10 ngày sau khi phần I (42 tập) phim lịch sử cổ trang “Huyền sử thiên đô” “dứt sóng” trên VTV3 (ngày 9.9.2011), nhà đầu tư của phim - Cty Sao thế giới (STG) bắt đầu cuộc săn lùng kinh phí cho phần II phim - 30 tập còn lại.

 

Kinh phí cho 42 tập của phần I, được biết, STG bỏ ra hơn 60 tỉ đồng (chi phí khoảng 1,5 tỉ/tập phim), phần nhiều dành cho khâu trang phục, bối cảnh, đạo cũ, giám sát việc thực hiện phim,... Phim được chiếu vào khung giờ vàng, nhận được sự quan tâm của khán giả (từ các diễn đàn có gần 2.000 ý kiến bình luận, 300.000 lượt xem các trailer, teaser, các tập phim...), về góc độ tinh thần, với nhà sản xuất, như lời bà Phạm Ái Vân - Chủ tịch HĐQT Cty STG là “cực kỳ to lớn”, tuy nhiên, về góc độ vật chất, thì “việc thu hồi đủ số vốn bỏ ra, coi như vô vọng”. Cty STG, về cơ bản, đã chuẩn bị hòm hòm kinh phí cho 15 tập tiếp theo, nhưng muốn tìm đủ kinh phí cho 30 tập (kịch bản văn học bằng khoảng 35 tập phim) thì mới bắt tay vào thực hiện.

Chiều 19.9, trao đổi với chúng tôi, bà Vân cho biết: “Huy động vốn làm phần II phim là một bài toán khó, vì "Huyền sử thiên đô" không thuộc dòng phim thương mại, không lấy quảng cáo bù cho chi phí làm phim được. Chúng tôi có nghĩ tới chuyện trao đổi với êkíp làm phim, có thể tiết kiệm được khâu nào chăng...”.

Lê Long Đĩnh (giữa, ảnh) - một vai diễn được cho là “để đời” của Trung Dũng.
Lê Long Đĩnh (giữa, ảnh) - một vai diễn được cho là “để đời” của Trung Dũng.

Một câu hỏi được đặt ra: Trường hợp xấu nhất, không kiếm đủ kinh phí, nhà đầu tư chấp nhận bỏ cuộc và điều gì sẽ xảy ra? Phần I phim dừng ở tập 42 - cao trào, khi số phận của Lý Công Uẩn mang đến cho người xem sự tò mò lẫn tiếc nuối khi được tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn “cho phép” hấp dẫn khán giả bằng sự tưởng tượng - là Lý Công Uẩn rơi xuống vực sâu, rồi bị đi đày, ...

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Huyền sử Thiên đô” không phải là bản tường trình về quy trình dời đô. Tinh thần của “thiên đô” - dời đô có trong phần I, nhưng cao trào quyết định đặc điểm của phim nằm ở 30 tập cuối...”. Nhà báo Hà Phương - người có nhiều đóng góp vào dự án phim, cho biết: “Phần II càng được thực hiện nhanh, càng đỡ tốn. Nếu không làm tiếp, sẽ mất cơ hội tạo dựng một dòng phim lịch sử chính luận...”.

Đạo diễn Đặng Tất Bình cũng chia sẻ: “Kịch bản phim càng ngày càng hấp dẫn, không làm tiếp, rất uổng phí. Phần I xong, chúng tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì đã vượt xong một chặng đường khó. Buồn vì không biết bao giờ mới làm tiếp phần II...”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Giả dụ có kinh phí, liệu có thể quy tụ được hết giàn diễn viên không? Họ có sẵn sàng tham gia nữa không?”, ông Tất Bình cho biết: “Hơn 100 con người của đoàn phim chưa ai tỏ ra chán chường, vì đây là một dự án quy mô, tương đối chỉn chu. Sẵn có kinh nghiệm làm phim, ai cũng mong được làm tiếp...”.

“Huyền sử thiên đô” là một trong những phim được sản xuất nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là một trong số phim có đề tài lịch sử do tư nhân bỏ vốn thực hiện. Đó là điều đáng trân trọng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như lúc này, dịp đại lễ cũng đã qua, việc chờ kinh phí nhà nước, kêu gọi vốn từ nhà hảo tâm nào đó góp 15-20 tỉ đồng tiếp tục làm phim - rõ ràng là điều không tưởng. Và những câu chuyện quanh việc làm phim, được phép chiếu trên VTV, rồi việc kêu gọi vốn để làm tiếp phần II “Huyền sử thiên đô”, rõ ràng cũng là một ví dụ cho thấy phần nào thực trạng phim ảnh nước nhà...

 

                                                            Theo LaoDong

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục