Những tác phẩm của các nhà văn trẻ

Những tác phẩm của các nhà văn trẻ

Rất lạ là suốt năm 2010, Ban Công tác nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã không tổ chức một cuộc hội thảo, tọa đàm nào để giới thiệu những tác phẩm của các tác giả trẻ được xuất bản trong năm. Các tác giả trẻ vẫn tự tìm mối in, tự giới thiệu để đưa tác phẩm của mình đến công chúng. Trên con đường đó, đôi khi, họ thấy hụt hơi, nản lòng.

 

Miệt mài mà cô đơn

Năm 2010, theo đánh giá công tâm của không ít nhà phê bình, văn chương trẻ trong nước không có nhiều thành tựu, dẫu không khí sáng tác trong giới trẻ vẫn khá nhộn nhịp và đã có hàng chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết đến với công chúng. Nhìn vào lượng sách được in trong năm 2010, bạn đọc nhận thấy nhiều người trẻ vẫn còn hăng hái sáng tác và sáng tác rất thường xuyên. Phải kể đến Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Nguyễn Văn Học, Thủy Ana, Gào, Hà Thanh Phúc... Tuy nhiên, để nói về chất lượng các sáng tác của người trẻ, vẫn còn không ít ý kiến trái chiều.

Thực tế cho thấy, không phải những cuốn sách bán chạy của những tác giả trẻ trong thời gian qua đã là những tác phẩm hay, có giá trị. Dường như quan trọng hơn nhờ cách tiếp thị, PR tác phẩm tốt và đã được công chúng đón nhận, dù có thể là chỉ gây tò mò. Đã thôi rồi cái thời mà tác phẩm "hữu xạ tự nhiên hương".

Thời nay, có quá nhiều chuyện đáng quan tâm và ít người có thời gian để đi tìm, chọn mua sách. Mà họ thường mua qua các kênh giới thiệu. Thành ra, ai đã nổi là cứ thế mà... tiến. Sách bán chạy, trở thành những tên tuổi "hot" thì được các công ty tư nhân, các nhà xuất bản săn đón, như là một đối tượng giúp cho việc kinh doanh của họ được tốt hơn. Vì thực tế, không phải loại sách nào cũng bán chạy và nhà văn nào viết cũng hay.

Những tác phẩm của các nhà văn trẻ.

Những người làm sách, kinh doanh sách rất "khát" những cuốn có khả năng ăn khách. Không ít người viết trẻ đã nuôi mộng, đồng thời tìm kênh giới thiệu tác phẩm của mình. Mạnh ai nấy đi, tự mỗi người phải tự giúp mình trong một cuộc chạy đua, vừa là mưu sinh, vừa khẳng định văn chương. Không ít người vội vàng, không lấy tác phẩm làm điều kiện tiên quyết, mà dùng những "kỹ xảo" nhằm quảng bá tác phẩm của mình. Nhưng dù, nhận được sự  phản đối gay gắt của công luận, thì một số người ngộ nhận ra rằng, được công chúng chê, thậm chí chửi bới nhiều cũng là một thành công đáng... mừng! Năm 2010, hoạt động của Ban Công tác nhà văn trẻ rất mờ nhạt, đã chưa có một hoạt động đáng kể nào.

Người viết trẻ, có chăng là phải tự tổ chức họp báo giới thiệu, móc nối với phóng viên viết tin bài, điểm sách, kết hợp tìm "đầu ra" cho tác phẩm ở những ông (bà) đỡ mát tay. Các phóng viên viết bài điểm sách đăng báo, thường là đọc qua, còn chủ yếu chưa đọc, nhưng đã viết đánh giá tung hô. Cách thức quảng bá này tuy có chút hiệu quả, nhưng càng làm thị trường văn học bị nhiễu loạn. Các giá trị, hay - dở, mạnh - yếu bị đảo lộn.

Một năm sôi nổi, ít tiếng tăm

Năm 2010, không khí sáng tác văn chương trẻ cũng có phần khởi sắc, đó là hàng loạt các cây bút sinh năm 1985 đến năm 1989 nhập cuộc rất sôi nổi.

Đầu năm 2010, tác giả Lê Anh Hoài in tập truyện ngắn có tên "Tẩy sạch vết yêu" gồm 19 truyện ngắn với những phá cách khá ấn tượng do Công ty Truyền thông Hà Thế đỡ đầu. Tác giả cũng tổ chức một buổi nói chuyện, mời bạn bè văn chương thân thiết đến thảo luận. Lê Anh Hoài được coi là người viết khá vui nhộn, kể cả trong văn chương, đến những "pha" biểu diễn rất lạ ở sân thơ Văn Miếu. Với tác phẩm này, anh thổ lộ, mình đã phá cách ở khâu trình bày, cốt để bán được sách.

Tác giả của tiểu thuyết "Lạc giới" - Thủy Ana có tiểu thuyết "Thoát y dưới trăng" với cách trình bày khá gợi và một cái tên gây tò mò. Đây không phải là một tiểu thuyết, vì nó có kết cấu như một cái truyện dài.

Tác giả Dương Thụy, mới đây có cuốn "Nhắm mắt là thấy Paris" đã mạnh dạn hơn, "đời" hơn trong việc xây dựng cuộc sống nhân vật và xử lý chắc tay hơn các tình huống cũng như biến chuyển tâm lý. Với nhiều năm học tập ở nước ngoài và làm việc với các công ty đa quốc gia, Dương Thụy đã cho thấy một kiến thức và vốn sống dồi dào về đề tài đang khai thác. "Nhắm mắt thấy Paris" tiếp tục khẳng định thế mạnh này của tác giả.

Tháng 11/2010, NXB Thời đại và Công ty Sài Gòn Truyền thông ấn hành truyện dài "Khói trời lộng lẫy" của Nguyễn Ngọc Tư. Vẫn trung thành với văn phong đậm chất miền Tây dân dã, qua "Khói trời lộng lẫy" một lần nữa độc giả được đắm mình trong không gian sông nước, cây trái, quang cảnh và lối sống của vùng đất phương Nam trù phú, mênh mông là thế mạnh của Nguyễn Ngọc Tư. Truyện dài này cũng đã được Hãng phim truyện VN mua bản quyền để chuyển thể thành phim.

Khoảng 3 tháng nay, văn chương trẻ lại nóng lên bởi tiểu thuyết "Kín" của Nguyễn Đình Tú. Cây bút viết khỏe này lại tiếp tục gây chú ý với những phản ánh hành trình của một bộ phận giới trẻ trong vòng quay chóng mặt của kinh tế và sự lung lay, va đập của các quan niệm sống. Có lắc, có ăn chơi thác loạn, quần hôn, lang bạt, bụi đời, có cả giết người…, nhà văn còn đưa vào tác phẩm những yếu tố văn hoá tâm linh của đạo Mẫu.

Chàng nhà văn trẻ hiền lành Nguyễn Xuân Thủy cũng có tiểu thuyết "Sát thủ online" góp mặt vào dòng chảy văn chương năm 2010. Đây là tiểu thuyết lọt vào vòng chung khảo 16 tiểu thuyết và ký do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2007-2010 đề cập tới đề tài rất hot: Tội phạm Internet và những hệ lụy xa xót đầy tính chấm phá trong cuộc đời nhân vật chính. Nguyễn Xuân Thủy có cách đặt vấn đề mới lạ và rất "thời thượng" trước sự quan tâm của dư luận với vấn đề game online hiện nay. Thì với "Sát thủ online", anh đã đánh trúng tâm lý và sự quan tâm của công luận, bằng cách đưa người đọc vào một thế giới vừa hư vừa thực, hấp dẫn đến từng câu chữ đồng thời khiến những bậc làm cha làm mẹ khi đọc đến đều có những khoảnh khắc "nhói lòng".

Cũng trong những tháng cuối của năm 2010, nữ tác giả Gào (Vũ Phương Thanh) cũng cho ra mắt tiểu thuyết "Nhật ký son môi". Cô nàng còn tổ chức một buổi họp báo khá hoành tráng để quảng bá tác phẩm của mình. Các tác phẩm của tác giả này không được đánh giá cao, thậm chí nhiều người không thể chấp nhận. Thế nhưng, nó phù hợp với đối tượng tuổi teen, nên cũng bán khá chạy.

Không khí sôi nổi của văn chương trẻ 2010 còn được khẳng định bởi kết quả của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần IV của NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ. Cuộc thi năm nay hầu hết trao giải thưởng cho các tác giả trẻ, có người mới có tập truyện đầu tay và được in. Các tác giả khác ở miền Bắc như Dương Bình Nguyên, Nguyễn Văn Học, Uông Triều... cũng có sách ra mắt năm 2010, ngày càng khẳng định phong cách của mình. Họ cũng đã xác định, văn chương là một hành trình dài và gian khổ, và sẽ đối mặt với mọi gian khổ đó.

"Liều thuốc" nào cho văn trẻ?

Mấy năm qua, rất nhiều bài viết nói về lý do tại sao trong những năm gần đây văn chương Việt Nam không có đỉnh cao. Theo đó, văn chương trẻ cũng bị đánh giá rất thấp, và sự nở rộ phong cách sáng tạo, các ấn phẩm cũng bị coi là hời hợt. Cũng có người nói: "Văn già có tiến đâu mà văn trẻ tiến được". Thực sự, văn trẻ chưa thể phát triển được là do quá nhiều yếu tố. Người viết trẻ ngày nay bị đặt lên vai quá nhiều áp lực (từ phía công chúng). Ở điều kiện chung như hiện nay, cơ hội cho người trẻ cũng khá nhiều, nhưng dường như, người viết trẻ vẫn chưa được ưu ái. Và nhìn chung, họ vẫn chưa bứt phá được, tác phẩm của họ vẫn thiếu sức sống. Vậy, "liều thuốc" nào để chữa trị căn bệnh đó?

Trong một bài viết nhỏ không thể nào nói hết, nhưng người viết trẻ cần có những điều kiện nhất định để học hỏi, trau dồi và có cơ hội bứt phá, thì họ phải được ưu ái, có chế độ đãi ngộ.

Không nên để "ai có chân người ấy bước", tự tìm tòi cơ hội đến với công chúng. Ban Công tác Nhà văn trẻ cũng không thể "thả rông" những người viết trẻ, mà hãy tạo điều kiện, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình giúp người viết trẻ có cơ hội bứt phá. Các cuộc thi văn chương, đúng ra là nơi để phát hiện tài năng, khích nệ tài năng, thì nhiều năm qua đã biến thành "một miếng giữa làng", để chia chác, xin - cho... Thành ra, người viết trẻ mất lòng tin vào các cuộc thi, không xác định nổi giá trị của tác phẩm văn học. Lại càng sinh ra tâm lý: Một mình ta, ta cứ tiến, cứ đi, cứ viết.

Không thể không nhắc đến Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình Văn học (Đại học Văn hóa Hà Nội), nơi sản sinh ra không ít người viết trẻ mấy năm qua. Mùa tuyển sinh năm 2010 là mùa tuyển sinh thất bại của Khoa này. Mới đây, ông Ngô Văn Giá, chủ nhiệm của Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình Văn học đã trả lời trên báo: "Khoa chúng tôi thuộc Trường ĐH Văn hóa, nằm trong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay về cơ bản đang bị lùa vào theo cách đào tạo đại trà, giống như đào tạo các ngành nghiệp vụ văn hóa khác. Tôi cũng đã đến lúc mỏi mệt rồi. Đến lúc nào đó không chịu được nữa, tôi xin đi làm việc khác. Cái sự tâm huyết của người ta cũng có ngữ có hạn...".

Một năm sắp qua đi, năm mới sẽ đến với biết bao nhiêu ước vọng. Nhiều người viết trẻ đang có những khát vọng và dự định cho năm mới trong việc sáng tác. Họ mong năm mới đến, với không khí văn chương sôi nổi, lành mạnh, công bằng.

 

                                                                                     Theo CAND

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục