(HBĐT) - Tháng 4/2016, con cá lóc (cá quả lai) có mặt trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Không đến mức “trống giong, cờ mở” nhưng “lễ nhập trạch” của con cá lóc cũng khá sôi động với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, BQL Dự án giảm nghèo tỉnh, Sở NN &PTNT, đại diện chính quyền huyện Đà Bắc… Tuy nhiên, sau gần 1 năm đã xuất hiện những tiếng xì xèo khiến nhiều người có trách nhiệm phải vào cuộc tìm hiểu.

 

Mong manh số phận con cá lóc

 

Cá lóc, cái tên nghe có phần là lạ với người dân miền Bắc nói chung và người dân vùng lòng hồ Hòa Bình nói riêng. Thực tế, cá lóc được nghiên cứu, lai tạo từ cá quả (cá chuối) miền Bắc với cá sộp ở miền Nam. Cá lóc được xếp vào loại cá cao cấp vì thịt ngon và được chế biến thành những món hấp dẫn. Với kinh nghiệm 4 năm nuôi cá trên lòng hồ sông Đà và nhu cầu có một lượng cá thương phẩm lớn, đa dạng, ổn định để cung cấp ra thị trường, Công ty CP cá sạch sông Đà (sau đây gọi tắt là Công ty) đã liên kết với 188 hộ dân thuộc 2 xã Tiền Phong và Vầy Nưa (Đà Bắc), trong đó có  121 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo và 14 hộ không nghèo  để nuôi các loại cá đặc sản. Việc liên kết sản xuất này có sự hỗ trợ, giám sát của BQL Dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc. Trên cơ sở bàn bạc, thống nhất, tháng 2/2016, Công ty đã ký kết hợp đồng và đến tháng 4/2016 bắt đầu cùng các hộ thực hiện chu kỳ 1. Con cá được chọn nuôi là cá lóc.

 

Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cá sạch sông Đà, cán bộ BQL Dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc  và hộ dân trao đổi về lượng thức ăn cho cá lóc trong thời điểm tăng tốc để bán cá thương phẩm về công ty.      

                                                     

Ngày 9/4/2016, Công ty đã thả mẻ cá lóc đầu tiên nhưng do có một vài vướng mắc trong liên kết nên việc thả cá chậm so với dự kiến. Có nhóm hộ đến tháng 7/2016 mới thả cá. Đến tháng 9 gặp mùa nước dâng (thủy điện Sơn La xả lũ), cá mắc bệnh chết hàng loạt. Tiếp đó bước vào mùa đông (tháng 11- tháng 2) lượng thức ăn khan hiếm, một số hộ dân trễ nải trong việc chăm sóc dẫn đến cá chậm lớn (thức ăn chủ yếu của các lóc là cá tép dầu được người dân đánh bắt với trữ lượng lớn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình). Do đói ăn, con cá lóc có trọng lượng 0,6- 0, 7kg tụt xuống còn 0,3- 0, 4kg. Cũng do đói ăn nên cá ăn thịt lẫn nhau (cá lóc có tập tính cá lớn nuốt cá bé). Bởi vậy, một số lồng cá đã hao hụt nặng, từ 3.000 con giống /lồng, hiện còn khoảng 1.000 - 2.000 con/lồng, trọng lượng 0,7 - 1,5 kg/con.

 

Khi chúng tôi có mặt ở khu vực nuôi cá lóc thuộc xóm Tham, xã Vầy Nưa đã được nghe anh Đinh Văn Lạnh, trưởng nhóm CIG (nhóm liên kết nuôi cá)  và một số hộ dân xóm Tham phàn nàn về con cá lóc: Phàm ăn, chậm lớn, khó đầu ra… và các hộ dân không muốn tiếp tục nuôi dù có được hỗ trợ nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

 

 Những điều nhận thấy từ mô hình liên kết nuôi cá lóc trên lòng hồ

 

Liên kết sản xuất đối với 188 hộ dân nuôi cá lóc trên lòng hồ sông Đà thuộc 2 xã Tiền Phong và Vầy Nưa (Đà Bắc), ngoài việc cung cấp 100% cá giống; hỗ trợ không hoàn lại 10% cám công nghiệp; thu mua cá thương phẩm… khi triển khai, Công ty đã tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các nhóm hộ nuôi cá trong cả quá trình nuôi (từ khi thả cá giống đến khi thu hoạch và bán cá thương phẩm cho Công ty). Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt khi các hộ bán cá cho Công ty. Vào thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, Công ty bố trí cán bộ thường xuyên thăm, kiểm tra. Khi phát hiện dịch bệnh sẽ đưa ra biện pháp khắc phục, phòng trừ và đề nghị mua thuốc trị bệnh theo yêu cầu của Công ty.  Nếu xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan (rét đậm, rét hại) các bên sẽ họp để bàn bạc đối phó, giảm thiểu rủi ro và tổ chức phổ biến cách thức giảm thiểu đến các hộ dân. Bảo hành chất lượng về giống 15 ngày. ở 30 ngày tiếp theo, nếu gặp thời tiết cực đoan gây rủi ro làm cá chết 20%, Công ty sẽ đầu tư miễn phí cho các hộ tham gia liên kết. Trường hợp rủi ro trên 20% thì phần vượt quá 20% Công ty sẽ ứng trước cá giống  cho các nhóm nuôi và thu hồi khi có sản phẩm thu hoạch bán cho Công ty để đảm bảo được năng suất, sản lượng dự kiến.

 

Cam kết và thực tế Công ty đã làm đúng như vậy từ khi thả con cá lóc xuống lòng hồ sông Đà. Chị Hoàng Thị Lan, thành viên liên kết thị trường của dự án (cán bộ BQL Dự giảm nghèo huyện Đà Bắc) cho rằng: Dự án này hết sức an toàn đối với người dân. Thời gian qua, cán bộ BQL Dự án giảm nghèo đã đồng hành cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty, đến thăm, hướng dẫn, đôn đốc bà con trong việc chăm sóc cá. Qua quá trình giám sát (theo chức năng), phía  BQL Dự án giảm nghèo huyện đã nhận định: Thực hiện các cam kết về liên kết nuôi cá lóc trên lòng hồ đã đặt lợi ích của nông dân (các nhóm hộ nuôi cá lóc) lên trên lợi ích của Công ty.

 

Thành hay bại phụ thuộc nhiều vào ý thức của dân

 

Là cán bộ trực tiếp phụ trách việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc cho các nhóm hộ thuộc 2 xã Vầy Nưa, Tiền Phong, anh Xa Văn Quyền, Công ty CP cá sạch sông Đà bày tỏ: Công ty luôn bám sát từng lồng cá để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá nhưng thực sự các nhóm hộ chưa làm hết mình. Bởi, cùng nuôi cá trên một dòng nước nhưng các hộ dân ở xã Tiền Phong làm tốt hơn ở Vầy Nưa, năng suất, sản lượng đảm bảo. Ngay ở xã Vầy Nưa cũng có những hộ như hộ ông Đinh Công Son, Đoàn Quyết Thành… xóm Săng Trạch thực hiện đúng quy trình chăm sóc, cá phát triển rất tốt. Đến tháng 11/2016, nhiều con cá đã có trọng lượng 1,5 kg, hiện tại khoảng 2 kg /con. Tuy nhiên, cũng có nhiều lồng do đói ăn, cá đã phát triển 0,6- 0, 7kg tụt xuống còn 0,3 - 0,4 kg/con.

 

Trực tiếp làm đầu mối liên kết, theo dõi, giám sát dự án nuôi cá lóc trên lòng hồ Hòa Bình, đồng chí Đinh Công Thiệu, Trưởng BQL Dự án giảm nghèo giai đoạn II huyện Đà Bắc nhận định: Mục tiêu của dự án là tốt vì thông qua liên kết giữa nhóm hộ  nuôi cá và Công ty dần hình thành vùng sản xuất ổn định các loại cá nước ngọt giúp người dân chủ động sản xuất. Một mặt, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo lợi nhuận lâu dài cho người dân vùng lòng hồ. Đặc biệt là góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và khuyến khích phát triển nuôi cá vùng lồng hồ Hòa Bình nói riêng. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, ý thức của một số hộ dân trong việc liên kết sản xuất chưa cao. Cùng tham gia mô hình nuôi con cá lóc nhưng nay có hộ đã thu bạc triệu,  có hộ chỉ mong làm thế nào để giải phóng được đám cá lóc còi cọc ấy đi là một minh chứng. Mới là chu kỳ đầu nên thực hiện các khâu trong quá trình liên kết còn có phần lỏng lẻo (có cả phía Công ty và phía người dân). Đã có nhiều cuộc Công ty cùng người dân cùng ngồi lại để tìm hướng xử lý sự cố không mong muốn ở mô hình nuôi cá lóc. Công ty đã cam kết thu mua hết cá trong tháng 4/2017 để triển khai chu kỳ mới (vụ cá mới). Vụ cá này, Công ty sẽ ký kết trực tiếp với các nhóm hộ nuôi cá, cung cấp giống cá trên cơ sở lựa chọn loại cá nuôi của các hộ dân. Chưa rõ các hộ dân sẽ chọn nuôi loại cá nào trong danh mục: cá lóc, lăng vàng, lăng đen, trắm đen, chép đen mà Công ty giới thiệu nhưng dù là nuôi cá gì thì sự nỗ lực, tập trung của người dân cũng là yếu tố quan trọng nhất. Thành hay bại trong mô hình liên kết sản xuất này phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân - đồng chí Đinh Công Thiệu, Trưởng BQL Dự án giảm nghèo giai đoạn II huyện Đà Bắc khẳng định. 

                                                                     

 

                                                        Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục