Xem hát dân gian ở Chợ đêm phố cổ Hà Nội .

Xem hát dân gian ở Chợ đêm phố cổ Hà Nội .

Sáu năm nay, người dân Thủ đô và khách đến Hà Nội đã quen với việc có một chợ đêm để dạo chơi và mua sắm. Nhiều người khi nhắc đến chợ đêm Hà Nội vẫn mong muốn sẽ có một chợ đêm hoạt động đầy hấp dẫn mà quy củ.

Chợ đêm Đồng Xuân- một phần linh hồn phố cổ Hà Nội

Phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân (thường được gọi gộp là chợ đêm phố cổ) đã thể hiện được nhiệm vụ chính là khai thác nét văn hóa phố cổ Hà Nội; quảng bá kiến trúc, không gian phố cổ; giới thiệu sản phẩm làng nghề phố nghề Hà Nội và xây dựng điểm đến của du lịch Hà Nội.

Tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm, dài gần 3km với điểm bắt đầu từ phố Hàng Đào, ngay sát hồ Hoàn Kiếm.

Phố đi bộ được tổ chức vào ba buổi tối cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật, còn chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt vào thứ Bảy hàng tuần, chợ còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ do Hội Nhạc sỹ Việt Nam thực hiện.

Hàng ngàn hộ kinh doanh đêm trên khắp tuyến phố đi bộ và chợ đêm đã tạo ra sức hấp dẫn về mua sắm hàng hóa với giá cả rất bình dân. Đặc biệt, có rất nhiều sản vật đặc sản mang tính vùng miền bày bán, nhất là trong dịp Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm như lụa Vạn Phúc, cốm làng Vòng, gốm Bát Tràng…

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Quản lý chợ đêm Đồng Xuân: "Để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Ban quản lý chợ đêm đã cho lắp dàn đèn ánh sáng tốt hơn để phục vụ hoạt động mua bán."

Không thể phủ nhận được một số bất cập còn tồn tại ở không gian đi bộ phố cổ và chợ đêm Đồng Xuân nhưng nếu nhìn vào những cái lớn hơn thì tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân đã thể hiện được một phần linh hồn phố cổ Hà Nội.

Chợ đêm hoạt động như... thường, không vào chương trình Đại lễ!

Mặc dù chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003 thế nhưng chợ đêm phố cổ vẫn phát triển theo hướng tự phát. Hàng hóa trong chợ hầu hết có hàng chất lượng thấp, rẻ tiền, hoạt động chợ đêm có sự bát nháo, lộn xộn. Chợ đêm còn khiến nhiều người lo sợ gặp phải cảnh móc túi, cướp giật.

Trước Đại lễ ba ngày (Đại lễ tính từ 1/10 đến 10/10), trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Vietnam+, ông Trưởng ban Quản lý chợ đêm Đồng Xuân cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo của thành phố về việc tổ chức hoạt động một cách đặc biệt cho Đại lễ. Nghĩa là chưa có chương trình gì khác lạ, nếu theo lịch hoạt động bình thường thì chúng tôi sẽ có hai đợt họp chợ cùng với tuyến phố cổ đi bộ vào hai đợt cuối tuần."

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm: "Lịch hoạt động như vậy cũng chiếm đến 6 trong tổng số 10 ngày Đại lễ. Anh em chúng tôi đang cố gắng hết sức để dù lượng khách có tăng, chợ đêm vẫn hoạt động như thường. Cụ thể là vào các tối 1,2,3 tháng Mười; tối 8, 9 và 10 tháng Mười. Đúng lịch vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Việc tăng cường trách nhiệm của anh em trong Ban quản lý thì chúng tôi xác định thường xuyên không đợi đến bây giờ mới bắt đầu. Việc lắp thêm đèn chúng tôi đảm bảo sẽ hoàn thành trước đợt họp chợ thứ nhất dịp Đại lễ."

Chợ đêm không thể "chuyên"… hàng rởm rẻ tiền

Hiện nay Hà Nội có rất nhiều chợ đêm tự phát. Màn đêm xuống, cũng chính những con phố, vỉa hè, những gian hàng bán cá, bán thịt ấy lại bày la liệt quần áo, giày dép, mỹ phẩm, cặp sách cho khách là sinh viên. Hàng hóa nơi đây giá rẻ đến giật mình nên chất lượng được người mua thừa nhận là “chỉ thế thôi”.

Nhiều chợ đêm di động tại các tuyến phố như Nguyễn Văn Huyên, Giải Phóng, Đê La Thành… vẫn chủ yếu kinh doanh các mặt hàng đại hạ giá như quần áo, giày dép, mắt kính, băng đĩa, sách lậu…

Xu hướng chung của chợ đêm nói chung có vẻ như nghiêng về bán "của rẻ…" Song việc này cần được định hướng, chấn chỉnh kịp thời. Kẻo chợ đêm thành chợ hàng… ma, hàng rởm, vừa dùng đã hỏng. Đặc biệt chợ đêm phố cổ tuyến Hàng Đào- Đồng Xuân lại càng không được phép thành khu hàng rởm… trung tâm.

Theo đại diện Ban quản lý chợ đêm phố cổ thì: "Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh trong chợ tháo dỡ các tấm biển "đại hạ giá", "hạ giá"… chỉnh trang lại bộ mặt của chợ đêm Đồng Xuân, yêu cầu nhân viên bán hàng có thái độ phục vụ nhẹ nhàng, lịch sự. Ngay khu vực đầu phố Hàng Đào, Ban quản lý sẽ thiết kế một gian hàng chuyên bán các đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài."

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những chủ trương mang tính "tự lo," chưa có kế hoạch bằng văn bản từ thành phố yêu cầu chuẩn bị dài hơi. Đơn cử, như có thể tổ chức lại các gian bán hàng tại chợ đêm chỉ dành một phần trong khu chợ cho các gian hàng giảm giá, hạ giá mà thôi.

Hay như tăng cường việc trưng bày, chào hàng các sản phẩm mang tính đặc trưng của các vùng quê, những chương trình văn hóa dân gian, ẩm thực đường phố đặc biệt trong dịp Đại lễ để gây ấn tượng riêng trong ấn tượng chung về một chương trình Đại lễ ngàn năm hoành tráng./.

                                                                                     Theo TTXVN

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục