(HBĐT) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình thực hiện CĐS trong nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân. 
 
Bài 1 - Những dấu ấn chiến lược

>> Bài 2 - Thách thức trong hành trình hội nhập 

Sử dụng máy tính bảng để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng phần mềm dự báo và cảnh báo cháy rừng; chăm sóc cây trồng bằng thiết bị tự động; gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho sản phẩm hay bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử… Công nghệ số (CNS) đang làm ngành nông nghiệp tỉnh nhà đổi thay nhanh chóng.


Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh. Ảnh chụp tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh, địa chỉ phường Phương Lâm (TP Hòa Bình).

Giải pháp căn cơ để phát triển lâm nghiệp bền vững

 Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Giai đoạn 2016-2020, hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng sử dụng máy tính bảng được triển khai tại tỉnh. Chi cục Kiểm lâm thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, xây dựng hệ thống cập nhật, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp bằng phần mềm đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, đảm bảo hệ thống dữ liệu được cập nhật thường xuyên, luôn theo sát thực tế, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng máy tính bảng có tích hợp bản đồ và định vị toàn cầu (GPS) để xác định diện tích, vị trí lô rừng xảy ra biến động (thay vì sử dụng phương pháp khoanh lô theo dốc đối diện và bản đồ giấy như trước đây). Đến hết năm 2020, hệ thống thu thập được 10.588 điểm, 2.393 vùng, góp phần làm nên thành công trong việc thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

 Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ cháy rừng lớn, có được kết quả trên là nhờ vào tính năng ưu việt của CNS. Hiện, Chi cục Kiểm lâm đang ứng dụng 1 phần mềm dự báo, cảnh báo cháy rừng và 1 trang web theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm. Đài khí tượng cung cấp tình hình thời tiết 5 ngày liên tiếp để Chi cục Kiểm lâm tổng hợp số liệu qua phần mềm dự báo nguy cơ cháy rừng, trên cơ sở đó làm căn cứ tính toán mức độ cảnh báo cháy và cấp dự báo cháy tại các huyện, thành phố.

Ngày 2/1/2018, qua hình ảnh chụp được từ vệ tinh trên trang web dự báo nguy cơ cháy rừng cho thấy tại xã Nam Thượng (Kim Bôi) phát hiện 1 đám cháy. Sau khi xác định rõ vị trí, khoảnh đất trên bản đồ vệ tinh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bôi cử lực lượng kiểm lâm địa bàn thông tin với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý. Tỷ lệ phát hiện đám cháy chụp từ vệ tinh chính xác đến 80%. Qua xác minh, đám cháy do người dân đốt thực bì, chuẩn bị cho công tác trồng rừng.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã ứng dụng một số công nghệ hiện đại như: Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng máy gieo hạt, công nghệ điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà lưới, nhà màng… Nhiều HTX, doanh nghiệp và nông dân sử dụng tem nhãn QR để dán lên sản phẩm trong quản lý TXNG. Đặc biệt, Hòa Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước quan tâm xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử TXNG, xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ "hb.check.net.vn”. Đây là bước đầu để phát triển thương mại điện tử. Việc lựa chọn CNS giúp thông tin minh bạch, mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Lạc Thủy, CNS góp phần tạo đột phá cho nông nghiệp, với một số mô hình tiêu biểu như: Trồng dưa trong nhà lưới của Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP và Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam; ứng dụng công nghệ tưới thông minh điều khiển bằng máy tự động cho cây ăn quả có múi của thanh niên Vũ Duy Tân, xã Thống Nhất…

Công nhân Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam (thị trấn Ba Hàng Đồi) luôn thảnh thơi bởi các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới cho cây đã được tự động hóa. Toàn bộ diện tích trồng các loại dưa của công ty được thiết kế trồng trong giá thể và tưới thủy canh áp dụng công nghệ 4.0. Hệ thống máy tự tính lượng nước mỗi giá thể cần để tưới mỗi ngày. Dưa được trồng hoàn toàn trong nhà lưới với nhiệt độ từ 28 - 35°C, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây… Mô hình trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao Isarel cho năng suất gấp 15 lần so với phương pháp canh tác thông thường. Tất cả sản phẩm được tiêu thụ tại siêu thị và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.

Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hệ thống tem TXNG xác thực chống hàng giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ "hb.check.net.vn” phát huy được hiệu quả. Người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác, nhận biết được hàng thật, hàng giả. Đến nay, đã có 72 doanh nghiệp, HTX với 400 sản phẩm được đăng nhập và quảng bá trên hệ thống. Triển khai và dán trên 8 triệu tem điện tử TXNG cho các sản phẩm như: Cam Cao Phong, cam Mường Động, bưởi đỏ Tân Lạc, chuỗi cá sông Đà, chuỗi thịt lợn. Hỗ trợ hơn 242 nghìn tem điện tử TXNG sản phẩm cho nhóm sản xuất rau hữu cơ Lương Sơn.

Phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp chủ thể xây dựng các trang page, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, hệ thống website của Văn phòng Điều phối nông thôn mới, website của Sở NN&PTNT giới thiệu chi tiết về vùng sản xuất, điều kiện tiêu chuẩn, quảng bá sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 - 4 sao. Một số sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu như chè Sông Bôi, nhãn Sơn Thủy.

Ông Bùi Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) chia sẻ: CĐS là cầu nối cung cấp thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng. Đầu năm 2020, HTX quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP 3 sao dầu sả chanh trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm qua fanpage và website của HTX "HTXhuychi.com”. Chỉ cần check tem TXNG người tiêu dùng sẽ có đầy đủ thông tin: Nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, xuất xứ… Đặc biệt, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử giúp HTX giảm bớt chi phí trung gian; ứng phó được với dịch Covid-19.

(Còn nữa)

Thu Thủy

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục