Cuối tháng 6, chính quyền lâm thời ở Kyrgyzstan đã tiến hành trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới. 90% cử tri đã nhất trí áp dụng thể chế cộng hoà nghị viện ở quốc gia Trung Á này.

 

Bà Rosa Otunbaeva trở thành Tổng thống lâm thời đến hết ngày 31.12.2011. Cuộc bầu cử quốc hội dự kiến sẽ tiến hành vào ngày 10.10 tới đây.

Có vẻ như mọi chuyện đều tốt đẹp, dân chủ được thượng tôn. Nhưng cả dư luận Kyrgyzstan lẫn các nước láng giềng đều hoài nghi về tương lai của nền cộng hoà nghị viện ở đất nước này. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận xét: “Nếu xét đến thực tế là chính quyền ở đó thậm chí không đủ lực để giữ gìn trật tự, tôi khó mà hình dung được mô hình cộng hoà nghị viện sẽ hoạt động ở Kyrgyzstan như thế nào”. Ông Askar Akaev - tổng thống bị lật đổ trong “cách mạng uất kim hương” 5 năm trước ở Kyrgyzstan - cũng không tin rằng toa thuốc này sẽ vực đất nước khỏi cuộc khủng hoảng.

Theo Hiến pháp mới, Kyrgyzstan sẽ là nước đầu tiên ở Trung Á có “nền dân chủ nghị viện đa đảng”. Theo nhận định của đa số chuyên gia, thì đảng phái ở các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây đơn thuần là những nhóm người phò tá một nhà lãnh đạo. Ví dụ, 5 năm trước ở Kyrgyzstan, với sự hậu thuẫn của Mỹ các nhóm này phối hợp với Kurmanbek Bakiyev lật đổ Akaev. Tháng tư năm nay, cũng chính họ lật đổ Bakiyev. Không loại trừ trong tương lai sẽ đến lượt người tiếp theo. Như vậy, khó mà nói trước về một chính quyền mạnh và ổn định trong bối cảnh như vậy.

Bà Otunbaeva lên nắm quyền cũng không thiếu sự hậu thuẫn từ bên kia đại dương. Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua được tiến hành với kỹ thuật công nghệ cao. Theo những chuyên gia có mặt tại Kyrgyzstan trong quá trình trưng cầu dân ý, thì số tiền mà chính phủ lâm thời chi cho máy móc, thiết bị bỏ phiếu, tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu là rất lớn. Phần lớn các khoản chi đó là do các cơ quan chính phủ và gần chính phủ của Mỹ gánh giúp. Không những thế, trong và sau cuộc bỏ phiếu, chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan còn nhận được 32 triệu USD. Kết quả đương nhiên của “sự chuẩn bị kỹ thuật” như vậy còn là việc thông qua quan điểm chính thức của phái đoàn Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý  từ trước 27.6 - ngày diễn ra trưng cầu.

Phần lớn người dân Kyrgyzstan thực ra không bỏ phiếu cho Hiến pháp mới, vì họ không biết đầy đủ trong đó viết gì, mà là bỏ phiếu cho hoà bình và yên hàn ở đất nước. Những người dân được các quan sát viên nước ngoài hỏi trong ngày trưng cầu đều nói rằng: Nếu nhân dân ủng hộ thì chính phủ lâm thời sẽ hợp pháp và ngăn chặn được những tai ương sắp tới; nếu nhân dân không ủng hộ, thì chính phủ sẽ tan rã và đất nước sẽ lại rơi vào loạn lạc. Sau cuộc xung đột đẫm máu ở miền nam hồi tháng 5, người dân Kyrgyzstan thực sự muốn thoát khỏi cảnh “nồi da xáo thịt”.

Nhưng dù thế nào thì những sự kiện bi thảm hồi tháng 5 vẫn để lại vết thương trong lòng hai cộng đồng người Kyrgyz và người Uzbek. Theo Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan thì trong vụ bạo loạn này có bàn tay của những người ủng hộ ông Bakiyev. Họ đã sử dụng đội ngũ lính đánh thuê bao gồm các phần tử Taliban và Hồi giáo Uzbek. Rõ ràng là có mầm mống của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở đây, tuy chưa có vai trò rõ rệt, nhưng chỉ cần chính quyền suy yếu như một hệ quả của nền cộng hoà nghị viện, thì rất có thể sẽ trỗi dậy bóng ma Taliban ở đất nước này.

Theo các nhà quan sát thì Hồi giáo sẽ được sử dụng để hoà giải hai cộng đồng Kyrgyz và Uzbek, chỉ cho họ thấy rằng họ là anh em và gần gũi về mặt tư tưởng. Một bộ phận không nhỏ thanh niên Uzbek sẽ có thiện cảm với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hầu hết các thủ lĩnh truyền thống của người Uzbek đang lẩn trốn sự truy đuổi của chính quyền Kyrgyzstan, nên đây là cơ hội tuyệt vời để các nhóm Hồi giáo đang hoạt động bí mật lấp chỗ trống.

Tại các khu vực mà người Uzbek sinh sống lưu truyền những “huyền thoại” về các nhóm chiến binh Hồi giáo từ Tadjikistan tràn sang Kyrgyzstan trong sự kiện Batken năm 1999. Quân đội Kyrgyzstan đã phải cầu viện không quân Uzbekitan để tiêu diệt bọn chúng. Nếu như trước đây những chiến binh râu ria này không thể cậy nhờ gì người dân địa phương, thì nay chúng đã có thể. Và đó là xu thế nguy hiểm nhất ở Kyrgyzstan hôm nay. 

                                                                         Theo Báo Laodong

Các tin khác


Hàng chục nghìn người cao tuổi Nhật Bản qua đời trong cô độc mỗi năm

Ước tính mỗi năm có khoảng 68.000 người trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua đời trong cô độc tại nhà, mà không có bất kỳ người nào bên cạnh trong phút lâm chung. Thông tin trên được Cảnh sát Nhật Bản đưa ra ngày 14/5.

Tiến tới chấm dứt các phương thức nấu ăn gây hại cho sức khỏe con người, khí hậu

Ngày 14/5, đại diện của 50 quốc gia sẽ nhóm họp tại Pháp để thảo luận về thực trạng thiếu khả năng tiếp cận các phương pháp nấu ăn sạch trên toàn thế giới vốn là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm và khiến Trái Đất ấm lên.

Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục