(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mặc dù Chương trình giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng tỉnh Hòa Bình còn có 1 huyện nghèo. Mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn cao. Số hộ nghèo giảm dần còn lại đa phần là các hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động... dẫn đến giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các năm tiếp theo sẽ khó khăn, góc nhìn đa chiều trong giảm nghèo vẫn là những thách thức.





Người dân xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) xây dựng mô hình kinh tế du lịch cộng đồng gắn với giải quyết việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho lao động.

Trăn trở chiều thiếu hụt

Tuy đời sống kinh tế của hộ dân các xóm: Pà Cò 1, Pà Cò Lớn, Pà Háng Lớn, Xà Lĩnh, Cang thuộc xã Pà Cò (Mai Châu) đã có sự cải thiện nhưng những khó khăn, thiếu thốn về nguồn nước sạch vẫn chưa được giải quyết. Qua kết quả khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh mới đây, trên địa bàn có 8 công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng do đầu tư đã lâu, nguồn sinh thủy ít nên không còn hoạt động. Đồng chí Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò chia sẻ: "Nhiều gia đình trong xã vẫn sử dụng nguồn nước chính từ thiên nhiên, mùa mưa thì đỡ chứ mùa khô phải mua nước dùng”.  

Tại xã lân cận Hang Kia, nguồn nước đảm bảo cho cuộc sống của một số hộ cũng chẳng dễ dàng gì. Bên cạnh công trình còn hoạt động, 2 công trình đưa nước về các xóm Thung Ẳng, Thung Mặn đã xuống cấp; 2 xóm Thung Mài, Pà Khôm cần đầu tư xây dựng. Cấp ủy, chính quyền địa phương kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sạch cho xóm Thung Mài, Pà Khôm của xã Hang Kia; duy tu, bảo dưỡng các công trình đã xuống cấp thuộc 2 xã để đảm bảo nguồn nước, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời cải thiện chiều thiếu hụt.

Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh chiếm 22,32%, giảm 3,2% hộ nghèo, 0,62% hộ cận nghèo so với năm 2021. Kết quả đo lường về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (chiều thiếu hụt) và ngưỡng thiếu hụt, toàn tỉnh có trên 18.800 hộ nghèo thiếu hụt chiều việc làm, tập trung vào số hộ thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định; 19.058 hộ nghèo thiếu hụt chiều y tế, trong đó 16.608 hộ có người không có BHYT, 2.450 hộ có trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao, cân nặng; 4.130 hộ nghèo thiếu hụt về giáo dục; 19.699 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; 18.514 hộ nghèo thiếu hụt về nước sạch vệ sinh môi trường; 10.966 hộ nghèo thiếu hụt về tiếp cận thông tin...

Đồng chí Đỗ Anh Chiến, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện nay, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị, từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được xét hộ nghèo. Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thông tin. Qua rà soát còn nhiều hộ nghèo sinh sống trong điều kiện khó khăn, các nhu cầu tối thiểu chưa được đáp ứng. Không ít trường hợp không nghèo do thu nhập mà do rơi vào các chỉ số thiếu hụt.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo 

Đến thời điểm này, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã qua nửa giai đoạn, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vốn đối ứng, đóng góp của dân, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG, chính sách giảm nghèo với các dự án, nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo, chính sách giảm nghèo bền vững góp phần rất quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi; kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh. Cùng với đó, đời sống người nghèo từng bước được cải thiện với việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, nhất là cuộc xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia. Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Mặc dù dịch  Covid-19 được kiểm soát tạo điều kiện để phục hồi và phát triển KT-XH nhưng giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tình hình KT-XH năm 2022 của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm đảm bảo; văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, lao động việc làm được chú trọng; QP-AN trật tự xã hội ổn định.

Tỉnh xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên trong phát triển KT-XH, không chỉ tác động vào việc gia tăng thu nhập mà còn ở nhiều tiêu chí khác. Thực hiện các chính sách và đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn là cần thiết để khuyến khích, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa. Các chính sách của T.Ư, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn được tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ học phí, mức đóng BHYT, các chính sách tín dụng xã hội, tiền điện, nhà ở, nước sạch; phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, chất lượng đào tạo; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn, tỉnh tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt, thúc đẩy giảm nghèo bền vững; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình với việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách giảm nghèo của Nhà nước tới cán bộ, nhân dân, trọng tâm là chính sách tín dụng giảm nghèo để các chính sách giảm nghèo bao phủ, không bỏ sót chính sách và đối tượng thụ hưởng. Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 xuống còn 9,79%, ưu tiên xóa nghèo cho hộ chính sách, người có công với cách mạng.


Bùi Minh

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục