường Trần Hưng Đạo (TPHB) nhiều tháng nay vắng khách.

(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, bởi vậy, trong thời kỳ giá nhà đất sôi sục, khoảng từ năm 2009 - 2011, không ít giới “cò đất” trên địa bàn đã có dịp trổ tài “bốc” nhanh không kém so với các “cò đất” tỉnh khác. Cùng đó, hàng loạt trung tâm môi giới bất động sản đã mọc lên từ bờ trái sang bờ phải sông Đà. Tuy vậy, đến thời điểm này, do bất động sản có chiều hướng đi xuống nên nhiều trung tâm môi giới cùng giới “cò đất” chẳng mấy thiết tha với nghề.

 

 

Các trung tâm môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu ở khu vực các trục đường chính như đại lộ Thịnh Lang, đường Cù Chính Lan và đường Trần Hưng Đạo. Có người nhận định, giới “cò đất” cũng như các trung tấm môi giới khu vực thành phố chỉ kém chút ít so với giới “cò đất” huyện Lương Sơn bởi địa thế Lương Sơn tiếp giáp với Thủ đô nên nhiều người dân Hà Nội cũng chịu rót tiền về đầu cơ nên giới “cò đất” ở đây có điều kiện ra đời trước và chuyên nghiệp hơn đôi chút.

 

 Nói về giới “cò đất” ở thành phố có khá nhiều thành phần cùng tham gia. Họ vừa là nhà đầu tư, vừa là dân buôn bán, vừa là những người xe ôm, bán hàng nước. Ngay cả những người đang làm trong các dự án đầu tư hạ tầng KDC, khu đô thị mới trên địa bàn sau một vài năm kinh qua bất động sản đã trở thành những “cò đất” hạng siêu. Một số ít giới công chức, viên chức có chút vốn liếng hay mối quan hệ cũng tranh thủ liên kết với những đầu mối thông tin của các dự án tích cực tham gia. 

 

Cho đến nay, bất động sản TPHB vẫn chưa thực sự có thị trường theo cách đúng nghĩa. Dù Nhà nước có quy định cụ thể về môi giới giao dịch bất động sản như các tổ chức hay công ty BĐS chính quy mới được tham gia nhưng thực tế hiện tại và thời gian dài nữa, vai trò của giới “cò đất” dù chưa thực sự chuyên nghiệp vẫn còn khá quan trọng. Khác với “cò đất” nhiều tỉnh thành khác, “cò đất”  ở thành phố có thể vừa là chủ thể bất động sản, vừa là người giới thiệu nên khó ràng buộc. Cũng nhờ giới “cò đất” này mà việc mua bán nhà đất khu vực thành phố diễn ra khá nhanh chóng, thuận tiện và thông thoáng hơn.

 Trên thực tế, qua “cò đất”, một mảnh đất hay một ngôi nhà qua tay dăm, bảy khách hàng có khi vẫn nhìn thấy lời trông thấy. Một mét vuông có giá vài triệu đồng, sau vài tháng, qua mấy chủ đã tăng lên tới cả chục triệu đồng. Trong thời gian từ đầu năm 2012 trở về trước, giá đất trên địa bàn thành phố tăng “chóng mặt”. Không chỉ tập trung ở những KDC mới trung tâm thành phố mà nhiều nơi heo hút, xa trung tâm thành phố giá đất cũng tăng không kém.

 

Cụ thể, đối với những khu trung tâm như KDC Bắc Trần Hưng Đạo, giữa năm 2011 cho đến đầu năm 2012, giá đất nền đến được tay người mua hay chủ đầu tư thứ cấp có giá trên dưới 9 triệu đồng/m2. Sau vài tháng, qua môi giới, giá được đẩy lên trên dưới 12 triệu đồng/m2. KDC cảng Chân Dê, bờ trái sông Đà, giá từ 7-8 triệu đồng/m2, sau một thời gian cũng bị đẩy lên thêm vài triệu đồng/m2 nhưng nhiều người vẫn không mua nổi. Xa hơn, khu vực đất xung quanh vành đai thành phố như đường tránh quốc lộ 6, giá đất mặt tiền có lúc cũng được đẩy lên đến cả triệu đồng/m2.

 

Tuy vậy, đấy là thời vào thời điểm hoàng kim khi giá đất thành phố cũng như chung cả nước đang trên đà tăng. Đến thời điểm hiện tại, trong khi giá bất động sản các tỉnh khác giảm sâu thì thị trường bất động sản thành phố bắt đầu mới đến thời điểm đi xuống. Kinh tế khó khăn, không có người mua, sau một thời gian không chịu nổi chi phí, nhiều trung tâm môi giới đã phải đóng cửa, nhiều “cò đất” cũng vì thế mà mất “cửa” làm ăn.

 

Chị Hạnh làm tại trung tâm môi giới BĐS trên đường Chi Lăng cho biết, đến cuối năm vừa rồi còn có người đến tham khảo những dự án, khu nền biệt thự trên địa bàn thành phố. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, bất động sản rơi vào trạng thái trì trệ, vài tháng cũng chẳng có mấy người đến hỏi nên chị Hạnh đành phải ngậm ngùi đóng cửa trung tâm.

 

Bất động sản đi xuống kéo theo ít người quan tâm các trung tâm môi giới cùng cánh “cò đất” cũng coi như mất nghề. Khi mà họ chẳng thiết tha, hàng loạt biển bán nhà, bán đất mọc lên nhan nhản khắp các đường ngang ngõ tắt trên địa bàn. Có người treo biển bán nhà gần nửa năm nay vẫn chẳng có người đến hỏi mua...

 

 

                                                                         Hồng Trung        

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục