Hòa Bình đang trở thành từ khóa "hot search” được các tín đồ du lịch săn tìm khi lọt top điểm đến đẹp nhất thế giới, vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 71 điểm đến đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ (CN Traveller) công bố ngày 26/12/2024.


Cùng với dấu ấn văn hóa, cảnh quan ruộng bậc thang xã Miền Đồi (Lạc Sơn) thu hút bước chân vận động viên trên đường chạy trải nghiệm.

Cảnh quan thiên nhiên ấn tượng

Không chỉ có núi non trùng điệp, dòng sông Đà trải dài và các nhánh sông Bôi, sông Bưởi nên thơ, hùng vĩ, Hòa Bình còn có hệ thống ruộng bậc thang tuyệt đẹp phân bố khắp 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), các khu rừng nguyên sinh được bảo tồn và hàng trăm thung lũng, hang động, thác nước, dòng suối nhỏ… tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Với cảnh quan được mẹ thiên nhiên ban tặng, Hòa Bình đang khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút khách du lịch. Có thể kể đến địa danh Mường Động (Kim Bôi) còn được gọi là vùng đất "chén vàng”. Những năm gần đây, dựa vào cảnh quan sơn thủy hữu tình, đặc biệt là tài nguyên nước khoáng nóng quý giá từ lòng đất được ví như "vàng trắng", một số doanh nghiệp, tổ chức đã triển khai hoạt động du lịch với dòng sản phẩm chủ đạo về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Các khu du lịch (KDL) có cảnh quan hấp dẫn du khách ở Mường Động như: Serena Kim Bôi Resort - xã Sào Báy; An Lạc Ecofarm Hot and Spring, Madala Retreat Kim Bôi - xã Vĩnh Đồng.

Cũng tại điểm đến Hòa Bình, du khách khó lòng bỏ lỡ hành trình khám phá cảnh quan thiên nhiên vùng hồ sông Đà được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Bên cạnh điểm nhấn là hệ sinh thái với hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ giữa hồ nước mênh mang, xanh suốt bốn mùa, hồ Hòa Bình còn gây ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp của các vịnh nhỏ, như vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc), vịnh Hiền Lương (Đà Bắc) hay hồ Mắt Rồng, động Hoa Tiên, động Thác Bờ (Tân Lạc). Gần đây, các chuyên gia nước ngoài đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá ở một số khu vực trên hồ Hòa Bình có thể xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, tạo sự khác biệt như: dù lượn, leo núi vách đứng, nhảy bumgi và các trò chơi cảm giác mạnh dưới nước… Hiện tại, KDL hồ Hòa Bình tập trung xây dựng thương hiệu để trở thành KDL quốc gia. Hàng chục điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái trên KDL đã và đang đưa vào hoạt động hiệu quả, như Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort (Mai Châu); Maida Lodge, Xoan Retreat, Mơ Village (Đà Bắc)… Trên KDL còn có điểm đến du lịch tâm linh đền Bà Chúa Thác Bờ thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh mỗi năm.


Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak trên vịnh Hiền Lương (Đà Bắc).

 

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cảnh quan thiên nhiên Hòa Bình ấn tượng còn nhờ vẻ đẹp cộng hưởng của thắng cảnh ruộng bậc thang, kiệt tác được làm nên bởi bàn tay sáng tạo của con người. Năm 2024, huyện Lạc Sơn đã tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Miền Đồi đặc sắc, sự kiện thu hút hàng vạn du khách khám phá, trải nghiệm.

Đậm đà sắc màu văn hóa

Với 6 dân tộc chính (Mường, Thái, Dao, Tày, Kinh, Mông) cùng sinh sống, Hòa Bình được biết đến là vùng đất có văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Mỗi dân tộc có nét văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng chung và riêng phong phú, độc đáo.

Có dịp khám phá du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), anh Phùng Kiên Giang (Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng ngôi nhà sàn cổ hơn 200 năm tuổi, nghe các bậc cao niên kể câu chuyện về phong tục, tập quán khi xưa và nét văn hóa cộng đồng Mường còn lưu giữ đến nay. Anh Giang bộc bạch: Không gian nơi đây yên bình, nên thơ với nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, dòng suối nhỏ. Tôi rất thích được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt dân dã đó, nghỉ trong những homestay nhà sàn xinh xắn, cùng bà con đi bắt ốc, bắt cá, làm đồng, được thưởng thức ẩm thực dân tộc Mường với đặc sản cỗ lá, xôi nếp dẻo thơm…

Nằm ở độ cao 530m so với mực nước biển, phía sau là dãy núi Biều nguyên sinh hùng vĩ với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, phía trước là ruộng bậc thang uốn lượn, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền. Những phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, đưa bản Sưng trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.


Du khách tìm hiểu về di sản văn hóa dân tộc Mường tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong).

Góp phần tạo nên sự đa dạng sắc màu văn hóa Hòa Bình còn có dân tộc Thái, Mông sống tập trung trên địa bàn huyện vùng cao Mai Châu, dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc. Cùng với nét đặc trưng văn hóa, các điểm đến đã và đang xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, sản phẩm du lịch độc đáo, như lễ hội Khai hạ ở Mường Bi (Tân Lạc), hội đu Mường Vôi (Lạc Sơn), chợ đêm giao lưu dân tộc Mông xã Pà Cò (Mai Châu), quán tự giác ở xóm Đức Phong - xã Tiền Phong và nghề nhuộm chàm, dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc)…

Ông Raphael Golan (du khách Isarel) chia sẻ: Văn hóa Hòa Bình với vẻ đẹp đa sắc mang đến cho tôi nhiều điều thú vị. Đi đến đâu tôi cũng gặp những người dân bản địa thân thiện, mến khách. Hy vọng sau hành trình khám phá vùng đất Mai Châu xinh đẹp, tôi sẽ sớm trở lại để tham quan, trải nghiệm những điểm đến nổi tiếng khác ở Hòa Bình, đến với KDL hồ Hòa Bình để khám phá văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số…

  

Bùi Minh

Các tin khác


Hòa Bình vào top điểm đến đẹp nhất thế giới


Hòa Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhắc đến trong 71 điểm đến đẹp nhất thế giới của CNTraveller nhờ giàu cảnh quan và trải nghiệm văn hóa.

Khi đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới nếp nghĩ, cách làm Bài 3 - Những hạt nhân gắn kết cộng đồng

Tích cực tham gia các hoạt động ở cơ sở, nói dân nghe, làm dân tin, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh là những hạt nhân đóng vai trò quan trọng giúp gắn kết cộng đồng và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khi đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới nếp nghĩ, cách làm: Bài 2 - Những "bà đỡ" của nông sản địa phương

Sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng sự nỗ lực, học hỏi, dám nghĩ, dám làm, không ít đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã "đánh thức" các đặc sản của địa phương, tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Họ chính là những "bà đỡ” biến nông sản thành hàng hóa, góp phần khai thác lợi thế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Khi đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới nếp nghĩ, cách làm: Bài 1 - Đồng bào Mông làm du lịch

Hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và chịu nhiều tác động của thiên tai. Vì vậy, nhắc tới vùng ĐBDTTS, nhiều người mặc nhiên nghĩ đây là vùng "chậm phát triển”, nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít ĐBDTTS đã tích cực đổi mới nếp nghĩ, cách làm, kiên trì theo đuổi những mô hình hay, cách làm hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 5 - Học và làm theo Bác một cách tự giác, tự nhiên, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc

Thực tiễn việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo (HT& LT) tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc HT& LT tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh HT& LT tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gần đây là Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trên địa bàn tỉnh đã cho thấy một cách sinh động, sâu sắc là mọi người dân, từ nông dân đến trí thức, già đến trẻ… ai cũng có thể học và làm theo Bác. Việc HT& LT đó diễn ra một cách tự giác, tự nhiên, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc.

Điển hình thi đua học tập và làm theo lời Bác – lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng: Bài 2 - Lan toả những điển hình học tập và làm theo gương Bác

Những năm qua, việc học tập và làm theo Bác đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng, hành động, trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ phong trào thi đua học và làm theo Bác, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, góp phần lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục