(HBĐT) - Vẫn không thể nào quên, cuối tháng 7/2017, chúng tôi được đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Phía xa kia, biên giới một màu xanh thẳm cây rừng đã không còn vương khói súng. Trên đầu, trời xanh, mây trắng và vẳng đâu đây phía kỳ đài có những chú chim bồ câu vờn nắng. Tiếng cu gù tạo cho không gian thanh bình quá đỗi. Nhưng lòng mỗi người không yên khi được thắp nén hương lên những ngôi mộ không tên.


 Thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cao điểm 468(xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên-Hà Giang)

Hơn 1.700 ngôi mộ với những bông hoa đỏ thắm được đặt ở mỗi phần mộ như muốn nói bao điều với bao người từng đến mảnh đất thiêng liêng này. Nơi biên giới Vị Xuyên vẫn còn hàng nghìn hài cốt của các anh nằm lẫn với rừng núi, cây cỏ đất Mẹ Việt Nam. Gặp CCB Bùi Duy Hiền (Yên Bái) đang thắp hương và thì thầm với những đồng đội năm xưa, bác nghẹn ngào: "Dịp 27/ 7 hàng năm, những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Hà Giang chúng tôi lại tề tựu về đây cùng tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương. Nhìn về các cao điểm trong sương mù và cùng hát khúc ca "Về đây đồng đội ơi” mà không cầm được nước mắt”.

Biết bao hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng vậy mà trên khắp mảnh đất hình chữ S này đã có hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, hàng nghìn đài tưởng niệm. Nhiều vùng đất, nhiều địa danh đã trở thành "địa chỉ đỏ” linh thiêng; là điểm đến đầy sự ngưỡng vọng, tri ân và có ý nghĩa thức tỉnh con người nhằm biết đến truyền thống lịch sử, công ơn của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống vì khát vọng hòa bình, để hết mình cống hiến cho cuộc sống hôm nay. Nghĩa trang liệt sĩ A1 (tỉnh Điện Biên), nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo-Bà Rịa-Vũng Tàu), đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (thành phố Hồ Chí Minh), nghĩa trang Phú Quốc (Kiên Giang), đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Cam Ranh-Khánh Hòa)… Mỗi địa danh, mỗi địa chỉ đều gợi lên niềm tự hào, kiêu hãnh nhưng cũng chen lẫn nỗi đa vởi sự hy sinh vô bờ bến.

Thật không thể nào diễn tả hết cảm xúc dâng trào khi lần đầu tiên đi qua sông bến Hải-vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền Nam-Bắc từ năm 1954 đến năm 1975. Đến Quảng Trị, không thể không đến thành cổ và dòng sông Thạch Hãn anh hùng gắn với những câu thơ như khắc vào lòng người của một CCB: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Điều kỳ thú nhất là trong lần chúng tôi thăm thành cổ Quảng Trị, nơi được mệnh danh với "mùa hè đỏ lửa”, 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của bộ đội với lực lượng mạnh gấp nhiều lần Mỹ Ngụy là được gặp nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính cùng các CCB về thăm chiến trường xưa. Câu chuyện một thời bom rơi đạn nổ ngút trời và câu chuyện về mỗi bức ảnh, mỗi bức thư tại Thành cổ luôn được nhắc mãi. Bên cạnh những hy sinh, mất mát là tinh thần lạc quan, là khát vọng hòa bình của những người chiến sĩ.


Khoảng lặng nơi nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” (năm 1972) giữa không gian mà không viên gạch nào ở Thành cổ còn lành lặn bởi sự hủy diệt của bom đạn đã là một phần của lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Cũng nơi "túi bom” này (nơi mà Mỹ Ngụy trút bom đạn xuống tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống 2 thành phố của Nhật Bản năm 1945), vẫn còn tươi nguyên tình yêu với quê hương, đất nước và niềm tin vào ngày thống nhất của bao người chiến sĩ. Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Thành cổ đã khiến bao người không cầm được nước mắt bởi tâm tư rất thật, rất đời thường của bao người con, người chồng gửi cho mẹ, cho vợ, cho quê hương trước khi hy sinh. Thật kỳ lạ, sau 30 năm, người vợ của liệt sĩ tìm được phần mộ của anh cũng khá trùng khớp với "dự báo” của anh ngày nào: " Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy đưa hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nham Biều 1… Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh, đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…”.

Thành cổ Quảng Trị, nơi mà mỗi nắm đất, ngọn cỏ, viên gạch đều thấm máu xương của những người con của quê hương, đất nước. Quảng Trị…mảnh đất anh hùng, mảnh đất lịch sử còn có 2 nghĩa trang Quốc gia là Nghĩa trang đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn-nơi yên nghỉ của gần 21.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn bó với con đường Trường Sơn huyền thoại, mặt trận đường 9 Nam Lào, chiến trường Lào… Đã có hàng triệu lượt người Việt Nam và người nước ngoài hành hương về 2 miền đất linh thiêng này. Trước bạt ngàn bia mộ, trước bao anh linh anh hùng liệt sĩ, nhiều người không cầm được nước mắt. Có những hy sinh mất mát như vậy đấy, Việt Nam mới liền một dải và đang vững vàng vươn lên xây dựng, phát triển.

Với mỗi người con Hòa Bình khi đến đây, sau khi dâng hương hoa đặt chung cho các liệt sĩ, đều về phía khu mộ, phần mộ của con em Hòa Bình đã nằm lại sau cuộc chiến tranh. Biểu tượng của tỉnh Hòa Bình, những tiếng nói thì thầm với người nằm xuống…tất cả đều trào dâng niềm thành kính, biết ơn cùng lời hứa quyết tâm của những người đang sống...

Tháng 6/2018, chị Bùi Thị Thanh (TP Hòa Bình) có dịp đến ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc - Hà Tĩnh) - di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Trước đó, qua sách báo, phim ảnh, chị từng biết về địa danh này - một huyết mạch giao thông bị bom Mỹ đánh phá ác liệt cùng sự hy sinh bi tráng giữa tuổi thanh xuân của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng bao người khác trong kháng chiến chống Mỹ. Đến nơi đây, những xúc cảm được nhân lên khi chị được "gặp” những hiện vật, nhân chứng, tài liệu về tinh thần quả cảm một thời của họ giữa đạn bom khốc liệt. Điều trùng hợp là tại địa danh này đang có nhiều hoạt động tri ân nhân 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, chuẩn bị khánh thành đền thờ Ngã ba Đồng Lộc... Du khách gần xa và bao thế hệ cựu TNXP đã về đây. Hồi đó, họ mười tám, đôi mươi, nay đều đã ngoài 70. Họ dâng gương, lược, bồ kết lên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ với những cái tên đã đi vào lịch sử TNXP Việt Nam: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Dương Thị Xuân…Trong gió lồng lộng, cùng tiếng thông reo là tiếng chuông ngân như vang vọng từ quá khứ hào hùng. Đó là tấm lòng ngưỡng vọng, tri ân của bao người và càng thêm hiểu về ý nghĩa, giá trị của tiếng reo vui cuộc sống hòa bình hôm nay.


Bùi Huy


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục