Cả hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều khai nhận tiền từ ông Phạm Nhật Vũ để chỉ đạo sớm bán cổ phần AVG cho Mobifone. Trong đó, riêng ông Son nhận đến 3 triệu USD.

Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD - Ảnh 1.
Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và bị can Trương Minh Tuấn - Ảnh: Bộ Công an

Ngày 2-9, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất và tống đạt kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông và ông Trương Minh Tuấn - cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG.

Trước đó, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn cùng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tội nhận hối lộ.

Ngoài ra Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG, cùng hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Mobifone và giám đốc nhiều công ty khác.

Nhận 3 triệu USD tại nhà riêng

Theo kết luận điều tra, ông Son khai trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc mong muốn bán được sớm cổ phần.

Ông Son biết nhiệm kỳ bộ trưởng đến tháng 4-2016 là hết nên muốn có dấu ấn tạo ra cho Mobifone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Mặt khác, ông Son nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD - Ảnh 2.

Ông Phạm Nhật Vũ tại cơ quan điều tra - Ảnh: Bộ Công an

Sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Ông Son nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG. Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 - 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Ngoài ra ông Son còn thừa nhận vào dịp lễ, tết đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc Mobifone, số tiền 200 triệu đồng dịp 30-4-2015 và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone, dịp tết âm lịch 2016.

Quá trình điều tra ông Son nhận thức số tiền nhận từ ông Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD.

Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo Mobifone cũng nhận cả triệu USD

Bị can Lê Nam Trà , cựu chủ tịch HĐTV Mobifone, khai quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện giục sớm hoàn thành dự án. Sau khi hoàn thành dự án, trước và sau tết âm lịch 2016, ông Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ số tiền 2,5 triệu USD. Số tiền này ông Trà đã sử dụng cá nhân.

Với cương vị là chủ tịch HĐTV Mobifone, ông Trà nhận thức được việc nhận tiền từ ông Vũ là sai, vi phạm pháp luật nên đã đề nghị xin được khắc phục toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD hưởng lợi bất chính.

Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD - Ảnh 3.

Cơ quan điều tra khám xét nhà ông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: TTO

Ngoài ra, ông Trà còn khai dịp Tết âm lịch 2016 đã biếu ông Nguyễn Bắc Son số tiền 700.000 USD, trong đó có 500.000 USD nhận từ ông Vũ. Tuy nhiên, ông Trà xác định đây là việc dân sự cá nhân giữa ông với ông Son nên không yêu cầu đề nghị xem xét trong vụ án.

Bị can Cao Duy Hải, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Mobifone, khai sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, vào tháng 4-2016, ông Phạm Nhật Vũ đến phòng làm việc của ông Hải tại cơ quan tòa nhà Mobifone và đưa 500.000 USD.

Ông Hải nhận thức được việc nhận tiền của ông Vũ là sai, hưởng lợi bất chính và đã có đơn xin nộp lại toàn bộ số tiền trên để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước 7.000 tỉ đồng

Theo kết luận điều tra, các lãnh đạo thuộc hội đồng thành viên MobiFone thời điểm mua AVG (tháng 12-2015) có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài việc lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều sai phạm, MobiFone còn vi phạm trong đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG...

Theo đó, chẳng những không đánh giá đầy đủ về thực trạng tài chính "rất xấu" của AVG, thay vào đó lại nhận định khả quan hiệu quả kinh doanh của AVG khi báo cáo với Bộ Thông tin - truyền thông để phê duyệt dự án.

Thậm chí, MobiFone còn không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG, một động thái được cho thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.

Những sai phạm trên đã gây nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước tại MobiFone hơn 7.000 tỉ đồng. Khiến hiệu quả kinh doanh từ năm 2016 và các năm tiếp theo sụt giảm, trong đó số lỗ lũy kế đến 2017 hơn 1.900 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa MobiFone.

Theo hồ sơ vụ án, quá trình thực hiện dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin - truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm: dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm Luật đầu tư;

Phê duyệt dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm Bộ Thông tin - truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; quyết định phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật...

                                                                                       Theo báo Tuổi Trẻ

Các tin khác


Ngày 15/5, xét xử phúc thẩm vụ Việt Á

Sáng mai (15/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 13/5, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Tăng mức phạt đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng là chưa đủ sức răn đe.

Triệt xóa điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá thành công một điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn phường Phương Lâm.

Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục