(HBĐT) - Nếu như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 khiến chúng ta bàng hoàng, xót xa bởi bạt ngàn mộ liệt sỹ, hàng tiếp hàng bất tận thì thành cổ Quảng Trị đưa chúng ta đến sự tận cùng của đau đớn không nói nên lời.


Bức thư - di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh dự cảm trước về sự hy sinh vì Tổ quốc và dân tộc được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị.

 

Bởi ở đây, sự hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc không đong đếm được, tuyệt đối không có mộ phần liệt sỹ nào được dựng lên nhưng dưới lớp cỏ xanh kia là hàng ngàn chiến sỹ đang nằm đó, mỗi mét vuông Thành cổ đều thấm máu các anh. Nhưng Thành cổ không phải là biểu tượng của đau thương, đó là minh chứng mãi trường tồn cùng thời gian về tình yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc ta.

 

Mùa hè đỏ lửa

 Vực dậy từ tro tàn, thành phố Đông Hà hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc với nhà cửa san sát, phố phường tấp nập xe cộ. Thành phố đang được đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng. Mải mê ngắm nhìn "chảo lửa” trên đà đổi thay bất chợt chúng tôi "đụng” phải một hình ảnh khiến tất cả mọi người cùng lặng im. Ngay ven con đường sầm uất, xen giữa nhà cửa san sát xây mới khang trang là một mảng tường cũ kỹ, trống hoác và chi chít vết thủng. Đó chính là chứng tích lịch sử của mùa hè đỏ lửa năm 1972 - trường Bồ Đề.

 Khi trận chiến thành cổ Quảng Trị nổ ra, nhân dân cơ bản được đưa đi sơ tán hết, trường Bồ Đề lúc đó bỏ không. Vì vậy, nơi đây đã trở thành chốt chiến đấu quan trọng của quân ta. Trận chiến thành cổ, quân ta đã thắng lợi nhưng Quảng Trị nói chung, Đông Hà nói riêng lúc đó là một bãi chiến trường tan hoang và trường Bồ Đề đây là một minh chứng. Trong hàng vạn vết thủng lỗ chỗ của mảng tường này vẫn còn ghim hàng nghìn viên đạn của địch. Trường Bồ Đề sẽ giúp cho những người trải qua không bao giờ quên và thế hệ sau này hiểu rõ hơn về sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.

 Từ trường Bồ Đề, chúng tôi di chuyển thêm một đoạn ngắn nữa đến thành cổ. Thành cổ được xây dựng trong vòng 28 năm (1809 - 1837). Khi thực dân Pháp chiếm đóng đã xây dựng thêm trong thành cổ nhà lao, tòa mật thám, trại lính khố xanh. Đến thời Mỹ - ngụy đã biến tòa thành thành khu quân sự, xây dựng thêm kho tàng quân đội, trung tâm chỉ huy và nhà giam.

 Theo số liệu của Bảo tàng thành cổ Quảng Trị, trong trận chiến thành cổ 81 ngày đêm, địch đã trút xuống thành cổ 328 nghìn tấn bom, 560 nghìn viên đạn pháo các loại, 615 nghìn viên pháo Mỹ; máy bay Mỹ oanh kích 1.650 lần, máy bay ngụy oanh kích 594 lần; lượng bom đạn trút xuống tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Mỗi ngày, các chiến sỹ phải đánh địch phản kích từ 5 - 7 lần, có khi tới 13 lần và hứng chịu trên 100 quả bom và khoảng 200 quả đạn pháo.

 Địch đã trút xuống nhiều loại vũ khí khác nhau như: bom đào, bom phạt, bom bi, pháo khoan, pháo chụp… và đặc biệt nhất là chất độc hóa học đioxin.

 Sở dĩ địch dội bom ác liệt xuống Quảng Trị vì Mỹ luôn coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là "con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Nhưng phòng tuyến đó đã bị quân giải phóng chọc thủng vào ngày 1/5/1972. Do đó, không chấp nhận mất Quảng Trị, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa thành cổ.

 Với lực lượng hùng hậu, vũ khí hiện đại, sau 1 tuần tấn công, đến ngày 5/7/1972, địch đã chiếm được cơ bản huyện Hải Lăng, hình thành vòng cung áp sát thị xã Quảng Trị. Với quyết tâm "kiên quyết giữ thành”, quân ta đã đánh trả quyết liệt. Mọi cuộc tiến công ồ ạt của địch đều bị chặn lại bởi chốt thép kiên cường giữ thành. Kết quả, ta đã tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hủy 349 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Ta kiên cường chống trả, buộc địch phải rút lui vào chiều ngày 16/9, chiến dịch bảo vệ Thành cổ toàn thắng.

 Nhưng, địch cho pháo hạm và pháo mặt đất bắn vào thị xã và thành cổ tới 2 vạn viên mỗi ngày khiến cho các ngôi, nhà dãy phố dần bị san bằng. 4 bức tường thành cao, dày hàng mét vỡ dần, từng mảng tường lớn dài hàng chục mét rạn nứt, nghiêng dần rồi đổ sụp xuống. Gạch đá còn vỡ vụn bởi bom đạn, huống chi…

 Bất tử chiến sỹ thành cổ

 Lặng nghe chị Nguyễn Ngọc Hân - hướng dẫn viên di tích lịch sử thành cổ Quảng Trị giới thiệu mà chúng tôi nghẹn lòng: Do địa hình và tính chất của trận đánh, chiến sỹ của ta phải để lựu đạn xì khói trên tay mới ném, phải trèo lên tường cao hoặc bò đến sát miệng hầm địch mà ném vào. Mạo hiểm nhưng hiệu quả. Thêm vào đó, địch tập trung vũ khí hiện đại, hỏa lực rất mạnh tấn công dồn dập nên đã gây ra thương vong lớn cho chiến sỹ của ta. Nhưng, người này ngã xuống thì người khác lại xông lên, kể cả khi máu nhuộm đỏ thành cổ cũng không hề làm nao núng ý chí chiến đấu của các anh. Mỗi mét vuông đất mà chiến sỹ ta giành được ở thành cổ Quảng Trị là một mét vuông máu, sức ép của bom đạn khiến chiến sỹ trú ẩn trong hầm cũng bị vỡ mạch máu, chảy máu mũi, máu tai mà chết.

 Mất mát là thế nhưng qua những di vật lịch sử đang được lưu giữ tại Bảo tàng Di tích lịch sử thành cổ, chúng tôi đã nhận ra một điều rất đặc biệt. Đó là ở trung tâm của chảo lửa bom đạn, máu đồng đội chảy thành sông nhưng người chiến sỹ chưa bao giờ sợ cái chết. Trên tầng 2, tại vị trí trung tâm trang trọng của Bảo tàng Di tích lịch sử thành cổ Quảng Trị là bức thư - di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết gửi cho gia đình. Bức thư được viết bằng dự cảm của chiến sỹ Lê Văn Huỳnh vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Anh đã linh cảm và dặn dò người thân "nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về”, đồng thời hướng dẫn người thân đường đi đến nơi anh được chôn cất. Tâm thư của người chiến sỹ trẻ cũng là tấm lòng của hàng vạn chiến sỹ thành cổ kiên cường đối diện với lửa đạn để giữ Thành. Xung quanh họ là máu đổ, là đồng đội ngã xuống, nhìn thấy trước cái chết ở trước mắt, biết rằng mình sẽ chết nhưng các anh vẫn xông lên.

 Trong thư, anh Huỳnh còn dặn vợ "Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương…”. Cái chết bỗng trở nên nhẹ nhàng. Phút cuối cùng trước khi các anh ra đi, điều mà người lính chắt chiu lại cho cuộc đời không chỉ là niềm tin, lý tưởng mà còn là chút hạnh phúc, thanh thản cho những người thân yêu tiếp tục sống trên đời.

 Có lẽ vì cái cách đón nhận hy sinh nhẹ tênh như vậy nên vượt lên sự đau đớn, sợ hãi, lớp lớp chiến sỹ thành cổ đã xông lên. âm - dương không chia cắt được các anh và cuộc đời. Thành Cổ không có ngôi mộ nào, chỉ có "Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của ngôi mộ chung, ngôi mộ tập thể của chiến sỹ thành cổ "sống bên nhau, chiến đấu bên nhau, nằm xuống cạnh nhau”. Dưới chân thành cổ hôm nay vẫn là hàng ngàn chiến sỹ đang nằm đó:

 "Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”.

 Nghĩa trang không nấm mộ, chỉ một màu cỏ xanh mịn, những bông cúc vàng nở hoa. Từng chiếc lá trong thành cổ mang linh hồn các anh, từng tấc đất thành cổ ôm trọn thân xác các anh, máu các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn trong niềm vui ngày Nam - Bắc thống nhất.



             Dương Liễu
 

 


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục