So với việc dẫn giải can phạm đi các trại cải tạo hay phục vụ các phiên tòa thì việc canh gác can phạm đi khám chữa bệnh vất vả hơn nhiều. Can phạm phải đến viện thường bệnh nặng, có khi không đi lại được, thế nên cán bộ đi canh gác nhiều khi còn phải làm luôn cả phần việc chăm sóc can phạm…

Trực thuộc Đội Cảnh sát bảo vệ của Trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội, tổ dẫn giải can phạm được xem như một trong những lực lượng tinh nhuệ đặc biệt của Trại với công việc cực kỳ quan trọng, đó là dẫn giải các can phạm, phạm nhân đến tòa án, đi khám chữa bệnh hay chuyển trại… Một ngày của những CBCS nơi đây thường bắt đầu từ sáng tinh mơ và kết thúc khi ánh hoàng hôn buông xuống.

Kín lịch bởi những chuyến đi

Chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội đúng 13h kém 15 phút. Trước đó, khi biết chúng tôi có ý định viết về những CBCS làm nhiệm vụ dẫn giải can phạm, Thượng tá Bùi Ngọc Bình - Giám thị trại nhắc rằng muốn chụp ảnh hay phỏng vấn anh em làm nhiệm vụ phải đến trước giờ làm. Bởi sau những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa giờ trưa, lập tức họ phải lên đường làm nhiệm vụ.

Khi chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của Đội Cảnh sát bảo vệ, Thiếu tá Trần Trọng Thắng - Đội phó đang tất bật phát lệnh trích xuất can phạm cho anh em nhận nhiệm vụ vào buổi chiều: "Hôm nay 29/7 anh em phải làm nhiệm vụ dẫn giải can phạm phục vụ 22 phiên xét xử tại các cấp tòa ở nhiều quận, huyện trong thành phố. Để đảm bảo an toàn cho việc dẫn giải phục vụ hơn 20 phiên tòa, hôm nay có 80 lượt CBCS được huy động để làm nhiệm vụ".

Không chỉ diễn ra tại các trụ sở TAND các cấp mà có nhiều phiên tòa được mở lưu động tại các quận, huyện nội, ngoại thành. Phiên tòa xa nhất hôm nay được mở ở huyện Mê Linh. Tòa xử lưu động bên ngoài điều kiện bảo vệ càng khó khăn và vất vả hơn. Đang là ngày nóng nhất, nhiệt độ ngoài trời lên đến 37 - 38 độ nhưng hơn 1h chiều tất cả đã tề tựu đầy đủ.

Thiếu tá Trần Trọng Thắng giở cho chúng tôi xem cuốn sổ phân công công việc, trong tháng 7 hầu như ngày nào anh em cũng kín lịch dẫn giải can phạm phục vụ các phiên tòa. Thiếu tá Thắng tâm sự: Số đối tượng phạm tội trẻ tuổi sinh năm 1986, 1987 ngày càng nhiều. Thậm chí có những đối tượng sinh năm 1990. Tội phạm trẻ, nghiện hút và ngày càng manh động khiến cho công việc của những CBCS làm nhiệm vụ này gặp không ít khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

Gặp Đại úy Lê Trần Long vào nhận lệnh trích xuất 2 đối tượng là Nguyễn Trường Sơn can tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Nguyễn Văn Hòa can tội trộm cắp tài sản đưa đi xét xử tại TAND quận Đống Đa, chúng tôi chỉ kịp trò chuyện được vài câu. Nhà Đại úy Long ở huyện Gia Lâm nên buổi sáng anh phải ra khỏi nhà lúc 6h kém. Từ nhà sang đơn vị phải mất khoảng 45 phút, đến nơi vừa đúng giờ vào nhận lệnh dẫn giải can phạm đi xét xử. Thức dậy từ sáng sớm để kịp những chuyến dẫn giải can phạm cho những phiên xử tránh tắc đường, buổi trưa có những hôm phải 12h mới về trại. Chỉ kịp nghỉ ngơi khoảng 30 phút, anh và anh em lại phải lên đường kịp giờ xét xử buổi chiều. Nhiều hôm tắc đường trở về nhà cũng đã 7h tối…

Dẫn giải can phạm đi xét xử.

Ở đơn vị này có những người đã gắn bó với nghề dẫn giải hàng chục năm, tham dự không biết bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu phiên tòa. Ngày nắng nóng cũng như ngày mưa phùn gió bấc, họ vẫn phải lên đường đều đặn và chăm chỉ.

Nghề của sự vất vả

Khi trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Bùi Ngọc Bình - Giám thị Trại tạm giam dành nhiều lời chia sẻ về lực lượng Cảnh sát bảo vệ, đặc biệt là những người trực tiếp làm nhiệm vụ dẫn giải can phạm ở trại. Công việc dẫn giải, nói nghe đơn giản vậy nhưng gian nan vất vả vô cùng. Dẫn giải đối tượng đi xét xử, điều tra, khám chữa bệnh, thi hành án… rồi còn phải trực tiếp đến các địa phương khác trích xuất đưa phạm về phục vụ các vụ án.

Thượng tá Vũ Xuân Hồng - Phó Giám thị trại, người đã có thâm niên hơn 20 năm ở đơn vị này cho biết: Lực lượng làm nhiệm vụ dẫn giải luôn phải chịu nhiều vất vả nhất. Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ, lại có chiều hướng manh động hơn, bên cạnh đó việc áp dụng những quy định mới tại tòa như mở còng tay trong quá trình xét xử, cho bị can được mặc quần áo bình thường, cộng thêm việc ngày càng có nhiều phiên tòa được mở lưu động bên ngoài nên đòi hỏi công tác bảo vệ luôn nặng nề.

Cách đây vài năm có vụ việc xét xử ở tòa án cấp quận, cửa sổ phòng xử án không có chấn song sắt, đối tượng lợi dụng sơ hở phi luôn xuống ao hòng trốn thoát, lực lượng bảo vệ phải rất vất vả mới bắt lại được.

Dẫn giải vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng vừa phải đảm bảo phục vụ được các yêu cầu của vụ án, chống tình trạng đối tượng tiếp xúc với người nhà, người thân để nhận đồ tiếp tế sai quy định. Có những vụ án lớn, việc xét xử diễn ra dài ngày, công tác dẫn giải thường rất căng thẳng. Thậm chí có những vụ án dẫn can phạm về buổi trưa chỉ kịp ăn vội bát cơm, buông đũa đã phải lên xe quay lại cho kịp giờ xử…

Trong cuốn sổ thống kê của đơn vị này cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm các anh đã thực hiện dẫn giải hơn 2.500 can phạm đi xét xử tại hơn 1.300 phiên toà, dẫn giải hơn 2.500 phạm nhân có án đi các trại cải tạo. Thượng tá Vũ Xuân Hồng cho biết: Bình quân mỗi tháng ở trại phải có khoảng 14-15 chuyến dẫn giải phạm nhân đi các trại cải tạo. Có những chuyến đi phải cử tới 5 tổ công tác áp giải hàng chục phạm nhân. Trại ở gần còn đỡ, có những trại xa tận Nghệ An anh em phải thức dậy đi từ sáng sớm. Dẫn giải hàng chục phạm nhân chuyển trại phải tính toán sao cho đi đường vừa an toàn, lại phải đến nơi kịp thời gian hành chính để đơn vị tiếp nhận làm thủ tục.

So với việc dẫn giải can phạm đi các trại cải tạo hay phục vụ các phiên tòa thì việc canh gác can phạm đi khám chữa bệnh vất vả hơn nhiều. Hôm chúng tôi có mặt tại trại thì có 10 đối tượng đang được đưa ra điều trị các bệnh viện bên ngoài. Những trường hợp phải điều trị bên ngoài đều là những ca rất nặng như: bệnh thận, tụy, gan… Mỗi lần điều trị một can phạm lại phải cử 5 lượt CBCS thay phiên nhau canh gác suốt 24/24h. Người bình thường đi bệnh viện đã khổ, can phạm đi viện cán bộ đi gác còn khổ hơn vì đa phần không có người nhà đi theo. Các đối tượng đã phải đến viện thường bệnh nặng, có khi không đi lại được, thế nên cán bộ đi canh gác nhiều khi còn phải làm luôn cả phần việc chăm sóc can phạm…

Nằm viện cùng can phạm đặc biệt là những ca bệnh truyền nhiễm như lao phổi, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực đối với những cán bộ làm nhiệm vụ canh gác. Từ đầu năm đến nay lực lượng làm nhiệm vụ tại trại đã phải đưa 118 can phạm đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện bên ngoài…

Đến Đội Cảnh sát bảo vệ - Trại tạm giam số 1 Hà Nội, ít khi có thể gặp mặt đầy đủ anh em CBCS. Ngoài những buổi họp quan trọng của đơn vị hằng tháng, hằng quý, họ ít khi có nhà. Trên tấm bảng công tác của đơn vị này luôn kín lịch bởi những phiên tòa, những chuyến công tác xa… Sự vất vả hy sinh của nghề có lẽ đã trở thành chuyện bình thường đối với những người lính làm nghề dẫn giải. Chúng tôi hiểu và tin điều đó, bởi không có tình yêu và sự tâm huyết với nghề khó có thể giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ

 

                                                                              Theo Báo CAND

Các tin khác


Ngày 15/5, xét xử phúc thẩm vụ Việt Á

Sáng mai (15/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 13/5, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Tăng mức phạt đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng là chưa đủ sức răn đe.

Triệt xóa điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá thành công một điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn phường Phương Lâm.

Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục