(HBĐT) - Đang cấy lúa thì nhận được tin báo từ cậu con trai: toàn bộ số cá lồng trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình đã chết trắng. Chị Nguyễn Thị Mùi ở thôn Tân Thành xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) ngồi bệt xuống đất. Những giọt nước mắt cứ thế tuôn trên khuôn mặt của người đàn bà khắc khổ...


Nhìn đống cá trắm cỏ có trọng lượng từ 2 - 3kg chết trắng, chị Mùi nghẹn giọng: toàn bộ tài sản của gia đình đổ vào đây cả. Thế này thì trắng tay, chẳng còn gì nữa. Theo chị Mùi thì cách đây khoảng 3 năm, gia đình chị đã vay vốn, đầu tư 4 lồng nuôi cá trắm cỏ, cá ngạnh, cá rô, cá trắm giống với tổng trị giá hơn  100 triệu đồng. Trong số vốn này, gia đình có gần 30 triệu đồng là số tiền của cậu con trai là Nguyễn Văn Quyền tích cóp sau bao năm đi làm thuê, số còn lại đi vay mượn anh em bạn bè. Năm đầu thấy việc nuôi cá lồng trên sông Đà cũng có lãi. Gia đình chị tiếp tục đầu tư nuôi cá lồng, coi đây là cách để thoát nghèo. Ấy thế, chỉ sau một đêm khi Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ, nước sông đục bùn thì toàn bộ số cá trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình chị Mùi đã bị chết trắng. Theo anh Nguyễn Văn Quyền con trai chị Mùi thì: sau khi cá chết, gia đình cũng vớt lên bán cũng chỉ thu lại được phần nào. Chứ nếu đợt này cá không bị chết hàng loạt như thế này, 4 lồng cá của gia đình khi xuất bán cũng có thể thu về từ 200 - 300 triệu đồng.   



               Gia đình chị Nguyễn Thị Mùi vớt số cá chết mang về nhờ những người thân tiêu thụ

Gia đình bà Mùi chỉ là một trong số hàng chục hộ gia đình nuôi cá lồng trên sông đà ở xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) bị mất trắng do Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: trên địa bàn xã có 90 lồng nuôi cá ở các xóm Tân Thành, Nhả và xóm Giếng. Trong đó, số lồng có diện tích khoảng 36m2 là 45 lồng, số lồng có diện tích 16m2 là 45 lồng. Tính đến thời điểm 18h20 ngày 21/7/2017 qua kiểm tra, đánh giá thiệt hại thì có 33 hộ dân và 1 HTX nông lâm thuỷ sản Kỳ Sơn bị thiệt hại. Tổng số lượng cá các loại bị chết là 45,056 tấn tổng giá trị thiệt hại vào khoảng 8 tỷ đồng. Trong đó, có các loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá chiên bị chết khoảng 6 tấn, cá ngạnh chết khoảng 5 tấn, cá quất bị thiệt hại trên 2 tấn, cá trắm thiệt hại khoảng gần 20 tấn...



                  Nhiều người dân chung tay giúp các hộ gia đình nuôi cá bị thiệt hại tiêu thụ cá

Là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất, ông Lê Văn Bảo Chủ nhiệm HTX nông lâm thuỷ sản Kỳ Sơn cho biết: Hợp tác xã có 15 hộ tham gia nuôi cá với tổng số 34 lồng gồm nhiều loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng... Sau 3 ngày Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ thì toàn bộ số lồng cá của HTX bị thiệt hại. Tính đến thời điểm 17h30 ngày 21/7/2017 thì hầu như toàn bộ số cá lồng của các xã viên đều bị chết. Thậm chí các loại cá có sức đề kháng tốt như cá Chiên, cá ngạnh, cá diêu hồng hay cá rô phi đơn tính cũng bị chết trắng lồng. Trong đó, có nhiều loại cá chuẩn bị xuất bán. Tính ra, tổng thiệt hại của chúng tôi ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó, đầu tư ban đầu để nuôi cá lồng của các xã viên HTX là trên 3 tỷ đồng. Chưa tính công xá và thức ăn đầu tư chăn nuôi. 



Với lượng cá chết nhiều, gia đình ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông lâm thuỷ sản Kỳ Sơn chế biến làm thức ăn chăn nuôi

Ngay sau khi nhận được thông báo về tình trạng cá lồng chết hàng loạt diễn ra trong các ngày 18, 19, 20 và 21/7/2017 sau khi Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ ở các xóm Tân Thành, Nhả và xóm Giếng UBND huyện Kỳ Sơn đã thành lập tổ công tác của huyện phối hợp với Chi cục thuỷ sản Hoà Bình và UBND xã Hợp Thành tổ chức kiểm tra thực tế. 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh sự việc này, đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy cá ở các lồng nuôi của các hộ dân và HTX bị chết trắng là có thật. Qua kiểm tra, chưa phát hiện dịch bệnh nhưng chúng tôi đánh giá nguyên nhân ban đầu gây chết cá hàng loạt ở Hợp Thành trong những ngày qua là do ảnh hưởng của việc Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ. Trong nhiều năm liền Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình không xả lũ và trong những ngày qua việc mở các cửa xả đáy của Nhà máy đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các lồng nuôi cá. Có thể là trong quá trình xả lũ đã có một lượng lớn bùn theo nước lũ chảy về hạ lưu làm môi trường nước thay đổi đột ngột nên đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.



   Chỉ sau 3 ngày xả lũ, toàn bộ 90 lồng cá của 33 hộ dân và 1 HTX của xã Hợp Thành cá bị chết trắng

Đồng chí Nguyễn Đức Ngọc cũng cho biết thêm: Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xem xét hỗ trợ kịp thời các hộ dân nuôi cá bị thiệt hại. Đồng thời, UBND huyện cũng đã đề nghị các cơ sở kinh doanh và nhân dân địa phương đến thu mua, hỗ trợ nhằm khắc phục một phần thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng. 


                                                                                         Mạnh Hùng 

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục