(HBĐT) - Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm ông Bùi Mãnh Liệt ở phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình), nhân chứng sống đã từng tham gia và chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Những kỷ vật thời chiến, tấm ảnh đen trắng được ông treo trang trọng nhằm lưu giữ những kỷ niệm một thời oanh liệt và tri ân những người lính, người đồng đội đã cùng sát cánh nơi chiến trường năm xưa…


Ông Bùi Mãnh Liệt, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) lưu giữ ảnh đồng đội lính trinh sát tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Quyết tâm bám trụ, giữ từng tấc đất

Tháng 5/1971, chàng trai Bùi Mãnh Liệt tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Yên Thuỷ, ông được điều động bổ sung lực lượng cho Sư đoàn 308 và đi B năm 1972. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/1972, chiến trường Quảng Trị giao tranh quyết liệt với việc quân địch trút xuống Thành cổ Quảng Trị hàng nghìn tấn bom và hàng chục vạn quả đạn pháo như bom B52, B57 ném bom tọa độ với khoảng 15 phút một đợt, nhiều loại vũ khí tối tân như pháo mặt đất, pháo hạm từ biển bắn vào.

Với tinh thần "luồn sâu, bám địch”, ông Liệt là lính trinh sát tại Sư đoàn 308 có nhiệm vụ bám nắm tình hình tại các khu vực địch đóng quân; tham gia quan sát tại các điểm cao tại Thành cổ Quảng Trị để báo cáo chỉ huy xác định các khu vực căn cứ quân sự của địch. Ở chiến trường, nhiệm vụ của người lính trinh sát rất nguy hiểm, được ví như những "người lính mở đường” bởi họ luôn là lực lượng tiền trạm để dò mìn, vượt rào, dẫn đường cho bộ binh và chỉ điểm cho pháo binh tấn công quân địch. Bên cạnh đó, trinh sát còn thực hiện nhiệm vụ phục kích bắt tù binh để khai thác thông tin, từ đó xây dựng kế hoạch tác chiến, triển khai các mũi tiến công nhằm tiêu diệt kẻ thù. Trong trận chiến quyết liệt ngày 12/4/1972, ông Liệt bị thương sau trận bom B57 và được đồng đội đưa về trạm quân y hậu cứ để dưỡng thương. Với tinh thần anh dũng, sau khi dưỡng thương, ông Liệt được đơn vị cử đi học lớp y tá 3 tháng tại một khu rừng thuộc Vĩnh Linh để tiếp tục trở vào chiến trường chăm sóc, kịp thời sơ cứu đồng đội đang chiến đấu. Tháng 8/1972, ông Liệt trở lại mặt trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vòng ngoài với nhiệm vụ cứu thương cho lực lượng trinh sát Sư đoàn 308. Cùng với những kinh nghiệm trong thời gian là lính trinh sát, ông Liệt tích cực hỗ trợ, tham mưu giúp đồng đội "bám địch”, xây dựng các mũi tiến công tiêu diệt quân thù. 

Ông Liệt chia sẻ: "Tôi đã từng tham gia chiến đấu trong những trận chiến ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị, tuy nhiên, ký ức mà tôi nhớ nhất là cùng với đồng đội lính trinh sát tại Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã bắn rơi một máy bay trực thăng của địch bằng súng AK, bắt sống một tên giặc lái”.

Với quyết tâm bám trụ và ý chí ngoan cường, các chiến sỹ đã giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Từ ngày 28/6 - 16/9/1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, 26.000 tên địch, bắt sống 71 tên địch, làm thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất.

Ấm tình chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sỹ tham gia chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa tiếp tục phát huy tinh thần bất diệt của người lính Cụ Hồ tiên phong trên mọi mặt trận. Để tập hợp, đoàn kết những đồng đội đã vào sinh, ra tử tại chiến trường Quảng Trị năm xưa, năm 2018, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị (CSTCQT) năm 1972 tỉnh được thành lập nhằm triển khai các hoạt động thi đua phát triển kinh tế, xoá đói - giảm nghèo, tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân liệt sỹ, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tại Đại hội Hội CSTCQT năm 1972 lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng chí Bùi Mãnh Liệt được bầu làm Chủ tịch Hội.

Hội CSTCQT tỉnh hiện có gần 600 đồng chí đã triển khai các hoạt động xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của T.Ư, địa phương và các nhà hảo tâm đã xây dựng 4 nhà "Nghĩa tình đồng đội" với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà hội viên nghèo, gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết; vận động hội viên xây dựng nguồn quỹ "Vì đồng đội” để xây dựng, sửa chữa nhà, tặng sổ tiết kiệm cho hội viên hoàn cảnh khó khăn; phối hợp các cơ quan chức năng cung cấp thông tin, chỉ dẫn địa điểm đồng đội hy sinh để tổ chức xác minh tìm kiếm hài cốt liệt sỹ...


Đức Anh

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục