Phạm nhân Nguyễn Hữu Nghĩa.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Nghĩa.

Có những phạm nhân sống trong trại giam đã nhiều năm rồi nhưng chưa từng một lần được gặp gỡ người thân. Có những phạm nhân tuổi đã gần đất xa trời mong ước lớn nhất chỉ là được trở về để "chết ở nơi chôn nhau cắt rốn". Và có những phạm nhân trong phút giây nào đó lại biến mình thành thi sĩ "bất đắc dĩ" để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Bài 1: Ước một lần gia đình lên thăm Tết

Lâu lắm rồi miền Bắc mới lại phải dầm mình trong cái rét khủng khiếp đến thế. Mưa lất phất càng khiến cho không khí trở nên đông cứng lại. Cõng ba lô lên đường vào cái thời khắc chưa nhìn rõ mặt người cũng khiến đôi chân tôi như muốn chùn lại. Nhưng, nghĩ đến những thân phận người đang phải trả giá cho những lỗi lầm quá khứ ở trong trại giam tôi lại muốn đến gặp họ để chia sẻ, để động viên.

Bởi lẽ, thời khắc xuân về, Tết đến luôn là khoảng thời gian buồn bã nhất, đáng sợ nhất của những con người mất tự do.  Mặc dù đã được trại lo đủ đầy cho những cái tết, nhưng nỗi nhớ quê, thèm khát tiếng người thân, thèm khát một sự viếng thăm của gia đình đốt cháy, quay quắt trong tâm khảm. Nhất là khi Tết đến, những phạm nhân khác tíu tít gia đình lên thăm nuôi thì với những phạm nhân chưa một lần có gia đình thăm hỏi lại tê tái, quặn đau một nỗi bị gia đình bỏ rơi.

Có những phạm nhân sống trong trại giam đã nhiều năm rồi nhưng chưa từng một lần được gặp gỡ người thân. Có những phạm nhân tuổi đã gần đất xa trời mong ước lớn nhất chỉ là được trở về để "chết ở nơi chôn nhau cắt rốn". Và có những phạm nhân trong phút giây nào đó lại biến mình thành thi sĩ "bất đắc dĩ" để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Tất cả họ đều là những con người đã một thời lầm lỗi nay đang cùng phấn đấu cải tạo tốt để mong sớm có ngày trở về xã hội. Loạt bài phóng sự sau đây của Cảnh sát toàn cầu tuần là những lát cắt nhỏ về những góc tâm can của những con người ấy trong khoảnh khắc năm cũ sắp qua đi và năm mới đang về…

1. Nhìn Nguyễn Hữu Nghĩa không mấy ai nghĩ rằng anh ta chưa đầy ba mươi tuổi. Khuôn mặt từng trải in hằn những nếp nhăn khiến Nghĩa trông già hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Đã mười năm rồi kể từ khi bước chân vào trại giam, Nghĩa chưa từng một lần được người thân đến thăm. Có lẽ vì tủi phận mình nên Nghĩa luôn có thái độ bất mãn và khiêu khích. Mười năm qua Nghĩa đã phải di lí đi nhiều trại khác nhau.

Nguyễn Hữu Nghĩa quê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cho tới hôm tôi gặp Nghĩa thì anh ta mới chuyển ra Trại giam Phú Sơn được tròn hai mươi hôm. Nói chuyện với tôi mà Nghĩa không ngừng xuýt xoa. Hành trang chuyển trại không có gì ngoài những bộ quần áo phạm nhân trại cấp phát. Chiếc áo khoác cũ Nghĩa mặc hôm ngồi nói chuyện với tôi cũng là của một phạm nhân khác thương cảm đem cho. Có lẽ cái rét của đất trời không buốt bằng cái giá băng trong lòng Nghĩa. Dù rằng anh ta đã quen với cái cảm giác không được người thân đến thăm nhiều năm qua, nhưng năm nay cái cảm giác ấy vẫn khác hẳn. Đến một trại mới, lạ nước lạ cái, lạ cả con người lại quá xa xôi về địa lý và vào thời điểm giáp Tết càng khiến lòng dạ Nghĩa bồn chồn không nguôi.

Xấp xỉ ba mươi tuổi nhưng Nghĩa không hề biết chữ. Đơn giản bởi Nghĩa chưa từng một lần được cắp sách tới trường. Cha Nghĩa mất từ khi anh ta còn chập chững, một mình mẹ bươn chải trăm thứ nghề để nuôi nấng bảy anh em. Anh em nhà Nghĩa không ai được đi học, lớn lên mỗi người phải tự tìm cho mình một nghề để kiếm kế sinh nhai. Cả gia đình Nghĩa đã lấy bến xe Ngã ba Vũng Tàu làm nơi kiếm cơm. Ở đó Nghĩa buôn bán lặt vặt đồng thời kiêm luôn cả nghề cò vé. Làm lụng vất vả mà tiền kiếm cũng chả được bao nhiêu nên anh ta muốn liều một phen, thử vận may của mình trong một nghề mạo hiểm "đi cướp". Một đêm, Nghĩa bịt kín mặt và chặn một chiếc xe tải chở hàng đông lạnh. Lần đầu “ra quân” Nghĩa cướp được hơn một trăm triệu tiền hàng của người chủ chiếc xe đông lạnh đó. Nhưng có lẽ do chưa đứng số, tiền cướp được chưa kịp tiêu thì anh ta đã bị bắt. Tòa tuyên án Nguyễn Hữu Nghĩa 16 năm tù vì tội cướp tài sản công dân.

Tính tới thời điểm này Nghĩa đã đi qua được quá nửa chặng đường trên con đường trả giá cho lỗi lầm mà mình đã gây ra. Mười năm chưa từng một lần được hội ngộ người thân và Nghĩa cũng không nhận được bất kể thông tin nào về họ. Có gia đình nhưng Nghĩa đã phải trải qua cái cảm giác luôn luôn chỉ có "mình ta với ta". Rất nhiều lần Nghĩa đặt giả thiết về sự việc bị bỏ rơi: Nào là vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện để thăm nuôi; Nào là chắc gia đình còn giận vì tội lỗi mà Nghĩa gây nên. Nhưng cuối cùng câu trả lời cho mỗi giả thiết ấy vẫn luôn chỉ là nỗi buồn và sự thất vọng. Vẫn biết rằng tội mình gây nên thì mình phải chịu nhưng Nghĩa vẫn mong lắm một lần, dù chỉ một lần thôi người thân của Nghĩa sẽ đến trại giam thăm Nghĩa. Đó sẽ là thần dược để anh ta gạt mọi nỗi tủi hờn mà cố gắng phấn đấu thật tốt mong sớm có ngày trở về xã hội.

Phạm nhân Vi Văn Khèn đang cố gắng cải tạo thật tốt để về với các con.

2. Cũng giống Nguyễn Hữu Nghĩa, Vi Văn Khèn quê Cao Lộc, Lạng Sơn trước khi vào trại cũng không hề biết chữ. Nhưng chỉ cách đây chưa đầy một tháng Khèn đã "tốt nghiệp" lớp xóa mù chữ trong trại giam. Biết viết chữ rồi trong lòng Khèn đang ấp ủ sẽ viết một bức thư gửi về cho ba đứa con nơi quê nhà. Cũng gần mười năm rồi, kể từ khi vào trại Khèn chưa từng gặp chúng và cũng không hay biết thông tin gì về chúng. Chẳng biết giờ này chúng sống ra sao. Ba đứa con của Khèn phải tự nương tựa vào nhau mà sống. Chẳng còn ai chăm sóc cho chúng nữa. Khèn đi tù, còn vợ Khèn thì đã chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của anh ta. Khèn còn nhớ như in cái buổi chiều định mệnh ấy, khi men rượu đã ngấm vào người, Khèn mới lảo đảo trở về nhà. Thấy chồng lại say khướt, vợ Khèn không nhịn được nên lại ca bài ca muôn thuở. Suốt ngày phải nghe vợ làu bàu, Khèn thấy ức cái bụng nên lấy luôn cái dao nhọn để ở đầu giường đâm một nhát chí mạng vào vợ, khiến vợ anh ta chết ngay tại chỗ. Thấy bố đâm mẹ và thấy máu chảy lênh láng, ba đứa con của Khèn đứa nào đứa ấy mặt cắt không còn một giọt máu. Rồi chúng hoảng quá rủ nhau bỏ trốn lên rừng. Khèn cũng trốn lên rừng nhưng đi theo hướng khác. Hai hôm sau Khèn bị Công an bắt.

Kể từ đó đến nay cũng đã nhiều năm qua rồi nhưng chưa phút giây nào Khèn nguôi quên về tội lỗi của mình. Càng nghĩ Khèn càng thấy mình đã sai nhiều quá. Khèn đã từng có một gia đình với vợ và các con. Vậy mà giờ đây cái gia đình ấy đã tan đàn xẻ nghé vì Khèn. Sắp đến Tết rồi lòng Khèn lại thấy buồn khôn tả. Khèn buồn vì nhiều nỗi. Khèn chạnh lòng mỗi khi chứng kiến các phạm nhân khác được người nhà lên thăm gặp, động viên ăn Tết vui vẻ. Còn Khèn luôn chỉ nhận được những món quà động viên của trại được trích ra từ quỹ tình thương cho những người không có gia đình đến thăm gặp.

Tủi phận mình bao nhiêu Khèn lại nhớ và thương các con bấy nhiêu. Tết đến chả biết chúng có mua được cái gì ngon ngon mà ăn không. Sống cảnh mồ côi Khèn biết những đứa con của Khèn sẽ phải vất vả trăm bề. Giá như không có chuyện gì xảy ra thì giờ này Khèn đã đang cùng vợ chuẩn bị lo Tết cho gia đình. Dù chả có tiền mua sắm được gì nhiều nhưng Tết đến nhà Khèn sẽ nấu bánh chưng, thịt gà, thịt vịt và cùng nhau uống rượu. Năm nào dư dả hơn, nuôi được con lợn béo thì đến Tết sẽ vật ra làm thịt. Tết nào nhà thịt lợn thì coi như năm đó ăn cỗ to. Các con của Khèn sẽ sướng lắm vì chúng sẽ được ăn thịt cho đến tận ra giêng.

Gần mười cái Tết trôi qua trong hờn tủi, trong hối hận, ăn năn và trong nỗi nhớ các con đến cháy ruột cháy gan. Và Khèn biết, Tết năm nay cũng sẽ chẳng khá gì hơn những cái Tết đã qua. Vẫn là cái Tết không người thân thăm gặp và đau đáu hướng về nơi xa lắc - nơi mà các con của Khèn luôn phải đón những cái Tết "mồ côi".

Phạm nhân Nguyễn Hữu Xuân.

3. Dù mới chỉ bốn mươi tuổi nhưng trông Nguyễn Hữu Xuân (Định Hóa, Thái Nguyên) chẳng khác nào một ông lão xấp xỉ bảy mươi: Hai má tóp lại chỉ còn trơ xương, đôi mắt lồi ra đến độ cho người ta cảm giác có thể chọc thẳng vào người đối diện. Thân hình Xuân chẳng khác gì một que củi khô, khi nói chuyện thì giọt ngắn giọt dài.

Xuân vào tù vì tội giết anh trai. Trả giá cho hành động bột phát và nhẫn tâm ấy là những năm tháng dài ngồi bóc lịch trong trại giam. Bao nhiêu năm sống cuộc đời tù tội là bấy nhiêu năm Xuân phải sống trong cảm giác cô độc vì không người thân đến thăm nuôi. Xuân nói, giờ anh ta trắng tay. Vợ đã đi lấy chồng khác. Đứa con gái còn sống duy nhất thì cũng đã theo mẹ ở với dượng.

Xuân đã từng có hai đứa con gái, nhưng đứa đầu vắn số đã bỏ vợ chồng Xuân mà đi khi nó mới chưa đầy hai tuổi. Sự mất mát ấy vẫn để lại vết thương khó lành trong lòng Xuân. Bởi lẽ anh ta luôn quy kết rằng sự ra đi của đứa con gái xấu số ấy có một phần lỗi nơi Xuân. Chuyện là hôm ấy vợ Xuân mới sinh thêm được cô công chúa thứ hai. Để chúc mừng cho sự kiện ấy, Xuân đã mời bạn bè đến uống rượu cho tới say mới thôi. Khoảng bốn giờ chiều Xuân tỉnh giấc, định bụng ra ngoài ao hóng mát cho tỉnh hẳn rượu thì không ngờ vừa nhìn xuống ao, Xuân thấy đứa con gái đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Hai chân Xuân run rẩy, mặt mũi tối sầm, miệng lắp bắp kêu cứu. Khi người ta vớt được con gái Xuân lên bờ thì em bé đã tắt thở. Có lẽ con gái của Xuân đã ngã xuống ao từ rất lâu rồi mà không ai hay biết.

Kể từ sau mất mát ấy Xuân biến thành một con người hoàn toàn khác, chỉ biết lấy rượu để khỏa lấp nỗi buồn và mặc cảm tội lỗi. Nhiều năm sau đó vì không thể chịu nổi cảnh chồng mình suốt ngày say lướt khướt vợ anh ta đã dứt áo ra đi và đem theo đứa con gái duy nhất còn lại của Xuân. Xuân đoán giờ chắc nó cũng lớn lắm rồi. Có khi nó cao bằng mẹ rồi cũng nên. Nhớ những năm xưa, khi Xuân vẫn còn có một gia đình, cứ vào chiều hai chín Tết anh ta lại dẫn vợ và con đi chợ. Chính tay Xuân sẽ chọn những bộ quần áo đẹp nhất cho đứa con gái của mình. Xuân yêu con nhiều lắm. Trải qua mất mát nên Xuân coi đứa con gái út như báu vật trời cho. Vậy mà anh ta đã phải xa báu vật của mình đã nhiều năm rồi. Đó là một nỗi đau không gì sánh nổi. Nếu có một ngày Xuân được rời xa nơi này để trở về xã hội, việc đầu tiên Xuân muốn làm là đón đứa con gái trở về. Rồi Xuân sẽ cùng con đón những cái Tết hạnh phúc…

                                                                                Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngày 15/5, xét xử phúc thẩm vụ Việt Á

Sáng mai (15/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 13/5, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Tăng mức phạt đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng là chưa đủ sức răn đe.

Triệt xóa điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá thành công một điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn phường Phương Lâm.

Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục