(HBĐT) - Ở quần đảo Trường Sa, những chú chó không chỉ là người bạn thân thiết của lính đảo, mà còn còn tham gia làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Những chú chó là người bạn của cán bộ, chiến sỹ công tác trên quần đảo Trường Sa thân yêu.

Trong chuyến công tác đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa, đến đảo nào, chúng tôi cũng quan sát, trò chuyện để thấu hiểu cuộc sống của lính đảo. Và cũng là để thấy được những hình ảnh thân thuộc của đất nước Việt Nam trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đó những giậu mồng tơi xanh tốt, những luống rau muống tươi mơn mởn hay những chú lợn mập mạp. Hình ảnh những chú chó sinh trưởng trên đảo vui đùa với cán bộ, chiến sỹ và cả với những khách lạ từ đất liền thật gần gũi, thân thuộc.

Tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa, Đá Lát là điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Trông thấy khách lạ lên đảo, ban đầu, những chú chó tỏ ra cảnh giác với vẻ mặt lạnh lùng. Thế nhưng, khi được cán bộ, chiến sỹ trên đảo "giới thiệu”, chúng không còn giữ vẻ mặt "hình sự" nữa mà vẫy đuôi, ôm lấy chân của những vị khách từ đất liền. Trung úy Nguyễn Thành Trung, đảo Đá Lát chia sẻ: Ở các đảo, chó là bạn chứ không phải nuôi làm thực phẩm. Mỗi chú chó đều có tên riêng với những tính cách riêng, chúng khôn và bơi lội rất giỏi. Cuối năm ngoái, 6 chú chó của đảo bơi ra bãi cạn, lúc mải chơi quên đường về. Hôm đấy, biển động dữ dội, cứ tưởng chúng sẽ bị cuốn ra biển, nhưng sau đó đều bơi trở vào đảo an toàn.

Trong số các đảo, điểm đảo, chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là đàn chó trên đảo Thuyền Chài. Những chú chó ở đảo Thuyền Chài cao lớn, mập mạp và rất quấn người. Ở đảo này còn có một chú chó đặc biệt có tên "Bảy Chột”, hay còn gọi là CR7. Chú chó này đặc biệt ở chỗ bị chột một mắt và là chú chó hiếm hoi còn sót lại sau cơn bão Tembin quét qua đảo hồi cuối năm 2017. Theo cán bộ, chiến sỹ trên đảo chia sẻ: Những chú chó không chỉ là người bạn thân thiết, mà còn là một chiến sỹ canh giữ biển trời quê hương thực thụ. Với đôi tai thính, mắt sáng và khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, đặc biệt là mục tiêu lạ trên biển, những chú chó luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ trong những ca gác hay đi tuần tra. Khi cán bộ, chiến sỹ chăm sóc chúng hoàn thành nhiệm vụ, đến ngày trở về đất liền, chúng cũng buồn bã, quyến luyến. Có những chú chó nhảy xuống biển bơi theo xuồng tiễn cán bộ, chiến sỹ trở về đất liền.

Với những chiến sỹ trẻ lần đầu ra đảo công tác thì những chú chó thực sự là người tâm tình, giúp chiến sỹ nhanh chóng vơi đi nỗi nhớ nhà, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chiến sỹ trẻ Lý Văn Cảnh, đảo Thuyền Chài vẫn nhớ như in ngày đầu ra đảo nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng khi bước chân lên đảo, Cảnh và đồng đội đã nhận được sự chào đón nhiệt thành của cán bộ, chiến sỹ và những chú chó được nuôi ở trên đảo. "Khi chúng tôi đứng gác, chúng nằm dưới chân bầu bạn cùng. Trong sinh hoạt đời thường, chúng cũng luôn đồng hành cùng chiến sỹ. Những giây phút chơi đùa với chúng khiến chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà, vững tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- chiến sỹ Cảnh bộc bạch.

Mặc dù thời gian được nô đùa với những lính đảo "bốn chân” không nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy lưu luyến với những chú chó tinh khôn, thân thiện ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Trên chuyến tàu trở về đất liền, chúng tôi được nghe bài thơ rất xúc động của đại úy Hoàng Hải Lý, Trường Sỹ quan không quân Nha Trang về giây phút chia tay giữa cán bộ, chiến sỹ trên đảo với những người bạn thân thiết của mình: "Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây/ Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm/ Sóng thì to, nước biển kia rất mặn/ Mày cứ bơi ra, sao tao thể cầm lòng/ Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không/ Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng/ Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng/ Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa…


Viết Đào


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục