(HBĐT) - Mường Bi - Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, có bản sắc dân tộc Mường độc đáo còn được lưu giữ nhiều trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống, có giá trị văn hoá được công nhận, ghi danh như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi; mo Mường, chiêng Mường được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, có núi cao, rừng nguyên sinh, hồ nước mênh mang, cuốn hút… Huyện Tân Lạc đang xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc Mường, khai thác tiềm năng riêng có phát triển các loại hình du lịch. 

>> Bài 3 - Tạo "cú huých" nâng tầm du lịch Mường Bi



Các xã vùng cao huyện Tân Lạc sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, là tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh chụp tại xóm Chiến, xã Vân Sơn.

Đã lâu không về thăm vùng đất cổ Mường Bi, anh Bùi Văn Anh, một người con xa quê chia sẻ: Được đi nhiều nơi, khám phá nhiều cảnh đẹp trên cả nước, nhưng quê hương với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, con người hiền hậu với nền văn hóa đậm đà bản sắc luôn là nơi muốn tìm về.

Nhiều người vẫn nói vui, thực tế mà sâu sắc, Mường Bi có những địa danh, giá trị văn hoá tồn tại cùng với thời gian hiếm nơi đâu có được. Mỗi vùng quê đều có nét rất riêng tồn tại trong tâm thức không chỉ của người địa phương. Trên địa bàn huyện có nhiều phong cảnh đẹp, hệ thống hang động, thác nước, núi đá, rừng tự nhiên và những khe suối nhỏ, bản làng thanh bình, yên ả. Một số di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống gắn với phong tục thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng. Địa bàn còn là vùng đất cổ - cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình.

Trong đó có thể kể tới địa danh núi Cột Cờ nổi tiếng, sừng sững ngàn năm trên cánh đồng Địch Giáo (nay là xã Phong Phú), từ rất lâu là chốn đi về, như là nơi giao thoa giữa vùng thấp và vùng cao Tân Lạc, nơi chứng kiến lễ hội Khai hạ Mường Bi với bản sắc văn hoá đậm chất người Mường, mong muốn, ước vọng cuộc sống tốt đẹp, mùa màng tốt tươi cho dân bản Mường. Các xóm, bản trong khu vực xã Phong Phú - thủ phủ Mường Bi có cảnh quan thiên nhiên giao hoà với những nếp nhà sàn ẩn mình dưới tán cau, khép mình bên dòng suối hiền hòa, những chiếc vòm cổng yên bình với hàng cau cao vút, bếp lửa ấm nồng, con người mến khách, nhiều giá trị văn hoá vẫn được lưu truyền như mo Mường, chiêng Mường, câu hát thường đang, bộ mẹng, hát ví… Đặc biệt, những giá trị văn hoá của dân tộc Mường đã được công nhận như: Di sản văn hóa mo Mường, chiêng Mường, các sản phẩm thủ công, lễ hội truyền thống đã tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc.

Huyện Tân Lạc có dân tộc Mường chiếm 85% dân số. Nhân dân còn lưu giữ hơn 2.200 chiêng Mường; 579 bộ nhạc cụ dân tộc (ống ôi, ống sáo); khoảng 4.800 bộ trang phục dân tộc Mường. Toàn huyện có 11 di tích được công nhận, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Nếu như thủ phủ Mường Bi là những giá trị văn hoá đậm chất người Mường, thì lên các xã vùng cao vẫn thấy được bản sắc đó và còn được cảm nhận cảnh quan, thiên nhiên tuyệt đẹp, là cả một không gian đất trời bao la, ấm nồng tình người của dân địa phương. Đó là chợ truyền thống họp theo phiên ở Lũng Vân với đầy ắp sản vật vùng cao: gà đồi, lợn bản, tỏi tía, rau cải, măng đắng, cá suối, mật ong rừng... Buổi sáng sớm trên Lũng Vân khung cảnh rất nên thơ khi mây trắng vờn bay phủ khắp bản làng, khe núi, tràn xuống thung lũng. Màu trắng của mây, màu vàng của ánh nắng điểm tô màu xanh của cây cỏ tạo nên bức tranh thiên nhiên mê hoặc lòng người. Đó là những chòm xóm, nhà sàn ẩn hiện trong rừng núi, xa xa là những ruộng bậc thang xếp lớp kéo dài tới tận rừng nguyên sinh xanh thẳm, thơm mùi rơm mới ngày mùa yên ả. Các xã vùng cao: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông nằm ở độ cao từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển, rừng tự nhiên có nhiều loại động, thực vật, tỷ lệ che phủ rừng cao nên thời tiết mát mẻ về mùa hè, mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp. Vì vậy mà nông sản ở đây rất thích hợp với các loại rau ôn đới như su su, bắp cải, củ cải, khoai tây… Lũng Vân và các xã vùng cao được ví như "nóc nhà Mường Bi", còn lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, nơi có nhiều bậc cao niên trường thọ, sánh cùng trời đất. Xã Vân Sơn có tới hàng trăm người từ 70 - 80 tuổi, nhiều cụ trên cả trăm tuổi. Các cụ cao niên đều khoẻ mạnh, tinh anh, nhiều cụ vẫn lên rừng hái thuốc, làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi.

Trên địa bàn huyện có xã Suối Hoa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Ngòi Hoa và Trung Hoà, nằm trong vùng lõi quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa. Vịnh Ngòi Hoa rộng hàng nghìn ha quanh năm êm đềm, bốn mùa nước trong xanh, có hồ Tiên, động Tiên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi non trùng điệp, nước hồ mênh mang, cuốn hút là đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Mường Bi. Các xóm bên vịnh Ngòi Hoa thơ mộng, rừng núi bạt ngàn, hang động tự nhiên hấp dẫn và khí hậu trong lành. Những người cao niên nơi đây kể lại rằng, vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa trước đây là nơi cư ngụ của nhiều loại chim muông, thú quý… Nơi đây gắn liền với những câu ca của dân thuyền, kẻ chợ: "Chợ Bờ đẹp nhất hòn Ngai/ Thác Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng”, "Ai đưa ta đến chốn tiên này/ Bên kia núi Ngái, bên này Ngòi Hoa”... Động Hoa Tiên nằm lưng chừng núi đá vôi Bưa Dâm (núi Bà), thuộc địa phận xóm Ngòi là một không gian huyền bí và đặc sắc hiếm thấy. Các dải nhũ mềm mại buông xuống trông rất đẹp mắt, khi có ai đó gõ vào thì những âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng, như nền tảng văn hoá Mường cổ ngân nga vang vọng cả vùng hồ sông nước nên thơ…

Với những nét văn hóa riêng của người Mường vô cùng phong phú, đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên riêng có, Mường Bi đang đứng trước những cơ hội để phát triển các loại hình du lịch, cải thiện đời sống Nhân dân. Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Nhiều năm nay, huyện đã thực hiện các giải pháp bảo tồn giá trị văn hoá, cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch. Theo đó, đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Mường; khôi phục, bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống như lễ hội Khai hạ, lễ hội chùa Kè, lễ hội đánh cá suối tháng 3 tại xã Lỗ Sơn…; dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, chiêng Mường; phát triển làng nghề truyền thống, quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, liên danh, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

(Còn nữa)

Hương Lan

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục