(HBĐT) - Bảo tàng di sản văn hóa (DSVH) Mường tại phường Thái Bình (TP Hoà Bình) do Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình quản lý. Bảo tàng thiết kế khá rộng với diện tích trên 4.000 m2, gồm 6 ngôi nhà sàn chính là nơi trưng bày gần 6.000 hiện vật các loại, được bố trí, sắp xếp khoa học, gắn với từng giai đoạn lịch sử văn hóa Mường. Nhiều năm nay, Bảo tàng DSVH Mường trở thành điểm đến thăm quan, trải nghiệm, nghiên cứu văn hóa hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.


Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường hướng dẫn học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ trải nghiệm gói bánh uôi.

Đến bảo tàng đúng lúc ông Bình đang kể về sự tích bánh uôi, còn gọi là bánh tình yêu của người Mường Hòa Bình cho học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình), chúng tôi cảm nhận rõ tâm huyết của một người con đất Mường trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Trò chuyện với ông được biết, Bảo tàng DSVH Mường được thành lập và mở cửa phục vụ du khách từ năm 2014. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 2 ở tỉnh Hòa Bình và là bảo tàng tư nhân thứ 24 ở Việt Nam. Bảo tàng ghi dấu thành quả hơn 30 năm miệt mài sưu tầm các di vật, cổ vật của dân tộc Mường ở khắp các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam của ông Bình.

Với 6 ngôi nhà sàn chính, mỗi ngôi nhà có công năng khác nhau, đáp ứng đầy đủ các hoạt động trưng bày hiện vật, diễn xướng mo Mường, trình diễn chiêng Mường. Không chỉ trưng bày các hiện vật phản ánh nếp sống sinh hoạt đặc trưng của dân tộc Mường như dụng cụ sản xuất, dụng cụ đánh bắt cá, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ…, bảo tàng còn trưng bày những cổ vật quý hiếm như trống đồng, chiêng, đồ gốm cổ có niên đại cách đây hàng nghìn năm. Đáng chú ý là bộ sưu tập chuyên đề về chiêng Mường gồm các loại chiêng, dòng chiêng Mường với trên 100 chiếc, trong đó có chiêng cổ đường kính 70 cm, cùng với nhiều hiện vật giá trị khác như: tẩu hút thuốc viên Công sứ Pháp tặng quan lang Mường Động; đồ trang sức tinh xảo bằng vàng, bạc, đá quý của Bà Nàng và Nàng Ả; chiếc trống đồng loại II Hêgơ (trống Mường); súng săn của nhà quan lang; các di vật bằng đồng của văn hóa Đông Sơn như tượng người quỳ gối dâng đèn, thạp đồng, trống đồng Đông Sơn…

Để đưa những giá trị văn hóa Mường đến gần hơn với công chúng, ông Bình luôn tìm tòi, sáng tạo cách thức trưng bày hiện vật cũng như hoạt động của bảo tàng. Một phần làm tốt việc viết bài hướng dẫn, thuyết minh, mặt khác tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: mở khu trưng bày một số loại đồ chơi dân gian ngoài trời; thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đi cà kheo, đẩy gậy.

Góp mặt trong các hoạt động tại bảo tàng, du khách sẽ được tham gia các trò chơi dân gian, tự tay chế biến và thưởng thức những món ăn đậm bản sắc dân tộc Mường. Với vai trò là trưởng làng Mường ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ông Bình tích cực giao lưu, kết nối đưa những giá trị văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình vươn xa. Theo đó, trong những năm qua, bảo tàng tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá nền văn hóa Hòa Bình ở trong nước và quốc tế như tham gia dàn dựng tái hiện lễ hội khuống mùa (xuống đồng), lễ mừng cơm mới… Ông Bình trực tiếp giảng dạy chiêng Mường cho người dân các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, TP Hòa Bình. Những năm gần đây, ông Bình còn được mời đến dạy chiêng Mường cho các tỉnh bạn như xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội)… Bằng sự giảng dạy nhiệt tình, ông đã truyền ngọn lửa đam mê tìm hiểu DSVH dân tộc cho nhiều thế hệ học viên. Một mặt, ông kết nối đưa đoàn nghệ nhân của tỉnh trình diễn các trích đoạn trong lễ hội khuống mùa và sử thi Đẻ đất, đẻ nước của người Mường về đề tài "Văn hóa lúa gạo” do tổ chức Lương thực các nước Đông Nam Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan; tham gia trưng bày DSVH Mường tại Thủ đô Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các chương trình giới thiệu về âm nhạc cổ truyền qua các tiết mục biểu diễn, bài chiêng cổ và nhạc cụ cổ truyền cò ke, ống sáo kết hợp với nội dung giới thiệu về văn hóa ẩm thực Mường tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La…

Đau đáu việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, ông Bình tiếp tục sưu tầm để củng cố, hoàn chỉnh bộ sưu tập các hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Dẫu chưa thực sự đúng ý đối với chủ nhân (Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình) nhưng từ nhiều năm qua, Bảo tàng DSVH Mường đã trở thành nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa Mường, là điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn của du khách khi đến với đất Mường Hòa Bình.

Thúy Hằng (CTV)


Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục