Nguyễn Quý Phúc và Phùng Ngọc Tuấn.

Nguyễn Quý Phúc và Phùng Ngọc Tuấn.

Học hành ít, ham chơi games, Phúc và Tuấn tìm cách ăn cắp mật khẩu nick chat của nạn nhân rồi giả danh bị hại để lừa bạn bè của họ. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục nạn nhân sập bẫy với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là, chúng không giỏi về vi tính, không được học hành nhiều nhưng lại lừa được những người có học hành tử tế, thậm chí có địa vị trong xã hội.

 

Từ việc cài phần mềm gián điệp

Hai đối tượng vừa bị Đội 14, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hải Phòng bắt giữ là Nguyễn Quý Phúc (19 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng) và Phùng Ngọc Tuấn (21 tuổi, ở Lê Chân, Hải Phòng).  

Vụ án bắt nguồn từ việc cơ quan Công an nhận được đơn trình báo của một số người về việc bị lộ nick chat, sau đó bị đối tượng sử dụng chính nick chat của mình để lừa đảo người quen vờ vay tiền rồi chiếm đoạt nên đã lập án đấu tranh.

Được biết, cả Tuấn và Phúc đều là những đối tượng lang thang, không nghề, ham chơi game, suốt ngày vùi đầu vào internet. Cả hai đều chưa học hết cấp II, Tuấn bị bắt khi đang học lớp 7 vì có hành vi cướp tài sản, bị Tòa án xử 18 tháng tù giam, ra tù cuối năm 2008, còn Phúc sinh ra trong gia đình không hoàn hảo, bố mất sớm, mẹ buôn bán vặt kiếm sống nên không có thời gian để ý, quản lí cậu ta.

Cũng vì có nhiều thời gian nên chúng la cà suốt ngày ở các quán internet, tìm hiểu cách thức "kiếm" tiền từ mạng để tiêu xài. Cơ hội đến khi Phúc được một bạn net cho hai tài khoản hộp thư điện tử doilathehp@gmail.com và doilathe@yahoo.com. Hai tài khoản trên cài phần mềm gián điệp Keylogger. Thấy có cơ hội kiếm được tiền, Phúc đã dùng phần mềm gián điệp trên gửi thông tin đến các tài khoản của người khác để lôi kéo họ vào bẫy của mình.

Với phần mềm này, người sử dụng khi thao tác trên bàn phím máy tính sẽ bị lưu lại tất cả các thông tin đã thao tác (bao gồm cả mật khẩu, tên truy cập). Các thông tin đó sẽ tự động gửi về 2 hộp thư điện tử mà Phúc vừa được cho. Ngoài ra, Phúc và Tuấn còn tạo ra các mục hấp dẫn, scandal trên một số trang web gợi tính tò mò của người đọc như: gaigoi...; chotinh..., khi người đọc mở mục trên, lập tức mọi thao tác trên máy sẽ bị ghi lại gửi đến hai hộp thư điện tử trên. Từ việc biết được tên và mật khẩu truy cập vào tài khoản của bị hại, các đối tượng đã giả danh chính những người này để thực hiện hành vi phạm tội.

Đến lừa đảo chiếm đoạt tiền

Một trong những nạn nhân của chúng là ông Nguyễn Ngọc H., nguyên cán bộ ngoại giao tại Panama. Ngày 12/6, Phúc phát hiện tại hòm thư doilathe1102 có thông tin truy cập của nick huan_50@.... Phúc liền đăng nhập vào nick này, rồi đổi mật khẩu truy cập, giả danh làm ông H. để lừa, vay tiền những người có tên trong danh sách bạn bè của ông H.

Ngày 13/6, Phúc giả làm ông H., chat với bạn ông là Vũ Hải L., cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Liên hiệp quốc, là chủ nick ltq1313... nói rằng đang mua hàng nhưng hết tiền nên cần vay. Do lầm tưởng là ông H., nên ông L. đã chụp ảnh thẻ tín dụng (American express) của Ngân hàng Vietcombank Việt Nam, hộ chiếu, hộ khẩu của mình rồi gửi cho ông H. qua nick huan_50@...

Để nhận tiền, Phúc liền mở tài khoản có tên tran_mai33@yahoo.com.vn, dùng tài khoản này thanh toán trực tuyến tại hệ thống thanh toán có địa chỉ web baokim.vn (thuộc Công ty cổ phần Thương mại điện tử Bảo Kim), yêu cầu chuyển tiền từ thẻ ATM của ông L. vào tài khoản này. Tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản là 110 triệu đồng.

Phúc, Tuấn dùng 40,5 triệu đồng trong tài khoản để mua 325 thẻ game, rồi tạo lập trên trang: id.zing.vn ba tài khoản là: zunzunvn20; zunzunvn50; zunzunvn100 để đổi các thẻ game đó được 390.000 zing xu (một loại tiền tệ ảo), sau đó rao bán số tiền ảo trên mạng được 24 triệu đồng.

Phúc cho Tuấn 5 triệu đồng, còn 19 triệu đồng giữ lại ăn tiêu hết. Ngoài ra Phúc còn chuyển 46 triệu đồng từ tài khoản tran_mai33@yahoo.com.vn để đặt mua điện thoại "iPhone 4 gold" của đại lý Bảo Kim tại TP HCM.

Sự việc bị bại lộ khi ông L. và ông H. điện thoại cho nhau, phát hiện ra việc ông H không hề vay tiền nên đã báo cáo với cơ quan Công an. Đấu tranh khai thác, cơ quan Công an phát hiện Phúc đã dùng phần mềm gián điệp chiếm đoạt hàng loạt tài khoản thư điện tử khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Điển hình như Phúc chiếm đoạt được tài khoản "vananhpupy" của chị V.A. nguyên là nhân viên ngân hàng, có chi nhánh ở Đồng Nai và tài khoản ngân hàng của anh Thái Kim Đ. tại Ngân hàng ACB online sau đó dùng tài khoản "vananhpupy" chát với bạn của chị V.A. là chị Phạm Thị Thu H. cũng là cán bộ ngân hàng đề nghị chị H. giúp thay đổi số điện thoại xác thực OTP SMS cho tài khoản ngân hàng ACB online của Thái Kim Đ. (nếu không thay đổi số điện thoại xác thực thì không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến đối với tài khoản này).

Phúc đã đề nghị chị H. dùng số điện thoại 01644082493 của Phúc làm số điện thoại xác thực. Vì tin tưởng đây là thông tin do đồng nghiệp cũ nhờ, nên chị H. đã thực hiện việc chuyển đổi số điện thoại xác thực OTP SMS rồi dùng chính tài khoản ngân hàng của anh Đ. để nhận tiền do người khác gửi vào.

Ngày 22/4, Phúc giả danh chủ tài khoản thuhangpy82 để lừa anh Cao Nguyên Văn, công tác tại ngân hàng hỏi vay tiền để mua thẻ Vinagame. Vì tin tưởng đây là chị Hằng (chủ tài khoản), nên anh Văn đã chuyển tiền 4 lần vào tài khoản của Thái Kim Đ (mà Phúc đã chiếm đoạt được trước đó).

Tổng số tiền chiếm đoạt được là: 40 triệu đồng, sau đó chuyển tiền sang các tài khoản điện tử khác để dùng mua hàng cho mình. Tiếp đó, ngày 21/5, Phúc dùng tài khoản ngocan44@gmail.com giả danh anh ngocan44@gmail.com để lừa vay tiền của anh Bùi Minh Hiệu, ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, là chủ tài khoản buihieu2007. Vì tưởng bạn mình vay tiền nên anh Hiệu đã scan hai mặt thẻ ATM (ngân hàng ANZ của mình) và gửi cho Phúc vào hộp thư điện tử ngocan44@gmail.com.

Phúc đã dùng thông tin này gửi cho trang thanh toán điện tử yêu cầu chuyển hơn 40 triệu của anh Hiệu vào tài khoản của Phúc tại Công ty cổ phần hỗ trợ thanh toán điện tử VietPhu- MobiVi để mua thẻ game... Với việc giả danh chủ thẻ như vậy, Phúc đã khiến hàng chục người sập bẫy, gửi tiền cho cậu ta.

Các chủ tài khoản hãy biết tự bảo vệ mình

Theo các cán bộ Đội 14, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội thì thủ đoạn dùng virus cài phần mềm gián điệp để ăn cắp tài khoản của người khác, sau đó giả danh chiếm đoạt tài sản không mới. Trước đây, Công an Hà Nội đã bắt đối tượng Nguyễn Quang Vinh (19 tuổi), trú ở Hải Phòng và một số đối tượng khác cũng về hành vi này.

Đối tượng Vinh đã vào mạng tải một con virus có tên Perfectk logger. Khi tải xong, Vinh tạo tài khoản cho con virus này và tung lên mạng. Lúc tạo tài khoản, tên này đã làm đường viền "nhấp nháy" nhằm gây sự chú ý cho người truy cập.

Khi người truy cập "mắc bẫy" kích vào, con virus này sẽ đọc toàn bộ mật khẩu và hộp thư cũng như nick chat. Thủ đoạn của Nguyễn Quý Phúc và Phùng Ngọc Tuấn cũng tương tự như vậy. Điều quan trọng là các chủ tài khoản cần nêu cao tinh thần cảnh giác, hãy biết tự bảo vệ mình.

Trước hết và quan trọng nhất là các máy tính nên sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền để nhận diện, diệt các virus do đối tượng xấu tạo ra ngay khi virus vừa xâm nhập. Thứ 2, mọi người không nên mở các thư, đường link lạ, không rõ người gửi để tránh trường hợp virus xâm nhập vào máy tính.

Đồng thời, cũng không nên truy cập vào các trang web có nội dung kích thích tò mò, khiêu dâm, đồi trụy để tránh việc đối tượng đã tạo ra những thư mục, tiêu đề hấp dẫn gây sự chú ý của người xem. Khi người xem mở nội dung trên, lập tức virus sẽ phát tán xâm nhập vào máy tính khiến đối tượng phạm tội có cơ hội thực hiện hành vi.

Bên cạnh đó, khi có bạn bè, người thân dùng nick chat, mail...để hỏi vay tiền, trước khi cho vay, nên điện thoại lại hoặc gặp người cần vay hỏi xem có đúng người đó vay hay không, không nên vì ngại ngần mà chuyển tiền ngay. Có như vậy mới tự bảo vệ mình trước các đối tượng lừa đảo trên mạng.

Sau hơn 2 tháng tích cực điều tra, lực lượng chức năng đã xác định được đối tượng gây án và tổ chức bắt giữ. Theo tài liệu điều tra ban đầu, sau khi trộm được nick của "khổ chủ", hai tên này đã lừa được 15 người nhẹ dạ. Trong số đó, Công an đã làm rõ được 6 vụ, với số tiền các nạn nhân bị lừa là khoảng 400 triệu đồng.

                                                                         Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngày 15/5, xét xử phúc thẩm vụ Việt Á

Sáng mai (15/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 13/5, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Tăng mức phạt đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng là chưa đủ sức răn đe.

Triệt xóa điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá thành công một điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn phường Phương Lâm.

Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục