(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm xã vùng cao Vân Sơn (Tân Lạc). Con đường đến trung tâm xã khó đi năm nào đã được đầu tư êm thuận. Từ cung đường trên cao nhìn xuống, những ngọn đồi hình bát úp giữa thung lũng xanh với từng làn mây trắng sà xuống tạo cảm giác như ở chốn thiên thai. Cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.


Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) với cảnh đẹp thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc đã thu hút khách du lịch.

Điểm nhấn vùng cao

Chúng tôi đến thăm điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) xóm Chiến, cách trung tâm xã Vân Sơn gần 4 km, có độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Xóm có diện tích 487 ha, gồm 74 hộ, 347 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông như trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Trên địa bàn xóm có những vườn quýt cổ - đặc sản làm nên nét nổi bật về nông sản xã Vân Sơn. Bên cạnh những nếp nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Mường được bảo tồn gần như nguyên vẹn, vài năm trở lại đây, người dân xóm Chiến đã khôi phục và thường xuyên mặc trang phục truyền thống, tạo nên nét đặc trưng về bản sắc, thẩm mỹ.

Nhờ bề dày văn hóa truyền thống và những tiềm năng về địa lý, con người, từ năm 2019, địa phương được Quỹ Ô-xtrây-li-a Vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AOP) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển DLCĐ". Từ nguồn lực cho vay của dự án, 3 hộ dân triển khai mô hình lưu trú cho khách du lịch (homestay). Ông Hà Văn Thạn, chủ homestay Hải Thạn cho biết: Trung bình mỗi tháng gia đình đón khoảng 100 khách. Trước đó, gia đình cùng 2 hộ khác đầu tư sửa sang nhà cửa, công trình phụ vừa bảo đảm giữ gìn nét truyền thống, vừa đủ tiện nghi phục vụ du khách trong nước và nước ngoài. Ðiểm mạnh của xóm Chiến là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, với 60/74 hộ cùng tham gia làm DLCĐ (14 hộ nhóm văn nghệ, 14 hộ tham gia đón tiếp khách và hướng dẫn viên, 14 hộ nhóm dịch vụ bán hàng, 14 hộ nhóm cho thuê phương tiện, 14 hộ nhóm ẩm thực...).

Du khách tới xóm Chiến yêu thích thưởng thức văn nghệ với những điệu múa hát truyền thống của người Mường, ẩm thực địa phương phong phú, thăm quan danh lam, thắng cảnh. Tuy triển khai mô hình DLCĐ muộn hơn so với các điểm khác trên địa bàn tỉnh, nhưng mô hình ở xóm Chiến nhanh chóng thành công.

Cơ hội để xã vùng cao bứt phá

Xã Vân Sơn từ lâu được mệnh danh là "thung lũng tiên", "thung lũng trường thọ" bởi có nhiều cụ tuổi trên dưới 100 vẫn minh mẫn, mạnh khỏe. Vân Sơn xưa có tên là Mường Chậm, sau này người dân còn gọi nôm na bằng những cái tên đầy thơ mộng: Thung Mây, Lũng Mây… Ðây cũng là một trong những cái nôi văn hóa cổ và lớn nhất của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Hỏi người già về bí quyết trường thọ, các cụ nhìn khách xa, móm mém nở nụ cười nhân hậu, chia sẻ rằng, đó là nhờ không khí trong lành và sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên.

Cũng trên địa bàn xã Vân Sơn, từ xóm Chiến, du khách thuận tiện di chuyển sang xóm Tớn thăm quan động Nam Sơn. Ðộng nằm trong hệ sinh thái của khu vực rừng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, được công nhận di tích thắng cảnh quốc gia năm 2008. Bên cạnh động Nam Sơn có hang Núi Kiến ở xóm Hượp là một trong những hang động đẹp của tỉnh, nằm trong hệ sinh thái đồi rừng và cảnh quan trên núi đá vôi trên tuyến đường thăm quan du lịch huyện Tân Lạc, được UBND tỉnh công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2019.

Đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: Là trung tâm của các xã vùng cao, Vân Sơn có diện tích tự nhiên 5.553 ha. Trước khi sáp nhập 3 xã Lũng Vân, Nam Sơn và Bắc Sơn thành xã Vân Sơn, khu vực xã Lũng Vân (cũ) có đường tỉnh TL.440 đi qua và là trung tâm giao lưu về mọi mặt của các xã vùng cao phía Tây của huyện Tân Lạc. Xã cách trung tâm huyện lỵ 30 km. Thực tế hiện nay, trung tâm Lũng Vân (nay là trung tâm xã Vân Sơn) vẫn giữ vai trò là trung tâm của các xã vùng cao do đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình, sự thuận lợi về giao thông, cảnh quan đặc trưng của khu vực, có diện tích đất xây dựng thuận lợi và tương đối tập trung. Xen kẽ những dãy núi là những cánh đồng bằng phẳng, thuận lợi để phát triển trung tâm dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ với các hình thức du lịch trải nghiệm kèm theo.

Với hơn 90% người dân sống bằng nghề nông, thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển dần diện tích đất trồng màu sang trồng quýt, tạo bước ngoặt cho sự chuyển mình của xã vùng cao Vân Sơn. Năm 2015, diện tích trồng cây quýt cổ ở Vân Sơn (chủ yếu là xã Nam Sơn cũ) mới đạt hơn 50 ha, đến nay, tổng diện tích trồng quýt trên địa bàn xã đạt 181,5 ha, tăng gấp hơn 3 lần, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Thế mạnh của xã vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 1.400 ha; tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 5.900 tấn. Trong đó, diện tích lúa trên 290 ha, ngô trên 900 ha và tập trung trồng một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như: su su 21,5 ha, quýt ngọt 183,3 ha; đào 43 ha… Bên cạnh trồng trọt, xã chỉ đạo Nhân dân phát triển chăn nuôi, duy trì ổn định đàn trâu 452 con, đàn bò 1.983 con, đàn lợn 1.650 con, đàn dê 200 con và đàn gia cầm 52.300 con. Cùng với đó, các chính sách đối với người dân tộc được thực hiện tốt, thông qua các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt 28,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo 29,72%.

Cũng theo đồng chí Hà Văn Hà, niềm vui đến với cán bộ, Nhân dân xã Vân Sơn khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh đã ban hành đề án thực hiện nghị quyết. Huyện đang tập trung đầu tư một số điểm DLCĐ tại 3 xã vùng cao. Trước mắt, mỗi xã lựa chọn 1 xóm xây dựng điểm DLCĐ kiểu mẫu. Trong đó, xã Vân Sơn lựa chọn xóm Hày Dưới. Đây là cơ hội rất lớn để xã vùng cao Vân Sơn phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, góp phần nâng cao cuộc sống người dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương.

Hương Lan


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục