(HBĐT) - Hiện, toàn tỉnh có 459.063 ha đất tự nhiên, trong đó, 298.013 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm 64,66%). Diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất là 149.492 ha (chiếm 51,7% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp). Sản xuất lâm nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn. Bên cạnh giá trị kinh tế, sản xuất lâm nghiệp còn có vai trò đảm bảo độ che phủ rừng (trên 50%), duy trì nguồn nước, chống xói mòn, cân bằng môi trường sinh thái, thúc đẩy ngành du lịch phát triển và đảm bảo AN-QP.

 


Vườn ươm gia đình anh Bùi Văn Thạch, thôn Sỏi, xã Phú Thành(Lạc Thủy) lựa chọn những giống cây lâm nghiệp tốt để phục vụ trồng rừng.
 
Trồng rừng tạo sinh kế bền vững

Giờ đây, đất trống, đồi trọc trên địa bàn tỉnh được phủ bằng màu xanh của những đồi keo, bạch đàn... Đó là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của người dân. Đối với người dân tại nhiều địa phương, trồng rừng là kế sinh nhai để xây dựng cuộc sống no ấm. Dưới những tán rừng xanh đang trỗi dậy đầy sức sống là những ngôi nhà khang trang mới xây.

Lạc Thủy là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Huyện có tổng diện tích đất lâm nghiệp 17.305,78 ha, trong đó, đất có rừng 14.340,55 ha, đất chưa có rừng 2.965,23 ha; rừng sản xuất 10.015,79 ha, rừng phòng hộ 7.289,99 ha. Người dân Lạc Thủy bắt đầu trồng rừng từ những năm 1990, rừng được trồng nhiều tại các xã: Đồng Tâm, Phú Thành, An Bình, Hưng Thi… Thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huyện phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn. Từng bước nâng cao chất lượng, giá trị rừng theo hướng chuyển từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn. Cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ các dự án về trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng. Người dân lựa chọn những giống cây trồng có chất lượng tốt, phù hợp thổ nhưỡng; trồng rừng đúng thời vụ, bón phân, làm cỏ đúng quy trình, kéo dài chu kỳ trồng. Nhờ vậy, rừng sản xuất của huyện có năng suất, chất lượng cao. Năm 2019, toàn huyện trồng được 480 ha cây gỗ lớn. Năm 2020, phấn đấu trồng được 500 ha cây gỗ lớn. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã trồng 465,46 ha rừng; 39.000 cây phân tán; khai thác được 501,86 ha rừng trồng, sản lượng đạt 48.603 m3 gỗ, củi các loại. Thu nhập từ khai thác rừng đạt hơn 35 tỷ đồng.

 Giờ đây, xã An Bình ngút ngàn màu xanh của rừng, không khí mát lành, thấp thoáng dưới tán rừng là những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang. Đồng chí Quách Công Mười, Chủ tịch UBND xã An Bình phấn khởi chia sẻ: Từ phong trào "Phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, từng tấc đất ở An Bình đã khoác lên mình màu xanh đầy sức sống. Toàn xã có tổng diện tích rừng 1.850,5 ha, trong đó, rừng sản xuất 1.150,1 ha, rừng phòng hộ 700,4 ha. Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các sở, ngành đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển rừng trên địa bàn xã như: Dự án FAM 3352; dự án FAM 327, dự án trồng keo lai cấy mô, chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Hội Nông dân tỉnh triển khai với chu kỳ từ 7 - 10 năm, thu nhập bình quân đạt từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng trên 10 ha rừng như: Quách Văn Thuyến, Bùi Văn Xuân (thôn Ninh Ngoại), Đinh Văn Kệ (thôn Đại Đồng)... 

Nhằm phát huy hiệu quả từ rừng, các địa phương còn khuyến khích người dân tận dụng tán rừng để nuôi gà, dê, nuôi ong lấy mật... Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp, trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 188 cơ sở chế biến lâm sản (38 tổ chức, doanh nghiệp và 150 cá nhân, hộ gia đình). Các cơ sở chế biến lâm nghiệp phát triển và hoạt động hiệu quả góp phần tiêu thụ gỗ cho người dân, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm,    từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 3.752,06 ha rừng, diện tích rừng trồng mới 639,44 ha, trồng lại sau khai thác 3.112,62 ha. Trồng cây phân tán 602.600 cây các  loại. Toàn tỉnh khai thác 2.935,64 ha rừng, khối lượng 176.977,25 m3 gỗ, 101.751,3 ste củi, khai thác từ cây phân tán được 3.071 m3; 887.210 cây bương, tre, luồng; 2 tấn nhựa thông; 563,5 tấn măng tươi; 79,83 tấn dược liệu; 2.165 kg mật ong... Tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đạt 281,890 tỷ đồng.

Hướng tới phát triển bền vững rừng sản xuất

 Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Phát triển rừng sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lâm nghiệp còn chưa cao, rừng trồng chủ yếu là keo, chu kỳ 5 - 6 năm, năng suất gỗ đạt 65 m3/ha, giá bán 800 nghìn đồng/m3, giá trị sản phẩm thu được trung bình đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, tương đương 8% giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha so với canh tác đất trồng trọt. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 77% đất nông nghiệp, song đóng góp cho tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 11,2%. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên do người dân còn sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ kém chất lượng. Phổ biến tình trạng khai thác rừng non; diện tích thực hiện phương thức quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC còn thấp (có 11,5 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chiếm 17% tổng diện tích rừng trồng).

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững rừng sản xuất, trồng rừng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh sản phẩm và phát triển rừng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%; trung bình mỗi năm có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn; 6 nghìn ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (khoảng 25 triệu đồng/ha/năm); tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 16% tăng trưởng ngành.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách hiện có của T.Ư và địa phương đối với phát triển lâm nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chế biến vào đầu tư; thành lập các HTX lâm nghiệp; liên doanh liên kết, trao đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng rừng, đất rừng, nhằm thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư thâm canh, kéo dài chu kỳ kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất bằng việc sử dụng cây giống chất lượng cao; thay đổi thói quen khai thác rừng non (gỗ nhỏ) sang sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, phục vụ công nghiệp chế biến gỗ hướng đến xuất khẩu. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hoá trong trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng. Hướng dẫn, khuyến khích mở rộng sản xuất và quản lý theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững…

Thu Thủy

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục