(HBĐT) - Trong ánh nắng vàng dìu dịu của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Lạc Sơn - nơi sở hữu rừng cây dổi có giá trị lớn. Từng hàng dổi thẳng tắp, cao vút, trước đây được người dân trồng làm hàng rào tựa như những chiếc ô khổng lồ, tỏa bóng mát. Hàng nối hàng, cây nối cây, tạo không gian đặc sắc cho vùng đất Mường Vang.


Cây rừng nức tiếng

Trước đây, người miền núi đi rừng thường mang hạt dổi đựng ống nứa. Mỗi khi dùng, đem vài hạt nướng bằng cặp nặp trên than củi hồng. Hạt dổi nướng thơm lừng, được giã cùng muối trắng khô kỹ, đựng trong vỏ quả bầu già, gọi là muối dổi. Muối dổi dùng chấm thịt gà, thịt lợn, làm gia vị cho nhiều món ăn, đặc biệt là món thịt gà nấu măng chua. Hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc bóp.

Cây dổi vốn là loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh, lại có mùi thơm nên được nhiều người ưa thích. Có giá trị là vậy, song một thời cây dổi chỉ gói gọn trong các bản Mường nên sản lượng hạt không dùng hết. Dư thừa, kém giá là thực trạng chung, vì vậy cây dổi mai một dần, thậm chí bị đốn tỉa, dần mất bóng trên các non xanh của rừng núi xứ Mường.

Thế rồi thật may, khi cây dổi ở rừng tự nhiên không còn nhiều, hạt dổi trở thành đặc sản bởi trữ lượng tinh dầu cao, mùi thơm đặc trưng, không đắng… Và giá trị cây dổi được khẳng định khi nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ ngày 18/12/2014.


Hạt dổi tươi được người dân xã Chí Đạo phơi khô trước khi xuất bán.

Trong các xã của huyện Lạc Sơn hiện còn cây dổi thì Chí Đạo là miền đất luôn được nhắc đến vì thế mạnh trồng loại cây này cũng như sự giàu lên nhanh chóng của không ít hộ dân. Trong sự nhắc tên đầy tự hào ấy thì nông dân người Mường có tên Bùi Văn Giang ở xóm Be Trên được nói đến nhiều hơn cả. Dẫn chúng tôi theo con đường đất vừa khô sương đêm, đưa bàn tay chai sạm của người chăm lao động, chỉ lên những thân cây thẳng tắp, ông Giang tự hào: Tiền cả đấy, cứ mỗi mùa dổi qua đi, những hộ trồng dổi ở đất này lại có thêm khoản thu. Nhờ cây dổi, từ nghèo khó, chúng tôi đã qua cữ thiếu thốn và bước đầu có tích lũy. Dổi đang là cứu cánh của không ít người dân đất này.

Ông Giang đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về mươi năm trước. Thấy người ta tìm đến hỏi mua, biết giá trị cây dổi bắt đầu được đánh thức. May mắn trên đồi sát nhà còn sót lại một cây vài chục tuổi, sau mỗi mùa quả, ông Giang nhặt hạt và lao tâm khổ tứ ươm trồng. Quay đi quay lại, hiện nay, nhà ông đã có cả trăm cây dổi. Trung bình mỗi cây cho thu 10 - 15 kg hạt, cá biệt có cây thu 30 kg hạt sau mỗi vụ. Với giá bán từ 1,2 - 2 triệu đồng/kg, nhà ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ dổi mỗi năm.

Xóa nghèo nơi miền đất khó

Vào vụ thu hoạch, từ sáng sớm, khắp các ngả rừng, sườn đồi vùng Mường Vang râm ran tiếng nói cười. Theo bước chân, hạt dổi được mang về, phơi nắng, sau đó được tiểu thương về tận nơi thu mua.

Năm nay, niềm vui được mùa lại đến với gia đình ông Bùi Văn Nhạn, xã Chí Đạo. Hiện ông sở hữu vườn dổi gần trăm cây, trong đó có 40 cây trên 20 năm tuổi. Cho chúng tôi xem những hạt "vàng đen” của vụ vừa qua, ông Nhạn kể: Những năm hạt dổi được giá, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ giữ cây và mở rộng diện tích trồng, kinh tế gia đình tôi thay đổi hẳn. Nếu không có cây dổi cùng sự quan tâm, định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền thì không biết đến lúc nào gia đình tôi mới thoát nghèo.

Với 2.000 m2 đất vườn, trong đó có 4 cây dổi cổ thụ, chưa khi nào vợ chồng anh Bùi Văn Rạn và chị Bùi Thị Nhâm, xóm Be Trên, xã Chí Đạo nghĩ đây là cứu cánh của gia đình mình. Sau nhiều năm ươm trồng, đến nay, vườn nhà anh chị có 35 cây dổi, hàng năm thu hoạch khoảng 200 kg hạt dổi tươi. Từ năm 2013, gia đình anh chị làm vườn ươm cây dổi với 2 loại là dổi ươm bầu, giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/bầu, trồng 10 - 12 năm cho thu hạt và dổi ghép với giá thành 50.000 đồng/cây, sau 2- 3 năm cho thu hoạch. Anh Rạn cho biết: Niên vụ 2018, gia đình đã cung ứng cho thị trường trên 50 vạn cây ươm bầu và 1,2 vạn cây dổi ghép; trừ chi phí, gia đình thu trên 1 tỷ đồng.

Từ hiệu quả kinh tế do dổi đem lại, nhiều năm trở về đây, người dân không còn chặt cây để bán. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: Để phát huy thế mạnh, cùng với chủ trương, hỗ trợ và khuyến khích của cấp ủy, chính quyền các cấp, hiện nay, trong xã nhiều hộ đã phát triển, nhân rộng thành rừng, trồng được 37 ha, tương ứng với 3,6 vạn cây dổi các độ tuổi, trong đó có trên 1.200 cây đã cho quả. Theo thống kê, niên vụ vừa qua xã có khoảng 7 tấn hạt dổi tươi xuất đi, thu về được 4,2 tỷ đồng. Việc ươm và bán giống dổi cũng đem về 14,8 tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn. Từ trồng dổi, đời sống của nhiều hộ vươn lên khấm khá, góp phần đưa thu nhập bình quân của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm, tăng gần 23% so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,8% năm 2017 xuống còn 28,7% trong năm 2018.

Có đến Lạc Sơn, về với Chí Đạo, tận mắt chứng kiến người dân thu hái và bán dổi cùng sự tấp nập của người tìm đến hỏi mua mới thấy hết giá trị và hiệu quả kinh tế mà dổi đem lại. Tin rằng, Tết năm nay và còn nhiều năm sau nữa, hương dổi thơm dịu sẽ đem về những mùa xuân no ấm, tiếp sức cho miền đất khó này nở hoa.


Hải Yến


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục