Bên cạnh việc đẩy mạnh tuần tra, xử lý các vi phạm, lực lượng CSGT tích cực tuyên truyền Nghị định 71/NĐ-CP đến người người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuần tra, xử lý các vi phạm, lực lượng CSGT tích cực tuyên truyền Nghị định 71/NĐ-CP đến người người dân.

(HBĐT) - Kể từ ngày 10/11/2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP (NĐ71) chính thức có hiệu lực. Sau thời gian hơn 10 ngày triển khai, NĐ71 đã đi vào cuộc sống, nó đã thể hiện tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy vậy, bên cạnh đó NĐ cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng và dư luận xã hội. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Hòa Bình đã trao đổi với thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Phó Phòng CSGT - CAT.

 

PV: Xin đồng chí khái quát một số điểm mới của NĐ71 so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP về những quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?  

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc: Trước tiên phải khẳng định NĐ71 nhằm bổ sung để tăng thêm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Điểm mới của NĐ71 so với NĐ 34/2010/NĐ-CP là đã được chỉnh sửa theo hướng tăng nặng các khung hình phạt đối với những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Ví dụ như chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, vi phạm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của xe, quy định về điều kiện của người lái, quy định về vận tải hành khách. Trong đó có những nhóm hành vi tăng nặng cao gấp 2 - 3 lần, cao nhất là gấp 5 lần so với NĐ 34/2010/NĐ-CP.  

PV: Theo đồng chí, việc áp dụng NĐ71 vào thực tế có tác động thế nào đến tình hình TTATGT trong bối cảnh hiện nay?  

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc: Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng NĐ71 là cần thiết bởi mục đích là nâng cao hiệu lực xử lý, răn đe, giáo dục phòng ngừa. Khi xử phạt mạnh, người dân sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn và hạn chế được các vi phạm. Trên thực tế từ khi thực hiện NĐ 71 (ngày 10/11 - 23/11, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đã lập biên bản xử phạt 1.139 trường hợp, giảm nhiều so với trước đây, trong đó nhóm hành vi vi phạm về tốc độ, sử dụng rượu bia đã giảm mạnh. Ngoài ra, số vụ TNGT cũng giảm, tính đến thời điểm 23/11, toàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ TNGT, giảm khoảng 50% số vụ so với cùng kỳ của tháng 10/2012.  

PV: Việc thực hiện NĐ71 đã gây ra phản ứng của nhân dân xoay quanh vấn đề xử phạt xe không chính chủ, xin đồng chí giải thích rõ hơn vấn đề này? 

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc: Phải khẳng định một điều là chúng tôi không phạt xe không chính chủ mà phạt những người đã mua bán xe nhưng không làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Các trường hợp mượn xe, cho thuê, hợp đồng... thì không phạt. Vừa rồi người dân đã lầm hiểu đó là xử phạt người đi xe không chính chủ, ví dụ người nhà, người thân, bạn bè cho nhau mượn không phạt. Từ khi triển khai thực hiện NĐ71 đến thời điểm này, lực lượng CSGT - CAT chưa xử phạt trường hợp nào đi xe với lỗi chưa sang tên, đổi chủ. Tuy vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giao thông anh em cũng đã tuyên truyền nhắc nhở 20 trường hợp.  

PV: Xung quanh vấn đề chuyển quyền sở hữu phương tiện, đặt trường hợp người dân mua lại nhưng không biết chủ sở hữu của xe là ai do xe đã được mua bán qua nhiều đời chủ thì làm sao để người mua xe cuối cùng có thể chuyển quyền sở hữu hợp pháp?  

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc: Theo quy định trong trường hợp này phải có giấy bán của người cuối cùng có xe nhưng đồng thời cũng phải có sự xác nhận của chủ xe ban đầu. Trên thực tế điều này là hơi khó vì có nhiều trường hợp mua bán xe đã qua nhiều chủ sử dụng, không biết chủ ban đầu là ai nên không thể thực hiện chuyển quyền sở hữu. Đây cũng là một vướng mắc, chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi theo hướng chỉ cần có giấy bán của người cuối cùng sở hữu xe và xác nhận của chính quyền địa phương. Đồng thời, người bán xe cam đoan, cam kết là xe không liên quan đến tranh chấp, không phải là tang vật trong các vụ án... Nếu đầy đủ thủ tục đó, sau 30 ngày cơ quan Công an sẽ tiến hành đăng ký cho người dân. Làm được điều đó thì sẽ tạo thuận lợi cho dân, còn hiện tại vấn đề này vẫn chưa thực hiện được.  

PV: Trong trường hợp người dân sống ở huyện này nhưng mua xe ở huyện khác hoặc sống ở tỉnh này nhưng mua xe ở tỉnh khác, thủ tục đăng ký, sang tên như thế nào và mức phí đăng ký, cấp biển số xe khi làm thủ tục sang tên sẽ thu ở mức nào?

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc: Trong trường hợp mua bán xe giữa các huyện trong tỉnh, người bán phải đến cơ quan đăng ký huyện đó để rút hồ sơ chuyển về nơi người mua xe thực hiện việc chuyển quyền sở hữu. Trường hợp mua bán xe giữa người ở tỉnh này với tỉnh khác cũng vậy. Khi mua bán xe thì người bán xe phải đến cơ quan Công an đăng ký xe rút hồ sơ chuyển về địa phương người mua để chuyển quyền sở hữu hợp pháp.  

Về lệ phí sang tên chuyển vùng ở nông thôn đối với ôtô là 150 nghìn đồng, đối với môtô là 50 nghìn đồng với điều kiện ở các vùng có mức thu lệ phí trước bạ bằng nhau. Còn trong trường hợp chuyển vùng từ huyện ra thành phố thì mức thu khác. Ví dụ như từ huyện chuyển ra thành phố Hòa Bình thì mức thu đối với ôtô là 1 triệu đồng, còn đối với môtô thì thu theo giá xe, nếu giá trị xe dưới 15 triệu đồng thì thu 200.000 đồng, trên 15 triệu đồng -40 triệu đồng  thu 400.000 đồng, còn trên 40 triệu đồng thu 800.000 đồng.  

Từ khi thực hiện NĐ71, việc chuyển quyền sở hữu cũng đang là vấn đề khó khăn, đặc biệt là đối với xe ôtô do phí trước bạ vẫn còn thu ở mức 10% nên ít người đến chuyển quyền sở hữu. Điều này chúng tôi cũng đang kiến nghị để giảm mức thu phí trước bạ đối với ôtô đăng ký từ lần 2 trở đi. Nếu giảm mức thuế trước bạ, tôi tin rằng sẽ có nhiều người đến chuyển quyền sở hữu. Đối với xe máy, do chỉ chịu mức thuế trước bạ khi chuyển quyền sở hữu có 1% giá trị xe nên chỉ trong 2 tuần vừa qua đã có 120 người đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. ôtô mới chỉ có 20 trường hợp đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.  

PV: Xin cảm ơn đồng chí!  

 

                                                          Mạnh Hùng (thực hiện)

 

Các tin khác


Ngày 15/5, xét xử phúc thẩm vụ Việt Á

Sáng mai (15/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Ngày 13/5, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Tăng mức phạt đối với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng là chưa đủ sức răn đe.

Triệt xóa điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Công an thành phố Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đấu tranh, triệt phá thành công một điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong Nhân dân trên địa bàn phường Phương Lâm.

Cháy phòng thu hồi, xử lý sơn tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h30’ ngày 12/5 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Việt Á thuộc xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn).

Ngăn chặn trào lưu điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông quay clip “khoe” lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều thanh thiếu niên theo trào lưu, có hành vi điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ quay clip rồi "khoe” lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh. Đây là hành vi, trào lưu xấu cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục