Cứ đến mùa lễ hội, chùa Hương lại chịu cảnh quá tải do người hành hương quá đông.

Cứ đến mùa lễ hội, chùa Hương lại chịu cảnh quá tải do người hành hương quá đông.

Hầu hết, các lễ hội truyền thống của nước ta đều gắn liền với một hay một cụm di tích nhất định. Lễ hội là bộ mặt, là bản sắc, là nhân tố chủ đạo góp phần nâng cao giá trị của di tích. Thế nhưng, có một thực tế là ở nhiều địa phương, người ta đang “tận thu” di tích thông qua lễ hội để rồi cứ sau mỗi mùa lễ hội, các di tích lại trở nên tiêu điều, xơ xác, tan hoang…

 

Tu sửa cả năm - bị “băm vằm” trong mấy ngày hội

Đó là câu chuyện đã nói nhiều nhưng vẫn phải nói lại vì nó cứ diễn ra triền miên, năm này qua năm khác tại nhiều di tích, nhất là các di tích gắn với lễ hội lớn như chùa Hương, đền Trần, đền Bà Chúa Kho, đền Kiếp Bạc, Phủ Dày... Theo điều kiện lịch sử tự nhiên để lại, không gian lễ hội của hầu hết di tích thường chỉ có giới hạn nhất định, trong khi đó, lượng du khách đến lễ hội mỗi năm một nhiều khiến cho tình trạng quá tải diễn ra hầu như không có cách nào khắc phục. Cứ mỗi mùa lễ hội là một lần các di tích lại oằn lưng gánh vác sự xâm hại, đau xót hứng chịu cảnh phá hủy nặng nề. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL di tích Hương Sơn giãi bày, năm nào sau mùa lễ hội, BQL đều tiến hành nâng cấp, tu sửa nhiều hạng mục công trình để chuẩn bị cho lễ hội sau nhưng có hạng mục không thể thực hiện được như việc trồng hàng cây dọc lối đi chính dẫn vào đền Trình, cây cứ trồng chưa kịp lớn đến mùa hội lại bị giẫm đạp, bẻ gãy…

Đáng nói hơn, trong hoàn cảnh đông đúc quá tải đó, người dân lại không có sự điều chỉnh hành vi cho đúng mực và có văn hóa. Các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên rằng, ý thức người tham gia lễ hội gần đây có quá nhiều biểu hiện lệch lạc, thiếu hiểu biết, góp phần không nhỏ trong việc phá hoại di tích. Cảnh tượng ném tiền vù vù xuống giếng cổ, lên mặt trống đồng, bằng mọi cách để nhét tiền vào tay tượng Phật rồi xô đẩy, chen lấn với những mâm lễ chất cao ngồn ngộn diễn ra rất phổ biến. Cộng thêm việc thắp hương tại các ban thờ quá nhiều đã tạo ra sự hủy hoại một cách vô thức các di tích. Không ít tượng phật, lư hương, rường cột trong di tích bị sứt mẻ, gãy đổ hay bị khói hương ám vào quá nhiều, lâu ngày gây xấu bẩn và mục rỗ. Nhiều điểm di tích, buồn thay, trở thành “thùng rác di động” của người đi trảy hội. Như chùa Hương, đền Bà Triệu, Đền Sóc, đền Hùng, chùa Trầm, đền Và… vào dịp lễ hội nhìn đâu cũng thấy rác. Đã thế, một số người còn ngang nhiên phá hoại cây xanh, vẽ bậy lên các di tích, sờ nắn bẻ gãy đồ thờ, tượng phật… làm cho di tích rơi vào tình trạng tan hoang, xơ xác sau mùa lễ hội.

Về những tồn tại này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho rằng, cần phải có sự thay đổi hành vi của chính những người tham gia lễ hội. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, nếu mỗi người đi lễ không tự làm chủ và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình thì sẽ rất khó để có thể đảm bảo được các vấn đề an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại lễ hội và càng khó hơn trong việc bảo toàn di tích sau mỗi mùa lễ hội.

 “Mượn” lễ hội để tận thu di tích?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL khẳng định: Thực trạng này là có thực ở khá nhiều địa phương. Các địa phương coi lễ hội và di tích là một nguồn thu lớn, ổn định hàng năm. Và một khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thì tính văn hóa của di tích sẽ dễ dàng bị dìm xuống. Người ta lập ban thờ, đặt hòm công đức tràn lan, tùy tiện khiến không gian truyền thống của di tích bị biến dạng, di tích mất đi vẻ tôn nghiêm vốn có. Thậm chí, tại một gốc cây người ta cũng cắm lên vài nén nhang, tuyên truyền rằng đó là gốc cây thiêng để rồi đặt hòm công đức. Dư luận từng rất bức xúc về việc hòm công đức đặt la liệt ở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Còn ở đền Bà Chúa Kho và Phủ Dầy, mỗi năm lại thấy “mọc” thêm một số ban thờ mới, kèm với đó là các hòm công đức mới…

Đó là chưa kể, còn có thực trạng một số địa phương chạy chọt đủ mọi cửa để xin được cái bằng công nhận di tích rồi thi nhau tổ chức lễ hội lớn nhất, dài ngày nhất với các kỷ lục “ghi-nét” có kích thước “khủng nhất” để… ganh đua với thiên hạ; lại còn phấn đấu nâng cấp lễ hội thành cấp khu vực và cấp quốc gia để tranh thủ xin kinh phí từ Nhà nước và các tổ chức tài trợ. Nhiều địa phương nhân dịp lễ hội để kêu gọi đầu tư. Giấy mời về dự lễ hội được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, được gửi đi khắp nơi mà không cần tính toán đến khả năng đón tiếp trong không gian hạn hẹp của di tích, miễn sao thu hút được thật nhiều khách thập phương đến với lễ hội quê mình. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc hòm công đức sẽ đầy và nặng ký hơn!

Việc mượn lễ hội để tận thu di tích còn thể hiện rõ khi mỗi dịp lễ hội đến, ban tổ chức các địa phương lại cho dẹp đường, san đất dựng lều rồi cho đấu thầu với giá càng cao càng tốt các điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ, khiến không thể quản lý được giá cả cũng như tình trạng lộn xộn ở các khu vực kinh doanh này. Phủ Dầy, Chợ Viềng, Phủ Tây Hồ, Chùa Hương… là những nơi nổi tiếng về “chặt chém” khách thập phương. Điều đó khiến cho môi trường cảnh quan của di tích bị xâm hại nghiêm trọng, còn môi trường văn hóa truyền thống gắn với di tích thì bị vẩn đục.

Cũng tương tự như chùa giả, tượng giả, hiện nay còn có cả những giá trị văn hóa, tín ngưỡng giả. Nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại, thần bí đã được thêu dệt lên để gắn với các di tích, cốt làm cho di tích đó có vẻ linh thiêng để thu hút nhiều khách thập phương hơn mà không quan tâm đến các yếu tố văn hóa truyền thống. Xu hướng “nâng tầm”, “nâng cấp” di tích theo cách này đang dần dần phá vỡ giá trị nguyên bản của di tích, khiến di tích ngày càng xa rời với cái gốc lịch sử. Như chuyện Bà Chúa Kho, tương truyền là một phụ nữ khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia, nay đã được thêu dệt “thành” bà Chúa chuyên cho vay và nếu vay được của bà thì sẽ làm ăn rất phát đạt. Những điều thêu dệt không chính xác ở các di tích đã làm sai lệch lịch sử đồng thời tạo điều kiện cho những hành vi trục lợi phát triển.

Sẽ không có gì đáng nói nếu việc “tận thu” di tích là để tái bảo tồn, trùng tu di tích. Thế nhưng, sự thật là ở nhiều nơi, lợi nhuận từ hoạt động lễ hội lại thuộc về cá nhân chứ không phục vụ cho di tích và sự phát triển của lễ hội. Có lễ hội thu được hàng chục tỷ đồng từ tiền công đức nhưng hầu như nguồn thu này không kiểm soát được khi mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau: nơi thì do ban quản lý di tích, nơi thì thuộc Sở VHTT&DL, nhiều nơi lại do thủ nhang, thủ đền quản lý để rồi sau đó cứ thất thoát đâu mất, trong khi di tích thì cứ mỗi năm một lần lại thêm bị bào mòn, bóc lột mà chẳng thấy được trùng tu, sắm sửa gì. Nếu có trùng tu, sắm sửa thì vẫn với kiểu tâm lý tận thu, những người quản lý chỉ nhăm nhăm dựng thêm nhiều ban thờ, đặt thêm nhiều hòm công đức… khiến cho tính nguyên trạng của di tích ngày càng bị biến dạng.

Một sự kết hợp giữa các ngành, các cấp trong việc bảo vệ các di tích mùa lễ hội là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân khi tham gia vào lễ hội cũng rất cần có một chế tài thật nghiêm khắc để xử phạt những trường hợp “mượn” lễ hội để tận thu từ đó thừa cơ phá hủy di tích. Có vậy mới mong di tích không bị biến thành hàng hóa, mới bảo vệ được các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của di tích. 

      

                                                                               Theo Báo SKĐS

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục