Đồng chí Võ Ngọc Kiên, TUV, Bí thư Huyện ủy Cao Phong cùng lãnh đạo huyện thăm hộ trồng cam tiêu biểu tại khu 1, thị trấn Cao Phong.  Ảnh: PV

Đồng chí Võ Ngọc Kiên, TUV, Bí thư Huyện ủy Cao Phong cùng lãnh đạo huyện thăm hộ trồng cam tiêu biểu tại khu 1, thị trấn Cao Phong. Ảnh: PV

(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam ra thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu, đưa thương hiệu cam Cao Phong phát triển bền vững trong thời gian tới, trong 2 ngày 27 - 28/11, huyện Cao Phong tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có hoạt động trưng bày gian hàng, chấm điểm gian hàng; thăm quan vườn cam, chấm điểm vườn cam cùng một số hoạt động hấp dẫn khác.

 

Với độ cao trung bình khoảng 300m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 - 40C, đất đai của huyện Cao Phong phù hợp với trồng cây có múi, nhất là cam, quýt... Khai thác tiềm năng đó, từ năm 1964, Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đã đưa vào trồng nhiều loại cam như: Xã Đoài, V2, cam Canh, quýt ôn Châu... Chất lượng ngon đặc trưng nên cam Cao Phong đã từng là sản phẩm xuất khẩu sang Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Thời gian sau đó, do nhiều nguyên nhân, cơ chế, chính sách, diện tích, năng suất, sản lượng cam giảm dần. Năm 2002, huyện Cao Phong được thành lập. Khi đó, nhờ cơ chế khoán nên cây cam bắt đầu hồi sinh nhưng sản phẩm chưa được nhiều người biết đến, giá cả bấp bênh.

 

 

Phố kinh doanh cam sầm uất tại thị trấn Cao Phong. Ảnh: P.V

 

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, năm 2006, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, trong đó trọng tâm là cây cam, quýt, mía. Đây là định hướng quan trọng, là cơ sở để cây cam, quýt Cao Phong phát triển. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã vào cuộc một cách tích cực, bài bản, từ khâu quy hoạch, rõ nguồn gốc đầu vào như giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, nước tưới đến hỗ trợ vay vốn, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm... Mỗi năm, nguồn ngân sách huyện hỗ trợ từ 600 - 800 triệu đồng cho các hoạt động trên. Nhờ đó, diện tích cam phát triển mạnh. Năm 2006, toàn huyện có trên 700 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong Hòa Bình, giá trị kinh tế từ 450 - 500 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện có trên 1.700 ha cam, quýt, bưởi. Trong đó, gần 800 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch, đạt giá trị bình quân 650 - 700 triệu đồng/ha. Cây cam, quýt đã được trồng ở 13/13 xã, thị trấn trong toàn huyện. Các xã thuộc vùng khó khăn như Yên Lập, Yên Thượng, Thung Nai cũng đã trồng được hàng chục ha... Trong những năm tới, sản lượng sẽ tăng lên đáng kể do diện tích bước vào thời kỳ cho thu hoạch tăng lên.

 

Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, cộng với nhạy bén, sáng tạo, mạnh dạn trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cam an toàn, người trồng cam Cao Phong đã sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, hương vị đặc trưng, vừa ngon, bổ, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam cũng được tính toán trồng sao cho thu hoạch rải vụ để tư thương không thể ép giá. Nếu như trước đây, giống cam Xã Đoài được trồng chủ yếu, chiếm khoảng 90%, vụ thu hoạch chỉ khoảng 2 tháng. Giờ đây, vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Khi đã có sản phẩm chất lượng, huyện đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng của tỉnh để xây dựng, quảng bá thương hiệu. Dấu ấn đậm nét và niềm vui đã đến vào tháng 11/2014 khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên cũng là duy nhất của tỉnh được đón nhận chứng nhận này cho đến nay. Đây là tiền đề rất quan trọng để địa phương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ra thị trường, khẳng định chất lượng với người tiêu dùng. Từ đây, người tiêu dùng biết đến cam Cao Phong ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, sản phẩm cam Cao Phong được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, có mặt tại một số siêu thị, nhà hàng, nhiều điểm bán, giới thiệu sản phẩm ở Thủ đô Hà Nội; có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hộ trồng cam, Công ty TNHH MTV Cao Phong để tiêu thụ sản phẩm. Điều đó tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế của huyện.

 

Trong thời gian tới, huyện quyết tâm giữ vững và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quản lý tốt quy hoạch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra là ổn định quy mô trên 1.500 ha cam, quýt, sản lượng hằng năm đạt khoảng 22.000 tấn. Trong đó, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Giải pháp chủ yếu là: Duy trì, giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện đã được công nhận. Mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap từ khâu chọn giống, đến áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh và thu hái, bảo quản... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng chợ đầu mối; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban kiểm soát, Ban Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện. Đặc biệt, chú trọng mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững sản phẩm cam Cao Phong trong tương lai, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Lễ hội cam Cao Phong năm 2015  chính là một trong những hoạt động góp phần quảng bá và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương.

 

 

 

 

 

                                                         Võ Ngọc Kiên

                                       (TUV, Bí thư Huyện ủy Cao Phong)

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực

Từ coi trọng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Lương Sơn đã giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, vấn đề từ thực tiễn đặt ra của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kiểm tra tiến độ dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại huyện Yên Thủy, Lạc Sơn

Ngày 17/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế tại huyện Yên Thủy và Lạc Sơn.

Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế tập thể

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển và có đóng góp tích cực vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung được xem như một giải pháp trợ lực cho nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Nông dân Kim Bôi hối hả vào vụ thu hoạch dưa

Thời điểm này, nông dân ở các xã của huyện Kim Bôi tất bật vào vụ thu hoạch các loại dưa. Hàng năm, cùng với canh tác cây màu, việc đầu tư trồng các loại dưa lê, dưa chuột, dưa hấu, dưa bở... đã giúp bà con tận dụng được quỹ đất, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Tăng trưởng kinh tế với nhiều điểm sáng

Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Gia hạn thời gian trả nợ, doanh nghiệp có thêm bước đệm phục hồi

Với 6 tháng tiếp tục được giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ có thêm bước đệm để phục hồi, "bồi dưỡng" và củng cố thêm nội lực, tiếp tục duy trì hoạt động và có điều kiện tích lũy hoàn trả nợ vay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục