Hôm qua, trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã thừa nhận rằng, lượng phóng xạ tại 4 lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi thuộc tỉnh Fukushima đã bắt đầu rò rỉ. Đây được coi là sự cố nghiêm trọng nhất đối với xứ sở mặt trời mọc sau ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần hôm 11/3.

 

Mặc dù vậy, ông Naoto Kan vẫn khẳng định, chính quyền Tokyo kiểm soát được tình hình và sẽ có những biện pháp giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và an ninh xã hội.

Cảnh báo từ Chính phủ

Theo thông tin từ đài NHK, dường như động đất và sóng thần vẫn chưa chịu "buông tha" xứ sở hoa anh đào. 5h sáng 15-3 (theo giờ địa phương), một trận động đất mạnh 4,1 độ richter lại làm rung chuyển khu vực Tokyo. Dù chưa có thông báo về thương vong hay thiệt hại, song dư chấn động đất cũng khiến người dân Nhật Bản thêm lo ngại. Trong khi đó, Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cho biết, lò phản ứng số 2 đã phát nổ và vụ nổ khiến lớp vỏ bảo vệ của lò bị hư hại nặng nề.

Mức phóng xạ đo được gần hai lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi đã lên tới mức 400.000 micro sievert. Khí hydro tại lò phản ứng số 4 cũng phát nổ do bị áp lực từ hai lò số 1 và số 3. Trước đó, bộ phận làm mát ở lò số 4 đã bị hư hỏng nặng.

Công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ tán người dân tới nơi an toàn vẫn đang được tiến hành khẩn trương.

Để trấn an người dân, Thủ tướng Naoto Kan đã khuyến cáo người dân sinh sống trong bán kính quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi từ 30km trở lên nên ở trong nhà. Những người dân sống ở quanh nhà máy điện trong bán kính 20km sẽ tiếp tục được sơ tán khẩn cấp. Theo lời khuyên của ông Yukio Edano, dân chúng trong khu vực được yêu cầu không uống nước trực tiếp từ vòi, không rửa tay chân ở nước bề mặt ngoài trời, không đi ra ngoài, mọi cửa sổ, cửa thông gió phải đóng lại để ngăn bụi phóng xạ tràn vào.

Về thông tin chất phóng xạ đã lan tới thủ đô Tokyo, Chánh văn phòng nội các khẳng định, mặc dù lượng chất phóng xạ phát hiện ở khu vực Bắc Tokyo có gia tăng nhưng chưa đạt tới nồng độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, khuyến cáo từ Viện An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản (NISA) là người dân cần bình tĩnh và tuân thủ những yêu cầu cũng như khuyến cáo của nhà chức trách để đảm bảo an ninh xã hội. Có như vậy, chính phủ mới có thể thực hiện được những biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe và cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, người ta cũng không loại trừ khả năng khi nồng độ phóng xạ tăng cao, sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Những biện pháp khắc phục

Một mặt trấn an dân chúng, mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng đã công khai việc cập nhật thông tin về mức độ phóng xạ ở tỉnh Fukushima để cho mọi người cùng hiểu và cùng có cách phòng chống hợp lý.

Mọi thông tin về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân đều được chính phủ Nhật Bản công khai hóa và người dân được khuyến cáo kịp thời, đồng thời có những đoàn y tế kiểm tra sức khỏe của từng người.

Theo báo cáo, tỉnh Fukushima có hai nhà máy điện hạt nhân là Fukushima Dai-ichi và Fukushima Daini. Fukushima Dai-i-chi được xây dựng và vận hành đầu tiên của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), gồm tổ hợp 6 lò phản ứng. 3 trong 6 lò này đã bị nổ, lò số 4 bị cháy.

Ông Yukio Edano cho hay, nhiệt độ tại hai lò phản ứng số 5 và số 6 tuy không tăng nhanh nhưng cũng chẳng giảm đi cho dù 50 công nhân với trang phục bảo hộ đã liên tục bơm nước biển vào để làm mát lò. 800 công nhân khác trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Điều đáng lo ngại nhất là dù nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini nằm cách nhà máy này vài chục km về phía Nam với 4 lò phản ứng, nhưng theo khuyến cáo từ TEPCO, mức độ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân số 2 cũng đang bắt đầu tăng lên. Chỉ số đo từ TEPCO cho thấy, nồng độ phóng xạ tính đến chiều 15/3 đã tăng gấp 260 lần so với mức bình thường.

Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30km xung quanh nhà máy Fukushima Dai-i-chi và chính thức đề nghị Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cử chuyên gia tới hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân sau các trận động đất và sóng thần.

Và sự hỗ trợ của quốc tế

Thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, trận động đất mạnh 8,9 độ richter ở Nhật Bản vừa qua là một thảm họa lớn nhất trong lịch sử động đất kể từ năm 1900 đến nay. Ước tính ban đầu cho thấy, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.

Cho đến nay, 70 quốc gia đã tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Nhật Bản khắc phục mọi hậu quả của động đất và sóng thần. Ít nhất 5 quốc gia đã cử lực lượng tìm kiếm cứu nạn tới Nhật Bản để phối hợp cùng Lực lượng phòng vệ tìm kiếm, cứu nạn cho các nạn nhân của động đất và sóng thần, trong đó Mỹ cử 144 nhân viên và 12 chó nghiệp vụ, Hàn Quốc cử 107 nhân viên tìm kiếm cứu nạn. 50 nhân viên thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga, 63 nhân viên phòng cháy chữa cháy của Anh đã tới Nhật Bản tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn.

Fukushima 1: Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi. Fukushima 2: Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini. Vòng tròn là tâm chấn vụ động đất mạnh 8,9 độ richter hôm 11/3.

Dự kiến, trong một hai ngày tới sẽ có đoàn chuyên gia y tế của Thái Lan và các chuyên gia y tế đến từ tổ chức quốc tế "Bác sỹ không biên giới" tới Nhật Bản. Ngoài hỗ trợ về sức người, các quốc gia cũng liên tục quyên góp và tuyên bố những số tiền lớn để trợ giúp người dân Nhật Bản vượt qua thời khắc khó khăn này.

Riêng về vấn đề nhà máy điện hạt nhân, cả thế giới đều hướng về Nhật Bản với sự sẻ chia và giúp đỡ hết sức. IAEA trong một vài ngày tới sẽ cử đoàn chuyên gia tới Nhật Bản.

Tập đoàn General Electric - đơn vị cung cấp các lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi cũng đề nghị giúp đỡ khẩn cấp cho Nhật Bản. EU cũng đang họp khẩn cấp để thảo luận về sự cố hạt nhân và đưa ra cách thức phản ứng thống nhất của khối. Ủy ban Quản lý hạt nhân của Mỹ (NRC) đang cân nhắc khả năng giúp Nhật Bản kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại

 

                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Hàng chục nghìn người cao tuổi Nhật Bản qua đời trong cô độc mỗi năm

Ước tính mỗi năm có khoảng 68.000 người trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua đời trong cô độc tại nhà, mà không có bất kỳ người nào bên cạnh trong phút lâm chung. Thông tin trên được Cảnh sát Nhật Bản đưa ra ngày 14/5.

Tiến tới chấm dứt các phương thức nấu ăn gây hại cho sức khỏe con người, khí hậu

Ngày 14/5, đại diện của 50 quốc gia sẽ nhóm họp tại Pháp để thảo luận về thực trạng thiếu khả năng tiếp cận các phương pháp nấu ăn sạch trên toàn thế giới vốn là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm và khiến Trái Đất ấm lên.

Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Australia cân nhắc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Giáo dục Australia đang cân nhắc khả năng đặt ra giới hạn về tuyển sinh quốc tế, theo một dự luật được đề xuất nhằm "cải thiện chất lượng giáo dục”.

Hội nghị các nhà tài trợ tại Kuwait cam kết huy động hơn 2 tỷ USD cho Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hội nghị của các nhà tài trợ quốc tế tại Kuwait đã cam kết viện trợ hơn 2 tỷ USD cho Dải Gaza ngày 12/5, trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức” ở dải đất đang bị phong tỏa này.

Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Sẽ họp tìm giải pháp hỗ trợ các tiểu thương

Liên quan đến vụ cháy Trung tâm thương mại số 44 Marywilska, thủ đô Vácsava, Ba Lan, nơi có hàng trăm quầy hàng của người Việt Nam, ngày 12/5, Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan đã liên hệ với Chủ tịch tỉnh Mazowieckie, và thủ đô Vácsava để nắm thêm tình hình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục