Cuộc sống giữa mây ngàn ở đỉnh Thung đã có nhiều đổi thay.  Khúc nhạc vui tấu lên giữa cuộc sống yên bình  của người Đồi Thung.

Cuộc sống giữa mây ngàn ở đỉnh Thung đã có nhiều đổi thay. Khúc nhạc vui tấu lên giữa cuộc sống yên bình của người Đồi Thung.

(HBĐT) - Dù đã khá lâu, chúng tôi mới có dịp trở lại Đồi Thung nhưng thật bất ngờ khi vừa gặp mặt cả Bí thư chi bộ xóm Bùi Văn Dích, Trưởng xóm Thung I Bạch Công Nghiu và Trưởng xóm Thung II Bùi Văn Dẩn đều nhớ lời hẹn ước khi Đồi Thung tròn 100 năm khai phá tôi sẽ trở lại, vậy nhưng ngày đấy cũng đã trôi xa. Tuy thế, ở nơi cao nhất xứ Mường với đỉnh núi Cốt Ca cao 1.073 m so với mực nước biển vẫn còn nguyên cái tình người ấm áp dù cho sự xa cách đã được tính bằng những năm tháng dài.

 

Cuộc sống nơi mây ngàn

 

Dù không phải là lần đầu lên Đồi Thung nhưng tôi vẫn bị choáng ngợp trước sự hoang sơ, huyền bí giữa đại ngàn. Cái cảm giác bồng bềnh, lơ lửng trong mây ngàn, gió núi khi lần đầu lên Đồi Thung chợt ùa về trong tâm thức như đang ở nơi giao hòa giữa trời và đất. Những cảm giác như mơ ấy đã kéo tôi đi phiêu du tận nơi nào cũng chẳng biết nếu không có tiếng lạo xạo đá cát dưới mỗi bước chân kéo  tôi về với thực tại cuộc sống bình dị của người dân nơi đây. Giữa đất trời đỉnh Thung, mở căng lồng ngực, hít thật sâu, thật căng cái không khí tinh khiết của non ngàn sâu thẳm. Mỗi nhịp hít thở như dài hơn để tận hưởng hết cái vị ngọt mát, trong lành của đại ngàn.

 

“Nếu muốn biết cuộc sống nguyên sơ của người Mường thì lên Đồi Thung. Lên đấy sẽ thấy thích vì cuộc sống ở trên vùng Thung này hiện nay vẫn còn giữ lại được nhiều nét nguyên sơ lắm”, dẫu đã từng đặt chân lên vùng đất cao nhất của xứ Mường nhưng khi nghe câu nói đó của ông Bùi Thanh Dưn, Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa, tôi lại rộn lên những háo hức, tò mò. Trong ký ức còn lại của lần đầu tiên đến Đồi Thung với tôi chính là những ngôi nhà sàn của người Mường nguyên sơ thấp thoáng dưới những tán cây rừng. Nay trở lại, vẫn còn đó những nếp nhà sàn cũ kỹ và rêu phong thấp thoáng ẩn hiện dưới những tán cây xanh mượt. Vẫn còn nguyên nếp sống cũ, mỗi nhà một chòm hoặc dăm ba nóc nhà ở chung trên một mỏm đồi. Nói về cuộc sống vùng Thung, ông Bùi Văn Dích, Bí thư chi bộ cho biết: Do ở cao gần như biệt lập với vùng dưới nên cuộc sống ở  đỉnh Thung này vẫn còn gian khó lắm. Đường sá đi lại khó khăn nên cuộc sống vẫn cơ bản là tự cấp, tự túc. Lên Đồi Thung có 2 con đường, một là đường mòn xuyên rừng từ Kim Tiến (Kim Bôi) trở ngược, con đường còn lại nối đỉnh Thung với UBND xã Quý Hòa. Hai con đường - hai sợi dây nối xóm Đồi Thung với vùng dưới chỉ là 2 con đường mòn băng rừng thăm thẳm dốc được tạo bởi những viên đá cuội xếp chồng lên nhau. Đến bây giờ, tuy đã có đường, dù chỉ là con đường mòn được mở rộng bằng chính đất, đá của rừng nhưng dốc vẫn dựng đứng và khó đi. Đường sá đi lại khó khăn nên cũng ít có ai lên vùng Thung này, những người buôn bán lại càng không. ông Bạch Công Nghiu, Trưởng xóm Thung I ái ngại: Vì cuộc sống cách biệt nên ở Đồi Thung cũng chẳng mấy khi có khách. Ai đến chúng tôi cũng đều nhớ rất rõ. 

 

 Khúc nhạc vui tấu lên giữa cuộc sống yên bình của người Đồi Thung.

 

Đồi Thung có hơn 167 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu được chia thành 2 xóm. Trưởng xóm Thung II Bùi Văn Dẩn nở nụ cười hiền cho biết thêm: Cuộc sống của người dân ở trên này bây giờ cũng đã khác xưa nhiều. Chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhà nào cũng đã có máy phát điện nước. Nếu không có tiền thì 2 - 3 nhà chung nhau một cái. Dù vậy, cuộc sống của người dân vùng Thung cũng còn nhiều cái khó. Trên này không có trạm xá, mỗi khi ốm đau cũng rất khó khăn. Tuy thế, khí hậu ở đỉnh Thung trong lành, nên không mấy khi có người ốm.

 

Đỉnh Thung những ngày xuân về

 

Ngồi trò chuyện bên cửa voóng ngôi nhà sàn cũng là nhà văn hóa của Đồi Thung, ông Bí thư chi bộ và hai ông Trưởng xóm Thung I, II cứ say sưa kể cho tôi nghe về cuộc sống ở đây. Đã hơn 100 năm nay kể từ khi hai anh em ông Bạch Công Trịnh và Bạch Công Khạc đưa gia đình lên khai phá vùng đất này, cuộc sống ở đây nay đã khác nhiều. Từ khi bắt đầu mới chỉ có 2 hộ gia đình rồi lên đến 15 hộ, sau lên 30 và bây giờ là hơn 167 hộ. Hơn 1 thế kỷ khai đất lập làng, cuộc sống của người dân ở Đồi Thung cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, đã có lúc tưởng như phải rời bỏ đỉnh Thung để tìm đến vùng đất khác lập nghiệp. Dẫu khó khăn nhưng họ vẫn đứng vững và đi lên. Hơn 100 năm trước, đoàn người dắt díu nhau chạy trốn cuộc sống áp bức lên đỉnh Thung chỉ có hai bàn tay trắng. Chừng ấy năm sau, cuộc sống người dân Đồi Thung đã được đong đầy cũng chỉ từ hai bàn tay trắng. Nói như ông Bùi Thanh Dưn, Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa thì so với vùng dưới, cuộc sống ở đỉnh Thung thậm chí còn vượt xa nhiều. Thời kỳ đường sá còn khó khăn, xe máy chưa lên được vùng Thung các xóm vùng dưới của xã Quý Hòa, mỗi xóm mới chỉ có 2 - 3 máy xay xát thì ở Đồi Thung đã có đến 19 cái. Tuy không có đường đi nhưng cũng có hàng chục chiếc xe máy của người dân trong xóm mua và gửi nhờ ở những gia đình người quen vùng dưới. Đến nay có đường thì hầu như nhà nào cũng có xe máy. Hiện nay, so với vùng dưới, sản xuất nông nghiệp ở Đồi Thung cũng có những bước tiến bộ vượt bậc. Cứ 2 - 3 nhà có một máy cày, bừa. Ngoài cây lúa, người dân Đồi Thung còn trồng ngô, trồng hành. Đất tốt, khí hậu mát mẻ nên các loại cây trồng ở đây đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Tuy vậy, theo Trưởng xóm Thung II Bùi Văn Dẩn, nguồn thu chính của người dân ở Đồi Thung là măng. Mỗi năm, có hàng trăm tấn măng hàng hóa từ Đồi Thung được đưa đi tiêu thụ khắp nơi đã mang về cho người dân trong vùng hàng tỷ đồng. Nhờ đó,  đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang đổi thay mạnh mẽ. Tuy vậy, trong sự đổi thay này cũng phải kể đến cây lúa. ở Đồi Thung từ khi lập bản, khai phá đất đai, người dân chỉ biết trồng duy nhất 1 vụ lúa với phương thức canh tác lạc hậu. Đến  năm 2003, người dân Đồi Thung mới được chuyển giao kỹ thuật cấy 2 vụ lúa/năm. Người có công nhất trong việc này chính là ông Bùi Quyết Chiến, khi đó là Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn. Nhờ cấy được 2 vụ lúa, người dân Đồi Thung đã hết đói, hết phải ăn độn.

 

Những trò chơi dân gian không khó gặp ở Đồi Thung trong ngày xuân.  

 

Câu chuyện của những người dân ở Đồi Thung về cuộc sống bình yên vẫn cứ như một khúc ca rộn rã vút cao giữa đại ngàn. Trong khúc ca ấy, mùa xuân ngập tràn một sức sống đang về với đỉnh Thung. Bồng bềnh trong sương núi, trong những cơn gió lạnh. Nhìn những cánh đào phớt hồng như bừng tỉnh giấc đón ngọn gió xuân ấm áp, ông Bạch Công Nghiu, Trưởng xóm Thung I chia sẻ: ở đây bao giờ cũng vậy, cứ khi nào hoa đào bắt đầu nở là đỉnh Thung bước vào xuân. Những ngày đón xuân ở đây vui lắm. Ngoài các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, người dân thường tổ chức các trò chơi dân gian như đánh mảng, ném còn, thi đánh cồng chiêng, kéo co, đẩy gậy... Thường thì những cuộc chơi đó kéo dài cho đến hết lễ Khai hạ (ngày 8 tháng giêng).    

 

Chia tay Đồi Thung nhìn lên đỉnh núi Cốt Ca thật lạ, thật mơ hồ trong sương sớm. Mây, gió vẫn trôi, vẫn thổi cùng với cuộc sống bình dị vốn có của người dân nơi đây. Trên đường về, tôi cứ xao xuyến mãi với một nụ cười tươi, một cái gật đầu chào đầy trìu mến của bà cụ móm mém ngồi nhai trầu bên cửa voóng. Lướt qua trước mắt tôi, những nếp nhà sàn xinh xắn, những nụ hoa đã miên man trong gió. Dù biết cuộc sống nơi đây vẫn còn nhiều gian khó nhưng chẳng khi nào thiếu vắng nụ cười và luôn ấm áp cái tình của người Đồi Thung.

 

 

                                                                           Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục