Bùi Tiến Dũng và Vũ Mạnh Tiên.

Bùi Tiến Dũng và Vũ Mạnh Tiên.

Vũ Mạnh Tiên bảo không nhớ hết các lần thanh toán hộ sếp Dũng tiền thắng, thua cá độ bóng đá. Thừa nhận hành vi mình làm là sai, nhưng vì anh Dũng là "sếp" nên Tiên không dám làm trái, anh bảo gì thì cứ thế mà thực hiện.

Tính đến ngày 3/8/2010, nhân vật từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực để nói đến là Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU18), thuộc Bộ Giao thông vận tải đã phải nhận hai bản án với hình phạt chung là 16 năm tù giam về ba tội danh: đánh bạc, đưa hối lộ và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là hình phạt cuối cùng bởi sai phạm của Bùi Tiến Dũng vẫn đang tiếp tục làm rõ. Sắp tới, Bùi Tiến Dũng tiếp tục phải hầu tòa vì hành vi tham ô tài sản khi PMU18 triển khai Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy.

Về hành vi phạm tội của Dũng, chúng tôi không bình luận bởi đó là nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là nhiều người từng là cán bộ, nhân viên của Dũng đã và sẽ phải nhận những bản án nghiêm khắc vì hành vi vi phạm pháp luật. Nghĩ lại thấy thật buồn cho những cán bộ, nhân viên của Bùi Tiến Dũng, chỉ vì nghe theo mọi sự chỉ đạo của "sếp" Dũng, kể cả những chỉ đạo sai nên họ đã phải nhận hậu quả lớn.

Có phải buồn mà cá độ bóng đá?

Bùi Tiến Dũng sinh năm 1959, quê ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Đến tuổi trưởng thành, Dũng đi bộ đội được một thời gian thì giải ngũ. Trong môi trường làm việc mới, Dũng đã gặp không ít khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm, Dũng biết nỗ lực để vượt lên chính mình. Nhưng bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Dũng chỉ thực sự thay đổi khi Dũng vào làm việc tại Vụ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, Dũng được điều động sang PMU18. Tại đơn vị này, Dũng thăng tiến rất nhanh, lần lượt giữ các chức vụ từ Phó Chánh văn phòng cho đến Phó Tổng giám đốc.

Năm 1998, Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMU18. Khi mà mọi người tưởng như con đường phát triển sự nghiệp của Dũng rất thuận lợi và êm đẹp thì đầu năm 2006, Dũng bị bắt và bị cáo buộc đã tham gia cá độ bóng đá với số tiền trên một triệu USD.

Những thông tin của CQĐT và báo chí sau đó cho thấy, Dũng là một tay chơi sành sỏi trong đó có nổi tiếng về "món" đánh bạc và nhậu nhẹt. Sau khi bị bắt, ngoài biệt danh Dũng “tổng", Bùi Tiến Dũng còn được dư luận gọi là "con bạc triệu đô".

Chẳng biết có phải là sự biện minh hay không, nhưng ngay từ khi bị CQĐT lấy cung cho đến khi hầu tòa, Bùi Tiến Dũng đều nói rằng, nguyên nhân khiến anh ta đến với cá độ bóng đá là do buồn về chuyện gia đình (Dũng khai là ly thân với vợ).

Ngoài ra, Dũng còn nói con đường đến với cá độ một phần xuất phát từ việc anh ta thích xem các giải bóng đá của Italia, Anh, Tây Ban Nha... Trong lúc xem bóng đá, Dũng thường trao đổi với hai thuộc cấp là Vũ Mạnh Tiên, nguyên Phó Chánh văn phòng PMU18 và Lương Mạnh Hoa, nguyên là lái xe của PMU18 về tình hình của một số đội bóng, bàn luận và nhận định về khả năng đội nào thắng, đội nào thua. Và cuối cùng, Dũng hỏi thuộc cấp về tỉ lệ cá cược giữa các đội để đặt cửa cá độ. Có lần Dũng trực tiếp đặt tiền cá độ, có lần Dũng nhờ Tiên hoặc Hoa đặt độ tiền.

Theo lời khai của Bùi Tiến Dũng thì khoảng tháng 2/2005, Dũng bắt đầu chơi cá độ bóng đá với Bùi Quang Hưng, trước khi bị bắt là cán bộ CSGT Công an TP Hà Nội. Sau đó, Dũng chơi cá độ với Nguyễn Văn Hồng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản và Thương mại Thăng Long.

Khi mới tham gia cá độ, Dũng chỉ chơi từ vài trăm USD, rồi đến vài ngàn USD một trận. Sau này do bị thua nhiều, Dũng "cay" mà chơi đến chục ngàn USD, rồi vài chục ngàn USD một trận. Dũng đã chơi cá độ khoảng 30 trận với Nguyễn Quang Hưng. Với Nguyễn Văn Hồng, Dũng chơi khoảng 10 trận. Ngoài ra, Dũng còn tham gia cá độ với Hiếu "béo" một số trận nữa.

Lương Mạnh Hoa.

Để xác định tính chính xác trong những lời khai của Dũng về số tiền đánh bạc, Thẩm phán Ngô Thị Yến, Chủ tọa phiên tòa xét xử Bùi Tiến Dũng và đồng phạm về hành vi đánh bạc và đưa hối lộ hỏi Dũng: "Có đúng bị cáo đánh bạc nhiều lần với tổng số tiền lên tới 1 triệu USD không?". Bùi Tiến Dũng trả lời: "Thưa tòa, có lẽ số tiền ít hơn một chút ạ".

Ngoài tội đánh bạc và đưa hối lộ của Bùi Tiến Dũng đã được làm rõ và xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án bằng bản án 13 năm tù giam. Sang giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại PMU18, cơ quan công tố đã cáo buộc Bùi Tiến Dũng (từ năm 1998-2005) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho mượn, sử dụng sai mục đích và sử dụng không đúng tiêu chuẩn 9 xe ôtô, gây thiệt hại gần 2,7 tỉ đồng. Hành vi nêu trên của Bùi Tiến Dũng đã cấu thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và Dũng tiếp tục bị phạt thêm 3 năm tù giam.

Giai đoạn 3, cũng là phần cuối của vụ án xảy ra tại PMU18, Bùi Tiến Dũng bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội tham ô tài sản trong Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy do PMU18 làm đại diện chủ đầu tư. Khi triển khai công việc được giao, nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch, PMU18 Phạm Tiến Dũng phát hiện thấy có sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho các nhân viên tư vấn tại các gói thầu nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền lương.

Sau khi xin ý kiến Bùi Tiến Dũng về việc lập danh sách khống nhân viên tư vấn, Phạm Tiến Dũng đã bàn bạc với Nguyễn Vũ Nam để trực tiếp lập khống danh sách tám nhân viên tư vấn tại gói thầu BC2, và thông đồng với giám đốc điều hành các gói thầu BC1 và BC3 để lập khống danh sách 17 nhân viên tư vấn tại hai gói thầu này.

Từ tháng 8/2003 đến tháng 2/2007, Phạm Tiến Dũng cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt tiền lương theo danh sách 26 nhân viên tư vấn khống tại Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Trong tổng số tiền này đã được PMU18 thanh toán từ nguồn vốn của dự án gần 3,1 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Tiến Dũng cùng các đồng phạm hưởng lợi cá nhân số tiền gần 1,6 tỉ đồng. Số tiền còn lại đã sử dụng hết cho mục đích khác theo chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng. Tháng 7/2009, Phạm Tiến Dũng đã chết do mắc bệnh tiền sử nên CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Sếp bảo thì phải nghe!

Trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại PMU18, nguyên Phó Chánh văn phòng PMU18 Vũ Mạnh Tiên đã bị Tòa án xử phạt 7 năm tù giam cho hai tội đánh bạc và đưa hối lộ. Nguyên lái xe cho PMU18 Lương Mạnh Hoa cũng bị xử phạt 7 năm tù về hai tội đánh bạc và đưa hối lộ. Cùng hầu tòa với Bùi Tiến Dũng ở giai đoạn 2 của vụ án, Vũ Mạnh Tiên nhận thêm bản án 2 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các thuộc cấp khác của Bùi Tiến Dũng tùy theo mức độ phạm tội mà bị xử phạt từ tù giam đến tù treo.

Một hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng mà các thuộc cấp của Bùi Tiến Dũng đã thực hiện theo chỉ đạo của Dũng, là mang tiền đi "đưa hối lộ" khi Bùi Quang Hưng bị bắt vì liên quan đến hành vi cá độ bóng đá. Trong cách nghĩ của Dũng, việc mang tiền đi đưa hối lộ để CQĐT "không sờ" đến và như vậy Dũng sẽ thoát tội.

Dũng khai trước tòa rằng, khi Bùi Quang Hưng bị bắt thì Dũng đang công tác ở tỉnh Sóc Trăng. Qua nguồn tin từ Lương Mạnh Hoa báo, Dũng rất lo lắng vì có chơi cá độ bóng đá với Hưng nên sợ Hưng khai ra. Bởi thế, Bùi Tiến Dũng đã nhờ Tôn Anh Dũng (tức Dũng "Huế") nắm giúp tình hình vì Dũng "Huế" có quen biết một số cán bộ làm trong ngành bảo vệ pháp luật. Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện, Bùi Tiến Dũng gọi điện thoại bảo Vũ Mạnh Tiên đưa 30.000 USD cho Dũng "Huế".

Theo chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng, Lương Mạnh Hoa đi ôtô cùng Vũ Mạnh Tiên mang theo 30.000 USD đến thuê hai phòng nghỉ ở khách sạn Guoman, Hà Nội chờ gặp Dũng "Huế" và đưa tiền. Gặp nhau tại đây, Vũ Mạnh Tiên nói với Dũng "Huế" rằng: "Sếp bảo tôi đưa cho ông 30.000 USD". Khi Hội đồng xét xử hỏi Lương Mạnh Hoa về việc "Vì sao lại nhận lời cầm tiền đưa cho những người mà Bùi Tiến Dũng nói?", Hoa trả lời: "Tôi chỉ là lính nên thủ trưởng bảo gì nghe nấy". "Dù biết đó là việc làm sai thì bị cáo vẫn nghe à?", vị Chủ tọa hỏi. Hoa trầm giọng: "Thưa tòa, anh Dũng vừa là anh, vừa là sếp nên bị cáo cũng có cái khó ạ"… 

Cũng là việc "sếp bảo phải nghe", trong giai đoạn 2 của vụ án, nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch PMU18 Phạm Tiến Dũng là người dự thảo công văn, làm việc với nhà thầu để mua ba xe ôtô không đúng chủng loại theo sự chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng. Dù sau đó, Phạm Tiến Dũng đã được Viện KSND Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra bị can về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng rõ ràng trong sự việc này, Phạm Tiến Dũng đã không có quan điểm, chính kiến để tham mưu cho Bùi Tiến Dũng mà chỉ biết làm theo một cách thụ động theo chỉ đạo của Dũng.

Vụ án xảy ra ở PMU18 đến nay đã 5 năm. Không lâu nữa, giai đoạn cuối cùng của vụ án liên quan đến hành vi tham ô tài sản của Bùi Tiến Dũng trong Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy sẽ được xét xử. Những đối tượng vi phạm pháp luật sẽ bị pháp luật xử lý. Vụ án gây xôn xao dư luận một thời sẽ khép lại. Nhìn từ vụ án này, dư luận thấy thương nhưng lại giận cho những cán bộ, nhân viên cấp dưới của Bùi Tiến Dũng. Điều đáng trách ở họ là thiếu quan điểm, lập trường mà chỉ biết thực hiện những việc làm không đúng mà Bùi Tiến Dũng chỉ đạo, để hậu quả là mang họa vào thân. Hi vọng rằng, bài học từ vụ án xảy ra ở PMU18 sẽ là lời cảnh tỉnh cho mỗi người, trong công việc và cuộc sống, đừng bao giờ vận hành như một con rôbốt. Bởi chúng ta đều biết suy nghĩ trước khi hành động, trừ phi ai đó cố tình làm sai mà thôi!

Các tin khác


Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Cảnh báo chiêu lừa đảo tạo lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa tiền

Cơ quan công an cảnh báo đã có không ít người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận tiền trùng với tên người quen của mình.

Một ngày bắt 2 vụ phạm tội về ma túy 

Chỉ trong chiều và tối 9/6, Công an tỉnh Hoà Bình đã liên tiếp bắt 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Huy động sức dân giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở

Từ sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội đã giúp lực lượng Công an tổ chức thực hiện và đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm pháp hình sự từ 82% trở lên, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt từ 96% trở lên; chuyển hóa thành công 36/36 xã, thị trấn ra khỏi diện địa bàn "trọng điểm, phức tạp về ANTT"... Đó là những kết quả nổi bật khi phát huy tốt vai trò của quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ).

Lĩnh 17 năm tù vì mua ma túy rồi rủ vợ chồng bạn cùng sử dụng

Ngày 10/5, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Hà Văn Duẩn (SN 1987), trú tại xã Bao La (Mai Châu) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”; Phạm Hồng Mạnh (SN 1990), trú tại khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” và tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Trần Bảo Trân (SN 1994) và Nguyễn Thị Tấn (SN 1989) cùng trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục