(HBĐT) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khi cao trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước, ở chiến khu Mường Khói lúc bấy giờ, những người con đất Mường một lòng đi theo cách mạng. Lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” ra đời, đặt tại xóm Lọt, xã Hoài ân (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) là một minh chứng đầy đủ cho một thời đào măng nuôi cách mạng ở nơi núi rừng heo hút này.

 

Ông Bùi Văn Bỉnh (con trai cụ Bùi Mão, một Lý trưởng yêu nước, có công lớn đối với sự ra đời lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”), xóm Khảnh, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) trò chuyện những kỷ niệm về Mường Lọt.

 

Những ngày cận Tết, chúng tôi ngược dốc Quèn Ngheo trong tiết trời se lạnh lên xóm Lọt, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), nơi cách đây 71 năm là địa điểm đặt lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”. Trước khi đặt chân lên Mường Lọt, chúng tôi có dịp trò chuyện với một người con của mảnh đất giàu truyền thống này, người được Mường Lọt nâng bước, sau trở thành vị tướng của ngành công an. ông là thiếu tướng Bùi Đức Sòn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh. Qua chia sẻ, ông đã gợi mở: “Để tìm hiểu về Mường Lọt, nhân chứng sống hiện còn có ông Bùi Văn Bỉnh, xóm Khảnh, xã Tân Mỹ, còn những người khác đều mất cả rồi”…

 

Mường Lọt chở che  cho cách mạng

 

Đã bước sang tuổi 86, ông Bùi Văn Bỉnh vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn nhưng tai đã kém đi nhiều, để trò chuyện với ông, chúng tôi phải viết ra giấy. Cha ông là cụ Bùi Mão, một lý trưởng yêu nước, người đã có công giúp đỡ cán bộ trong việc khảo sát, tìm địa điểm để mở lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” vào tháng 8/1945 tại xóm Lọt. Trong thời gian diễn ra lớp học, gia đình ông chính là điểm tiếp nhận lương thực từ cấp trên chuyển đến xóm Cai, giao cho các hội viên Hội cứu quốc chuyển lên xóm Lọt. Đồng thời, vận động quần chúng nhân dân đóng góp lương thực để duy trì lớp học. Khi đó, ông Bỉnh chỉ hơn 10 tuổi nhưng được cha giao cho nhiệm vụ làm tổ trưởng đội cảnh giới những người lạ ra, vào xóm, vận động đội thiếu nhi làm nhiệm vụ.

 

“Xóm Lọt ở vị trí xa căn cứ chiến khu Mường Khói, núi rừng hẻo lánh nhưng có địa bàn tiến, thoái đều thuận lợi nên được lựa chọn làm địa điểm mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ cách mạng cả trong và ngoài tỉnh. Khó khăn thì nhiều, địch truy lùng, kiểm soát gắt gao nhưng từ người già, người trẻ, ai nấy đều hết lòng hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho lớp học”, ông Bỉnh nhớ lại. Qua trò chuyện với ông Quách Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ và nghiên cứu những ghi chép trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Mỹ”, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về những đóng góp quan trọng của người Mường Lọt. Ví như, gia đình ông Bùi Văn Quýnh (nay đã chuyển về xóm Ngái, xã ân Nghĩa), đội viên cứu quốc xã Hoài ân đã nhường lại ngôi nhà của mình để các đồng chí phụ trách lớp ở lại, đồng thời là hội trường của lớp học. Bà con xóm Cai ủng hộ 600 kg gạo, 1 con bò, cùng lợn, gà; riêng Lọt, cung cấp hàng tấn măng, rau rừng...

 

Quá khứ đã lùi xa, những ký ức về một thời người dân Mường Lọt nuôi cách mạng vẫn được người dân nơi đây kể cho nhau nghe mỗi ngày, nhất là trong ngày Tết quây quần bên bếp lửa ấm cúng. “Nhà ông Lỏn bây giờ chính là nhà ông Quýnh ngày xưa, nơi tổ chức giảng dạy cho cán bộ cách mạng đấy. Còn hang Lằn, hang Đáo, chỗ gốc sung  kia nữa, người dân Lọt đều biết hết”, Trưởng xóm Lọt Bùi Đức Hùng xởi lởi.

 

Hang Lằn, hang Đáo  và những dấu tích lịch sử

 

Lọt là bản của bà con người Mường, gồm có 68 hộ dân, 395 nhân khẩu, sống bình yên giữa núi rừng trùng điệp. ở Lọt, những người dân trước đây trực tiếp bảo vệ lớp học ngày nào, giờ đều đã về với đất mẹ. Nhưng những hậu bối như Trưởng xóm Bùi Đức Hùng, Bí thư chi bộ Bùi Văn Xanh hay ông Bùi Văn Lỏn vẫn kể rành rọt cho chúng tôi nghe về lịch sử ngày nào, như thể họ là người bước ra trong những ngày lịch sử đó vậy. Câu chuyện không đầu, không cuối, không theo một thứ tự lôgic nhưng nó nối dài tạo thành những mảnh ghép khiến người nghe dễ hình dung, có cái nhìn đầy đủ hơn. ông Hùng chia sẻ: Dù chưa được gắn biển di tích lịch sử nhưng người dân ở Lọt ai cũng biết hang Đáo, hang Lằn, gốc cây sung. Theo các cụ kể lại, những ngày lớp huấn luyện quân sự được mở ở xóm, chỉ có người xóm Trội và xóm Lọt mới được vào. Những người lạ mặt hay Việt gian sẽ được đưa vào hang Đáo thẩm tra. Chỗ gốc sung (hiện giờ đã bị mục và người dân trồng một cây khác thay thế) là nơi treo cờ khởi nghĩa. Còn hang Lằn, mỗi khi có báo động giặc truy lùng thì cán bộ và bà con sẽ vào trú ẩn.

 

Sau hơn 30 phút trò chuyện, chúng tôi lên đường khám phá hang Lằn. Hang cách trung tâm xóm Lọt chừng 500 mét, đường vào heo hút, quanh co. Đi sâu vào cánh rừng già hơn 50 mét, cửa hang được “ngụy trang” bằng những dây leo chằng chịt. Cửa hang Lằn cao khoảng 4 mét, có một tảng đá trông giống hình mai rùa, càng đi vào sâu càng lạnh và tối mịt. “Những mảnh bát vỡ này, xưa các cụ trú giặc rồi nấu cơm trong này. Hang có nhiều ngách, khá sâu”, ông Bùi Văn Lỏn rọi đèn pin chỉ cho chúng tôi. Theo ông Lỏn, những năm trước đây, khi con đường chưa được mở rộng, đường vào hang Lằn đi lại khá trắc trở, những người lạ khó mà tìm đường vào đây được. ông Quách Văn Nhạn, cán bộ Văn hóa xã Tân Mỹ sau khi được “mục sở thị” hang Lằn hóm hỉnh nhận xét: “Sau này, đường về Lọt thuận lợi, có khi hang Lằn trở thành địa điểm du lịch cũng chừng”.

 

Hang Lằn là nơi cán bộ và nhân dân ở xóm Lọt, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) vào trú ẩn mỗi khi có báo động giặc tới.

 

Rời hang Lằn, chúng tôi nghỉ chân ở nhà ông Lỏn. Có lẽ, vì được dựng nhà ở ngay địa điểm của nhà ông Bùi Văn Quýnh trước đây nên ông Lỏn nắm được nhiều thông tin hay về lớp “Trường Sơn du kích kháng Nhật” ngày nào. ông bộc bạch: “Tuy ở bản làng xa xôi, đường giao thông còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn dạy bảo con cháu học tập thật tốt để xứng đáng là quê hương cách mạng”.

 

Tuy lớp học chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì có lệnh khởi nghĩa của Trung ương, các học viên trở về địa phương lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, thế nhưng vai trò của nó thật to lớn, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Tìm về Mường Lọt những ngày cận Tết, trong câu chuyện với bà con và từ những hang Lằn, hang Đáo, lời cha ông vẫn vang vọng nơi rừng xanh trù phú này. Đó là lời nhắc mỗi chúng ta phải trân trọng những giá trị lịch sử, cống hiến trí lực như xưa kia cha ông ta đã ngày đêm cảnh giới, đào  măng rừng phục vụ lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”.

 

                                                                                   Đào Viết

 

 

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục