(HBĐT) -"Chú voi con ở bản Đôn/Chưa có ngà nên còn trẻ con…” là những câu ca quen thuộc trong ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác mà bất kỳ ai thuở nhỏ cũng đã từng được nghe và cất tiếng hát. Bản Đôn trong bài hát chính là Buôn Đôn hiện nay thuộc Buôn Trí A, xã Krông An, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, được mệnh danh là vùng đất huyền thoại của những thợ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Và chúng tôi, trong chuyến hành trình đã có buổi dừng chân, thăm thú và nghe những câu chuyện gắn với lịch sử nơi đây.


Du khách gần xa phấn khởi, háo hức khi được thử cảm giác cưỡi voi tại khu du lịch Buôn Đôn thuộc Buôn Trí A, xã Krông An, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk.

Nhà trưng bày của khu du lịch Buôn Đôn được thiết kế tựa như ngôi nhà dài đặc trưng của người dân tộc Ê-đê với nhiều dụng cụ từ những chiếc cồng chiêng đã gỉ sét cho đến những chiếc kìm, sợi dây thừng săn voi đã ngả màu, mọi thứ đều rất sống động và chân thực. Ấn tượng hơn khi chúng tôi được biết tiêu bản một chú voi con ở đây chính là nguyên mẫu của một bài hát thiếu nhi. Và câu chuyện về chú voi con lạc mẹ dường như hấp dẫn cả đoàn. Tiêu bản chú voi con cao khoảng 1m, còn khá nhỏ, bộ da thô ráp và cứng, có nhiều sợi lông tơ. Đôi mắt chú mở to, chiếc vòi uốn cong và miệng chú còn hé ra như đang chực gọi mẹ. Bốn chân của chú đứng choãi ra, mạnh mẽ, đang hướng về phía trước như muốn đuổi theo mẹ đòi bú. Có lẽ vì thế nên các chị hướng dẫn viên nơi đây thường gọi đùa chú là "voi sữa”. Ở Buôn Đôn này, người dân tộc Ê-đê có tục săn và thuần hóa voi rừng có độ tuổi từ 2-4 năm tuổi. Khi săn bắt voi, thợ săn dùng voi nhà truy đuổi vây ép voi rừng đến khi hết đường chạy thì bắt trói chân, xích cổ lại, còn voi nhỏ sẽ không bắt. Chú voi con bơ vơ đi lạc đến buôn nên được Công ty và Trung tâm Du lịch Buôn Đôn nuôi dưỡng cùng đàn voi nhà. Lúc này, Buôn Đôn có trên dưới 30 con voi nhà làm nông và làm du lịch. Vì hoàn cảnh khá đặc biệt của chú voi con, một phần cũng do đây là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng ra đời của bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn” nên công ty quyết định ướp xác con voi con này và đem lưu giữ tại Nhà Trưng bày và Thuyết trình của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn.


 

Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình đến thăm nhà sàn cổ của "Vua Voi” Khun Yu Nốp và cháu ngoại Ama Kông tại buôn Đôn.

 

Chúng tôi không khỏi tò mò về vùng đất của những thợ săn voi, tại sao lại được người đời mệnh danh như vậy? Chị Giang, hướng dẫn viên khu du lịch Buôn Đôn cho biết: "Từ rất lâu rồi, Buôn Đôn đã nổi danh về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Người tù trưởng hùng mạnh N’Thu K’Nul đã săn được hàng trăm con voi và tặng Hoàng gia Thái Lan một con voi trắng. Vua Thái cảm phục đã phong tặng ông danh hiệu Khun Yu Nốp (vua săn voi). Sau khi ông mất, dân làng đã xây mộ ông với sự kết hợp của hai kiểu kiến trúc M’nông - Lào để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Đến nay, dấu ấn về vị vua săn voi ngày nào vẫn còn hiện diện trong đời sống hiện tại qua những câu chuyện của người dân Buôn Đôn. Tiếp nối những chiến công của thủ lĩnh Khun Yu Nốp, người cháu Ama Kông đã viết nên những câu chuyện của riêng mình. Ông là một grư (trưởng đoàn săn voi) dũng mãnh, tài ba và đã được vua Bảo Đại trao tặng thanh gươm quý. Đặc biệt, bài thuốc của Ama Kông được kết hợp từ lá, thân, rễ cây rừng đã trở thành món quà đặc sản với du khách”.

Theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, để đến được điểm cưỡi voi dành cho du khách, chúng tôi phải băng qua những cây cầu treo bắc trên dòng sông Sêrêpôk nằm trong lòng khu du lịch Buôn Đôn là thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trước đây, người dân địa phương làm cầu treo tạm bằng vật liệu như mây, tre, dây thừng để qua sông tới các ốc đảo làm mùa màng. Đến nay, cầu treo được đầu tư, nâng cấp với 11 nhánh, tổng chiều dài 463,5m phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Đa số các thành viên trong đoàn đã được nhìn thấy voi nhiều lần nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên được thử cảm giác cưỡi trên loài vật to lớn này. Theo mệnh lệnh của quản tượng, trước bước quỳ phục của voi thuần, chúng tôi được nâng lên nhẹ nhàng, chễm chệ trên lưng voi. Cái cảm giác lắc lư, chênh vênh trên lưng giống loài lớn nhất rừng xanh khiến cả đoàn mải mê, thích thú. Chị Lê Thị Nhung, cán bộ Báo Hoà Bình chia sẻ: "Tôi cũng như nhiều thành viên trong đoàn không khỏi ngạc nhiên trước tài thuần voi nổi tiếng của người Buôn Đôn. Lần đầu tiên tôi được cưỡi voi, cảm giác thật hồi hộp, háo hức. Nếu có dịp, tôi sẽ cùng cả gia đình quay lại đây để được thử cảm giác ấy một lần nữa”.

Vùng đất Tây Nguyên đầy nắng, gió với tiếng ngân vang của cồng chiêng như lời vẫy gọi, mời chào du khách tiếp tục đến khám phá, tận hưởng những điều thú vị ở Buôn Đôn - mảnh đất đại ngàn với những chú voi huyền thoại.

 

                                                                                                  Thanh Sơn


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục