Song song với việc khai thác tác phẩm mới, cổ vũ các tác giả trẻ đương đại, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn quan tâm chọn lọc, giới thiệu lại những tác phẩm xuất sắc, gắn liền với nhiều thế hệ độc giả, đã được thời gian bảo chứng, vì vậy đã hình thành Tủ sách Tác phẩm đoạt giải thưởng Vận động sáng tác cho thiếu nhi.


                                       Năm cuốn sách mới trong bộ tác phẩm đoạt giải.

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu lại các tác phẩm: Những tấm lòng yêu thương của Hoàng Bình Trọng, Nhạc giữa trời của Nguyễn Thị Bích Nga, Những vì sao trong mơ của Nguyễn Ngọc Minh Hoa, Cẩm chướng đỏ của Bùi Đặng Quốc Thiều và Mùa bay của Nguyễn Trang Thu.

Những tấm lòng yêu thương của Hoàng Bình Trọng được viết từ năm 1979. Dù chiến tranh khốc liệt và có những hy sinh, đau thương mất mát, nhưng câu chuyện mà nhà văn Hoàng Bình Trọng kể về số phận chú bé Lào Thoong-khăm - Triệu Việt vẫn luôn là niềm hy vọng tươi xanh về một tương lai tốt đẹp và an lành.

Những vì sao trong mơ của Nguyễn Ngọc Minh Hoa là một chuỗi suy tư, giằng xé tình cảm của cô bé mới lớn trong các mối quan hệ phức tạp của gia đình. Mỗi câu chữ đều lấp lánh tình yêu thương, tràn đầy cảm xúc nhưng cũng phảng phất nỗi buồn của một cảnh ngộ không trọn vẹn.

Trang sách khép lại, nhưng những khát vọng và ước mơ sum họp sẽ còn mãi lấp lánh như những vì sao và in đậm trong lòng bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: "Giọng văn trong sáng, giản dị và chân thành khiến cho mỗi câu mỗi chữ đều tràn đầy cảm xúc, bồn thổn thức mà vẫn ngọt ngào tinh tế”.

Cuốn truyện Mùa bay của Nguyễn Trang Thu tuy nhỏ bé, khiêm nhường với vỏn vẹn 17 truyện ngắn, nhưng đã gói gọn trong đó tuổi niên thiếu của cả thế hệ 7x Hà Nội. Qua những kỷ niệm về tình bạn, tình thân, tình yêu chớm nở của các nhân vật trong truyện ta còn thấy được một Hà Nội của những năm 1980 - 1990 thanh bình, đơn sơ nhưng vẫn rất lãng mạn và ấm áp tình người.

Đọc Mùa bay để thấy truyện không lạc lõng với không gian đương đại, bởi, người trẻ sẽ nhận ra đâu là đời thực, đâu là "ảo”, để dành thời gian cho người thân và bạn bè nhiều hơn, hay đơn giản chỉ để dõi theo một cánh diều đỏ thắm trên bầu trời với niềm tin mảnh liệt là ước mơ của mình sẽ được thực hiện và còn nhiều điều lớn lao hơn thế nữa, như cô bé trong truyện Mùa bay. Đó sẽ như là dòng nước mát lành tiếp sức cho mình trong cuộc hành trình để làm một người trưởng thành theo đúng nghĩa.

Cẩm chướng đỏ của Bùi Đặng Quốc Thiều lại chứa đựng trong những tình tiết lãng mạn, vui nhộn. Câu chuyện là những rung động đầu đời, những tình cảm tự nhiên, trong sáng cùng hoài bão của tuổi học trò đầy mơ mộng. Và trên tất cả là tình bạn đẹp tựa những bông hoa cẩm chướng đỏ mãi thắm tươi.

Còn với Nhạc giữa trời của Nguyễn Thị Bích Nga, thì như chính tác giả chia sẻ: "Tôi không cho mình lớn lên. Cô bé trong tâm hồn tôi vẫn non nớt như thế từ bao lâu nay. Cô bé ấy mãi mãi sống trong khu vườn tuổi thơ. Và thế là, cổ tích sẽ còn mãi trong những truyện tôi viết: tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với loài vật… Trong thế giới cổ tích ấy, không có nỗi cô đơn, không có sự dằn vặt, chỉ có sự nhiệm màu cho tuổi thơ bay bổng thăng hoa…”.

Trước đó, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, năm tác phẩm đã được xuất bản trở lại là Bí mật hồ cá thần của Nguyễn Quang Thiều, Bỏ trốn của Phan Thị Thanh Nhàn, Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến, Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần và Khúc đồng dao lấm láp của Kao Sơn.

Được biết, sau 10 tác phẩm đã trở lại, những tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tiếp tục được giới thiệu với bạn đọc trong thời gian tới.

Với lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, từ năm 1957 đến nay, hành trình đi cùng tuổi thơ của Nhà xuất bản Kim Đồng luôn gắn liền cùng các hoạt động, như mở các trại sáng tác, các cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Từ những cuộc vận động sáng tác, nhiều tác phẩm đã ra đời, nhiều tác giả xuất hiện và được tôn vinh, bước vào đường bay của con chữ.

Có thể kể đến một số tác giả - tác phẩm tiêu biểu như: Búp sen xanh của Sơn Tùng, Cát cháy của nhà văn Thanh Quế (năm 1982), Ngôi nhà trong cỏ của Lý Lan, Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh, Cầu chữ Y của Đặng Hấn (năm 1984), Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán (năm 1987). Và còn nhiều tác giả - tác phẩm ở những cuộc vận động sáng tác gần đây hơn.

 

                                       TheoNhandan

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục