(HBĐT) - Chẳng biết có phải do nằm ở độ cao với bốn bề là núi cao dựng đứng, trùng điệp nối tiếp, quanh năm chờn vờn mây phủ mà mùa xuân ở Lũng Vân (Tân Lạc) thường đến sớm. Tiết xuân ở vùng đất này cũng thật lạ. Nó làm người ta muốn đi, muốn đến. Đến để trầm mình trong cái vương vấn rét ngọt cuối đông; đến để thấy nắng xuân bung tỏa trên những nếp nhà. Và còn hơn thế nữa, đến để nhớ da diết những con người thuần hậu, chất phác đang ân hưởng tuổi giời ở nơi vốn được nhiều người coi là “thung lũng trường thọ”...

 

Lũng Vân - thêm một sải tay để chạm tới trời?!

 

Tôi đã đi nhiều nơi, mỗi nơi mỗi cảnh nhưng quả thực, chẳng đâu lại làm tôi nhớ da diết như vùng đất Lũng Vân này. Nhớ là nhớ những con người hồn hậu, chất phác. Nhưng lại nhớ và thèm cái cảm giác đứng giữa bồng bềnh mây trắng, để rồi bất chợt nhận ra, mây đã ở quanh mình. Có lẽ, thêm một sải tay nữa là chạm tới trời.

 

 Dù đã sống trên 100 tuổi nhưng trí lực của cụ Bùi Thị Mí ở xóm Chiềng vẫn còn minh mẫn, dồi dào.

  

Lũng Vân, theo nhiều người có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao nối nhau trùng điệp quanh năm mây phủ. Theo những người già thì xưa kia Lũng Vân còn có tên Mường Chậm. Nguồn gốc xa xưa của vùng đất này, giờ có hỏi cũng chẳng mấy ai còn rõ. Như ông Bùi Văn Dứng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Lũng Vân - người được coi như một pho “sử sống” về vùng đất này cũng chỉ biết rằng, truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn về cuộc trốn chạy quan lang của những con người khốn khó xưa kia, được người dân nơi đây thường kể cho con cháu nghe khi quây quần bên bếp lửa như một câu chuyện truyền thuyết đời nối đời. Co ro bên bếp lửa nhà sàn để trốn những cơn gió cuối đông buốt lạnh bên những cụ ông, cụ bà đã ở tuổi xưa nay hiếm của bản Chiềng. Sau những câu chuyện không đầu, không cuối, chúng tôi được những người già trong bản kể cho nghe về câu chuyện lập làng, lập bản xưa kia trên vùng đất này. Tương truyền, trong xứ Mường ở Hòa Bình, Mường Chậm là xứ Mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả của cuộc trốn chạy quan lang của một gia đình nghèo ở xứ Mường Bống, đất Lạc Sơn, vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau băng rừng, vượt núi, đi tìm đất mới. Cuộc trốn chạy kéo dài, ngày này qua ngày khác. Họ cứ mải miết đi, mải miết trốn chạy. Chỉ đến khi lạc vào một vùng rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp. Tại đây, nghe thấy tiếng chim cuốc kêu, biết là vùng này có nước, có thể ở nên họ đã dừng chân lại khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống mới. Từ một nhà ban đầu, dần dần vùng đất này đã có thêm người mới đến khai khẩn đất hoang, cùng chung sống thuận hòa. Cũng chẳng biết từ khi nào, vùng rừng núi hoang vu đã trở thành những bản làng đông vui, trù phú. Từ đói khổ ban đầu, đất Mường đã bung nở những cánh đào thắm khi gió xuân về... Mường Chậm được hình thành như thế.  

 

Tuổi giờ ở cõi... tiên

 

Chỉ về những cánh đào chớm bung nở còn đọng những giọt sương mai, ông cụ Dứng tâm sự: “Chẳng biết có phải là một đặc ân từ thiên nhiên hay không. Nhưng có một điều đặc biệt là hoa đào ở Lũng Vân rất đẹp. Dù quanh năm buốt giá nhưng cứ đúng dịp, khi những ngọn nắng mang hơi ấm của mùa xuân về thì hoa đào ở Lũng Vân lại khoe sắc thắm”. Dù không nói, nhưng chúng tôi biết cùng với những câu chuyện huyền thoại về cái thuở những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này khai hoang, lập làng vẫn sống qua năm tháng bên bếp lửa nhà sàn được người dân nâng niu, trân trọng gìn giữ; cùng với cảnh đẹp mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này thì Lũng Vân còn một đặc ân khác mà không phải ai cũng biết. Đó là một cuộc sống thanh bình, hồn hậu. Trong đó, có những người đã sống và được ân hưởng tuổi giời nơi... cõi tiên này.

 

 

Sự trong lành, tinh khiết của vùng đất Lũng Vân đó hàng trăm năm qua vẫn được người dân gìn giữ. Có lẽ nhờ vậy, mùa xuân chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này.

 

Có lẽ vì thế nên đối với chúng tôi, cuộc sống nơi thung lũng nằm ở độ cao trên 1.200m, được bao bọc bởi những ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên trùng điệp cứ lung linh, huyền ảo như trong một câu chuyện cổ tích có thật. Điều đó, nói như anh Đinh Văn Truyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, ở vùng đất này có nhiều người được ân hưởng tuổi giời trong cõi thực. Đó không phải là sự nói quá. Bởi, cả xã có hơn 400 nóc nhà với gần 2.500 nhân khẩu thì có nhiều cụ từ 80 tuổi trở lên. Trong đó, không ít người đã sống qua một thế kỷ. Nói như ông Dứng thì hàng năm, dịp Tết đến, tất cả cán bộ xã phải chia nhau mang quà đến chúc thọ các cụ trong xã từ 80 tuổi trở lên thì mới hết được. Như để chứng minh cho điều đó, ông Dứng mở cuốn sổ nhỏ ghi chép đầy đủ các cụ cao tuổi trong xã. Theo đó, cụ tuổi từ 80 - 89 hiện cả xã có 39 cụ; cụ tuổi từ 90 - 99 cả xã có 10 cụ, từ 100 tuổi trở lên hiện nay xã còn 2 cụ là cụ Bùi Thị ón ở xóm Chiềng năm nay 103 tuổi và cụ Bùi Thị Mí ở xóm Bục năm nay 102 tuổi. Nếu nói về những người sống trên trăm tuổi ở Lũng Vân thì từ xưa đến nay không phải là hiếm. Chẳng nói đâu xa, trong gia đình, dòng họ anh Đinh Văn Truyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thì cũng đã có 8 người sống trên 100 tuổi. Người thọ nhất là 112 tuổi. Ngay như gia đình cụ Bùi Thị Mí ở xóm Bục cũng có nhiều người được ân hưởng tuổi giời. Có một điều đặc biệt, ở đây mặc dù các cụ tuổi cao nhưng hầu hết vẫn còn mạnh khỏe. Như cụ Mí dù đã trên 100 tuổi nhưng trí lực vẫn còn minh mẫn, dồi dào. Nói như ông Hà Công Quý, 76 tuổi - con trai thứ 2 của cụ Mí: “Cách đây 1 - 2 năm mẹ tôi vẫn đi xách nước, nấu cơm giúp con cháu. Đáng tiếc là hơn 1 năm trước do cụ bị ngã nên bây giờ chân đau không làm được những việc nặng nhọc, chỉ ngồi quanh bếp lửa. Tuy nhiên, mắt cụ vẫn tinh tường, tai thính, chân tay còn linh hoạt. Thỉnh thoảng cụ  vẫn tự xâu kim, khâu vá quần áo cho con cháu. Trí nhớ cụ còn tốt lắm. Có những hôm vui, cụ còn hát “thường rang” và kể chuyện về cuộc sống ngày xưa cho con   cháu nghe.

 

Khi hỏi về bí quyết trường thọ ở nơi Mường Chậm, cụ Mí móm mém cười: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Ngày xưa cuộc sống của các “bố”, các “mế” cơ cực lắm. Đói, toàn phải ăn củ rừng thay cơm. Thức ăn cũng chỉ toàn là rau rừng, ốc đá chứ tịnh không có một thứ biệt dược nào cả. Đến bây giờ cũng vẫn vậy, vẫn nếp sống cũ. Rau vườn nhà tự trồng, thịt, cá tự nuôi”. Thế mới biết vùng đất Lũng Vân còn trong lành đến nhường nào. Sự trong lành, tinh khiết đó hàng trăm năm qua vẫn được người dân gìn giữ. Có lẽ nhờ vậy, mùa xuân chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này. Mãi còn đó, những con người hồn hậu, chất phác được ân hưởng tuổi giời. Hàng trăm năm qua, với người dân sống trên đỉnh Lũng Vân, hạnh phúc cũng đơn giản chỉ là những nụ cười...

 

                                                                      

                                                                    Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục