Chung một tình yêu với biển đảo quê hương, cô sinh viên Đoàn Thị Ngọc và cô giáo Phùng Thị Thu Phượng đã tự tay làm hơn 400kg mứt dừa gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đảo Trường Sa. Món quà thơm ngọt này không chỉ đem đến hương vị truyền thống ngày Tết mà còn là ân tình của hậu phương đất liền gửi tới các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bám biển bảo vệ Tổ quốc.



Cô giáo Phùng Thị Thu Phượng cùng học sinh đóng gói mứt gửi ra Trường Sa.
Yêu Trường Sa từ những câu chuyện kể

"Trước đây, em biết rất ít về Trường Sa vì chưa quan tâm tìm hiểu. Đến năm thứ hai học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khi tham gia khóa học Quốc phòng, em được thầy giáo kể những câu chuyện về Trường Sa, nơi thầy từng công tác, em đã rất xúc động. Từ đó em mới biết rằng, trong thời bình mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn như vậy…” - Đoàn Thị Ngọc (sinh năm 1994), sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội nhớ lại.

Từ câu chuyện kể của thầy giáo mà Ngọc đã nuôi mơ ước phải đến Trường Sa một lần. Trong thời gian chờ đợi cơ hội đến, dù không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng với tình yêu biển đảo, cô gái trẻ đã sáng tác rất nhiều bài thơ về Trường Sa và bộ đội Hải quân, như một cách bày tỏ tình yêu và sự tri ân sâu sắc. Và khi những bài thơ đó lan tỏa trên mạng xã hội, cô đã có thêm những người bạn là chiến sĩ Hải quân. Ngọc bày tỏ: "Em mong ước một ngày được đặt chân đến Trường Sa, được gặp những con người vẫn âm thầm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc”. Mong ước của Ngọc đã thành hiện thực, khi năm 2015, Ngọc được xét chọn là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu tham gia "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” của Trung ương Đoàn, ra thăm Trường Sa. Cảm xúc dường như vẫn nguyên vẹn, Đoàn Thị Ngọc chia sẻ: "Em cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi thực hiện được ước nguyện của mình. Không phải em ra Trường Sa mà là trở về với Trường Sa, với những gì thân thuộc như trong lời kể của những chiến sĩ Hải quân mà em được quen biết”.

Khác với Ngọc, cô giáo trẻ Phùng Thị Thu Phượng (sinh năm 1990), giáo viên Trường Tiểu học Văn Phú (huyện Thường Tín), được nuôi dưỡng và vun đắp tình yêu với Trường Sa từ tấm bé, qua người cha của cô, một người chiến sĩ Hải quân phục viên. "Bố em cũng chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, nhưng luôn chia sẻ những câu chuyện về người lính Hải quân cho chúng em. Nghe những câu chuyện của bố, em đã tìm hiểu thêm và biết về những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi”.

Trong quá trình tham gia công tác Đoàn ở trường, Phượng tìm hiểu và biết đến Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Tích cực tham gia các hoạt động và với tình yêu mãnh liệt dành cho biển đảo, cô giáo Phượng đã có duyên đến với Trường Sa hai lần trong năm 2018. "Khi biết em được chọn đi Trường Sa, gia đình và nhà trường hết sức tạo điều kiện để em được đến nơi mà bố em cũng ao ước”.

Cùng chung tình yêu với Trường Sa, hai cô gái Phượng - Ngọc đã quen nhau trong một triển lãm ảnh về Trường Sa. Từ đó, họ trở thành đôi bạn thân thiết, có chung một tình yêu với biển đảo của Tổ quốc. Họ cùng nhau tham gia nhiều hoạt động hướng về biển đảo, vun đắp tình yêu đó mỗi ngày một lớn hơn…

Chung một tình yêu biển đảo

Sau hải trình thăm Trường Sa, chứng kiến cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo đón Tết, Phượng trở về với công việc của giáo viên, nhưng trong cô nhen nhóm nhiều việc phải làm vì Trường Sa. Việc đầu tiên, cô thành lập "Tủ sách biển đảo quê hương" ở trường, sưu tầm những tác phẩm về biển đảo. Vào tiết đọc sách, cô giáo Phượng trực tiếp tuyên truyền để các học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp đó, Phượng đã trở thành cầu nối giữa đất liền và biển đảo. Cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo khi có việc gia đình, gọi điện nhờ cô đến nhà trong đất liền động viên, chia sẻ, Phượng không quản ngại xa xôi, vất vả, đến thăm nhiều gia đình. "Em may mắn khi được đến những điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trò chuyện, tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ, em nhận thấy để chúng ta có cuộc sống bình yên đã có sự hy sinh rất lớn của những chiến sĩ nơi đầu sóng. Em thấy mình cần phải có trách nhiệm và sống tốt hơn”, Phượng chia sẻ.

Còn Ngọc, trở về đất liền lại tiếp tục có thêm nhiều sáng tác về Trường Sa. Đến nay, Ngọc đã có hàng trăm bài thơ về biển đảo và chiến sĩ Hải quân. Tập thơ đầu tay "Ngược sóng” của Ngọc được xuất bản. Một số bài còn được các nhạc sĩ phổ nhạc. Tập thơ hiện có mặt ở tất cả 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Một việc làm cụ thể nữa là từ cuối năm 2013, hằng năm, Ngọc đều làm mứt dừa gửi ra Trường Sa. Từ khi quen biết Phượng, Ngọc đã tìm được người chung chí hướng. Tết năm 2019, đôi bạn đã chung tay làm 175kg và Tết năm 2020 họ tăng lên 230kg. Phượng chia sẻ: "Cứ thời gian rảnh là chúng em lại tranh thủ làm mứt dừa. Tất cả số mứt, từ khâu nguyên liệu đến đóng gói bao bì, đều được bạn bè, người thân ủng hộ kinh phí cũng như giúp đỡ trong quá trình làm thành sản phẩm”.

Khoe với chúng tôi những tấm ảnh mứt dừa được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt chuyển lên tàu ra các điểm đảo, Ngọc kể: "Để làm xong 230kg mứt dừa cho kịp chuyến tàu Tết, cứ sau giờ lên lớp, chị Phượng lại tập trung làm mứt. Hơn 10 đêm liền, mỗi đêm chị chỉ ngủ khoảng 3 tiếng”. Cô giáo Phượng còn mang mứt dừa đến trường để sau giờ học đóng gói. Nhiều học sinh cũng tham gia cùng. "Các con còn viết thiệp chúc Tết gửi kèm cùng mứt dừa tặng các chú bộ đội. Điều này làm cho em cảm thấy việc mình làm thêm ý nghĩa, lan tỏa được tình yêu biển đảo trong học sinh”, cô giáo Phượng cho hay.

Mỗi gói mứt tuy nhỏ, nhưng gửi vào đó biết bao ân tình. Đặc biệt còn có thiệp chúc Tết gắn kèm như một lời nhắn nhủ đầy thương yêu. Trên thiệp in hình cành hoa đào cùng ảnh của hai cô gái, với lời chúc rất dễ thương: "Hai em Phượng Ớt - Thỏ Ngọc cùng các bạn chúc các anh em đón Tết vui vẻ bên đồng đội; năm mới mạnh khỏe, bình an, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp”.

Trân trọng tình cảm của hai cô gái, liên tục những tin nhắn được gửi về mấy ngày qua: "Anh em đơn vị đã nhận được quà của Phượng Ớt và Thỏ Ngọc. Món quà rất có ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng. Thay mặt đơn vị cảm ơn những tình cảm của hai em dành cho chúng tôi. Những sự quan tâm đó đã giúp cán bộ, chiến sĩ thêm chắc tay súng giữ vững vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”…

Mùa xuân này, những người chiến sĩ kiên trung nơi ngàn khơi ấy đón Tết có thêm những gói mứt dừa thơm phức và nồng ấm tình cảm của hai cô gái trẻ. Đó là tấm lòng, tình yêu tha thiết gửi gắm tới cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng. Những gói mứt tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, kết nối những yêu thương từ đất liền với đảo xa, bồi đắp ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


                                   Theo Hanoimoi

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục