(HBĐT) - Gian khổ, hiểm nguy, thiếu ăn, mặc, thuốc men và ở trong những căn lán tạm, nhưng "tiếng hát vẫn át tiếng bom”. Đó là những ký ức một thời tuổi trẻ của những cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đội TNXP chống Mỹ cứu nước N111, thực hiện nhiệm vụ mở đường trục huyện Đà Bắc (nay là đường tỉnh 433). Ở tuổi thất thập, họ mong được gặp lại nhau, cùng thăm lại nơi ở và nơi làm việc những năm tháng tại ngũ, chứng kiến sự đổi thay trên tuyến đường huyền thoại này.


Ông Vũ Đức Hạnh và Trần Huy Từ, cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước ôn lại kỷ niệm những năm tháng mở đường trên huyện vùng cao Đà Bắc.

Ông Trần Huy Từ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Trưởng Ban liên lạc Đội TNXP N111 chia sẻ: Chúng tôi gia nhập lực lượng TNXP và thực hiện nhiệm vụ mở đường tại huyện Đà Bắc từ những năm 1966 - 1970. Khi đó, chúng tôi là những chàng trai, cô gái đang ở tuổi 16, 17. Thấm thoắt đã 55 năm trôi qua, các  chiến sỹ TNXP năm xưa giờ đã trên 70 tuổi, người còn, người mất. Bởi vậy, dẫu không phải năm chẵn, nhưng chỉ mong dịch Covid-19 qua mau để những cựu TNXP có dịp gặp gỡ, hàn huyên, cùng làm sống dậy ký ức của một thời  hừng hực khí thế "rời non, lấp biển” theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh   kính yêu.

Trong ký ức của ông, những năm tháng đó không thể nào quên: Tháng 12/1966, 550 chiến sỹ Đội TNXP N111 được tập hợp tại rừng Móc, xã Tu Lý, nay thuộc xã Cao Sơn (Đà Bắc) nhận nhiệm vụ: Mở đường mới, đoạn đường trục huyện Đà Bắc (đường tỉnh 433) từ km 23 - km 45, đi qua xã Tân Pheo đến cuối huyện và nối với tỉnh Sơn La; mở đường mới khoảng 17 km  từ Mu Công, trung tâm  xã Tu Lý đi bến Chương, thuộc xã Hiền Lương; thông tuyến 15 km đường từ Tu Lý ra phố Đúng (TP Hòa Bình); thông tuyến khoảng 10 km từ dốc Đề Ngữ đến xóm Mỏ, thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)… Đó là những đoạn đường có ý nghĩa chiến lược nối tỉnh Hòa Bình với khu vực Tây Bắc, vừa thuận lợi cho công tác chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa giúp đỡ nước bạn Lào và thúc đẩy phát triển KT-XH ở huyện vùng cao heo hút này.   

Đội TNXP N111 có tới 80% chiến sỹ là nữ, nhưng sự bền gan, quyết chí, đồng lòng luôn được phát huy. Bởi khi đó núi rừng Đà Bắc còn hết sức hoang vu. Toàn tổng Đội làm việc theo giờ giấc, hiệu lệnh hết sức nghiêm ngặt: 5h toàn đội thức dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chuẩn bị dụng cụ chờ hiệu lệnh xếp hàng đến công trường làm việc. Đêm về 25 - 30 đội viên ngủ chung một lán được bao bọc bởi cây rừng và làm bạn với các loài muông thú như  khỉ, voọc, hươu, nai, hoẵng, gà lôi, phượng hoàng đất…  

Núi đồi hiểm trở, công cụ làm việc thô sơ nên hiểm nguy luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa. Một buổi sáng cuối tháng 10/1970, chiến sỹ Vũ Đức Hạnh (hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh) đang lái máy ủi thi công đoạn km 45 thuộc xã Tân Pheo bất ngờ núi lở. Đất, đá hất văng chiếc máy ủi T100 nặng 14 tấn và người lái xuống vực sâu chừng 50 m. Anh chị em đang thi công tại đó đã hò nhau kéo người đồng đội mắc kẹt trong chiếc xe ủi  đưa lên cáng, khiêng chạy bộ hơn 10 km đến Cò Phày mới gặp được chiếc xe ben chở đá đưa đến bệnh xá cấp cứu. Bản thân ông Trần Huy Từ cũng bị tai nạn bất ngờ trong quá trình thực thi nhiệm vụ: Đang lái ô tô vượt qua con suối cạn thì cơn lũ ập đến. Nước dâng làm xe chết máy, may mắn ông Từ đã kịp nhảy lên bờ trước khi con lũ cuốn trôi chiếc xe lăn vòng gần 30m, khiến ca bin xe bẹp dúm. Có người đã may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng cũng có người mãi mãi ra đi không trở về - ông Từ chia sẻ. Đó là trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Sáu, tiểu đội trưởng khi cùng đồng đội bẩy hòn đá to đã bất ngờ bị đá lăn vào đầu, hy sinh ngay trên công trường.

Làm việc trong điều kiện hết sức hiểm nguy, ăn ở cũng vô cùng khổ sở. Mỗi suất ăn được 1 lưng bát cơm độn mì, sắn, hoặc hạt bo bo, một chiếc bánh bột mì hấp, hoặc luộc, 2 miếng cá khô, hoặc chút trứng muối, thịt muối, xì dầu khô, củ cải khô… Hàng ngày, tổ hậu cần đi hái rau rừng: rau tàu bay, hoa chuối, cây chuối non, măng, đu đủ, bồ công anh… để cải thiện. Sống ở rừng, ăn thiếu chất, thiếu thốn thuốc men nên trên 90% chiến sỹ bị mắc các loại bệnh như: Sốt rét, ghẻ lở, hắc lào… Trong điều kiện gian khổ ấy, tiếng hát của các chiến sỹ thanh niên xung phong vẫn "át tiếng bom”: "Đá to thì mặc đá to/ Lòng ta đã quyết đá to sợ gì…”. Trên công trường vẫn rộn vang câu thơ Bác Hồ tặng lực lượng TNXP ở rừng Nà Tu, tỉnh Bắc Kạn vào tháng 3/1951: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”...  Đó là những ký ức không thể nào quên đối với các cựu TNXP thuộc Đội TNXP N111. Bởi vậy, họ đang mong lắm ngày trở về "đại bản doanh" để ôn lại những kỷ niệm xưa, kể lại cho thế hệ trẻ hôm nay, góp phần nuôi dưỡng, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ cho hôm nay và mai sau.

Thúy Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục