(HBĐT) - Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa là nơi ghi dấu sự anh dũng của lớp lớp thế hệ thanh niên, chiến sỹ trẻ tham gia chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Đến nay, mặc dù đã ngoài 80, 90 tuổi nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính năm xưa, họ là những nhân chứng sống cho quá khứ hào hùng của dân tộc.


Ông Đường Hồng Ký (bên trái) và ông Nguyễn Quốc Ấn, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) lật giở những trang tư liệu lịch sử, ôn lại một thời hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Bùi Văn Chung (SN 1929), ở tổ 7, phường Tân Hoà (TP Hoà Bình) năm nay đã bước sang tuổi 93, có 65 năm tuổi Đảng. Tuy nhiên, khi khoác lên mình bộ quân phục, ông vẫn toát lên dáng vẻ hiên ngang của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Ông tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ lúc 25 tuổi, thuộc biên chế Trung đoàn 74, Sư đoàn 316 là lực lượng bộ binh chiến đấu. Ông Chung nhớ lại: "Năm đó hành quân từ Hoà Bình lên Điện Biên phải mất 1 tháng đi bộ. Đường hành quân dốc dài, nhiều trắc trở, mỗi chiến sỹ phải mang vác nhiều vật chất, trang bị nặng, nhưng ai nấy đều thoăn thoắt từng bước chân với tinh thần hăng hái tham gia chiến dịch. Đơn vị tôi trực tiếp tham gia đánh chiếm đồi A1. Sau khi đồi A1 thất thủ, quân ta liên tiếp nã đạn pháo hạng nặng xuống các cứ điểm chỉ huy của địch khiến địch giương cờ trắng đầu hàng”.

Một chiến sỹ bộ binh khác là ông Đường Hồng Ký (SN 1934), quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hiện trú tại tổ 3, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình). Tham gia chiến dịch ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 353 thuộc Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Theo lời kể của ông, đơn vị nhận nhiệm vụ chính là đào hầm và tham gia xây dựng trận địa pháo để pháo binh của ta ẩn nấp. Khi đó, mỗi chiến sỹ luôn mang bên mình 1 khẩu súng trường có lưỡi lê cùng 50 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 2 quả thủ pháo và quan trọng nhất là xẻng để đào công sự. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian chiến đấu, ông cho biết: "Thời đó, đơn vị tôi ít chiến sỹ biết chữ, tôi là một trong số ít người biết chữ trong đơn vị. Thời chiến, ai nấy đều nhớ quê hương, gia đình, bạn bè hoặc người yêu nên họ đều nhờ tôi chắp bút theo lời đọc của họ. Mỗi lá thư được gửi đi như một tia hy vọng, thắp sáng hơn niềm tin chiến thắng trong từng chiến sỹ. Còn nhớ mỗi lần đơn vị làm báo tường tôi đều được phân công phụ trách, khi ấy vui lắm, vừa chiến đấu nhưng cũng vừa được sáng tác”.

Nói đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đơn vị pháo binh khi ấy. Ông Nguyễn Quốc Ấn (SN 1932), trú tại tổ 13, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) từng tham gia quân đội từ năm 1953 ở Tiểu đoàn Hồng Lĩnh thuộc Trung đoàn 50 Tả Ngạn, Quân khu 3. Sau mới tham gia Trung đoàn 45 là trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội ta. Tuy nhiên, do vóc dáng nhỏ bé nên ông được đơn vị cử đi làm nhiệm vụ khác, là 1 trong 20 chiến sỹ được tham gia tập huấn ở Việt Bắc về kỹ thuật bảo quản và sử dụng các loại đạn pháo về phục vụ tác chiến của đơn vị tại chiến trường Điện Biên Phủ. Điển hình như đạn pháo loại 105 mm chuyên để bắn tầm xa và phá lô cốt, pháo cối 120 - 160 mm hay súng chống tăng loại 57 - 75 mm. Ông Ấn chia sẻ: "Đợt đó, đơn vị có 24 pháo hạng nặng loại 105 mm đưa đến chiến trường tham gia chiến đấu. Quân ta chiến đấu anh dũng, nhưng cũng rất mưu trí thể hiện qua việc xây dựng trận địa pháo giả để đánh lừa quân địch, khiến cho địch không xác định được mục tiêu hầm pháo của ta đặt giấu ở đâu. Từng viên đạn pháo nã vào lô cốt khiến địch khiếp sợ đầu hàng”.

Mỗi lời kể của người lính cựu kèm theo những giọt nước mắt khi nhớ về thời oanh liệt, nhớ về đồng đội đã hy sinh để giành được độc lập, tự do hôm nay. "Giành được độc lập khó lắm nên các thế hệ sau này phải cố gắng gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, cường thịnh để không phụ lòng, không phụ sự hy sinh của những chiến sỹ quên mình vì Tổ quốc năm xưa” - ông Bùi Văn Chung gửi gắm.

Thanh Sơn


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục