Nuôi cá lồng - thế mạnh phát triển kinh tế của Hiền Lương.

Nuôi cá lồng - thế mạnh phát triển kinh tế của Hiền Lương.

(HBĐT) - Tạm xa nơi thành thị náo nhiệt, chúng tôi ngược dốc lên đón xuân, vui tết nơi vùng cao Đà Bắc. Khi chúng tôi đến bến Hiền Lương, trời còn lất phất mưa. Mặt hồ sương mù dày đặc. Những đám mây trên núi nặng trịch cộng với cái rét khô khô như mảnh cật nứa cứa vào da thịt đến khó chịu. Thế mà đến 19h, trời khô ráo. Thời tiết dường như biết chiều lòng người đón giao thừa.

 

Poong... ping... tùng... cắc tùng... tùng cắc tùng..., tiếng trống xoè, tiếng cồng chiêng từ NVH xóm Doi vọng vào như thôi thúc mời gọi. Từ già, trẻ trai gái xúng xính trong những bo trang phục dân tộc í ới rủ nhau ra nhà văn hóa đón giao thừa. Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã được giao nhiệm vụ trang trí nhà văn hóa thật lộng lẫy. Những bài cồng chiêng xắc bùa vui tươi ngân lên vang vọng khắp núi rừng. Bát rượu hoẵng được rót ra, mọi người truyền tay nhau uống, chúc tụng nhau một năm mới mạnh khỏe, vui tươi. Trong ngất ngây, lâng lâng của rượu. Bên ánh lửa bập bùng, già trẻ, trai gái cầm tay nhau múa xòe, nhảy sạp. Say! Say điệu xoè hoa, say nghĩa tình, say hương sắc mùa xuân. Dừng tay đánh cồng, mế Đinh Thị Dương năm nay 63 tuổi vui vẻ cho biết: Mế biết đánh cồng từ ngày còn thanh niên, cứ dịp lễ, tết, xóm tổ chức hội vui lắm, âm vang vui nhộn làm mế nhớ thời son trẻ...

 

Sáng mùng 1 Tết. Bầu trời trong vắt xanh đến mượt mà, những đám mây trắng lang thang trên đỉnh núi, lảng vảng trên mặt hồ như đang ngái ngủ. Trên nương, mấy chú gà rừng cất tiếng gáy đánh thức khiến lũ gà nhà đang trốn rét trong chuồng cũng vội vàng vỗ cánh. Những tia nắng mới trải đều trên cành non, lá biếc, sưởi ấm những vạt đất thấm đậm sương đêm. Kỳ diệu hơn, cây đào trước sân hôm qua còn ủ rũ buồn thiu, nay muôn ngàn nụ hoa đã chúm chím hồng, những chồi non, lộc biếc mơn mởn.

 

Chủ tịch UBND xã Xa Văn Chính bảo cậu con trai lớn lấy chai rượu hoẵng và mấy cái bát ra đặt vào giữa chiếc chiếu hoa mới. Rót rượu hoẵng ra đầy bát, ông nâng rượu mời khách. Uống rượu vòng tròn. ấy là cái lệ chào khách quý. Hương thơm dìu dịu của rượu hoẵng được nấu từ nếp nương chính hiệu ủ với men lá hoà quyện với hương núi, mùi nắng mới, gió ngàn tạo thành một thứ hương vị lạ lẫm, quyến rũ, ngất ngây.

 

Xuân vùng hồ thật ấm áp! Xoay một vòng tròn cạn bát rượu, ông Chính tâm sự: Cách đây khoảng chục năm, đời sống của dân Hiền Lương nghèo đói lắm. Tết đến nhà ai cũng chạy đôn chạy đáo lo tiền mua sắm. Xã tổ chức Hội xuân nhưng tiếng cồng chiêng nghe cũng buồn. Cuộc sống hôm nay đã khác nhiều rồi. Đường giao thông đến các xóm đã thuận lợi, bê tông được 5 km đường nội xóm; 90% số hộ được dùng điện lưới; 80% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trẻ em đến lớp đúng độ tuổi. Xã có trạm y tế mới được đầu tư đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Thu nhập kinh tế chính của xã từ sản vật của rừng, hoa màu và cá lòng hồ. Đa nghề,  hướng làm giàu hiệu quả của người dân Hiền Lương. Một cây luồng bán có giá 10.000 - 20.000 đồng. Chẻ thành tăm bán được gấp 3-4 lần. Hiền Lương đã hình thành làng nghề gia công tăm mành cho khách hàng ở TPHB lên lấy. Điểm thu mua đặt tại nhà Chủ tịch xã, giá bình quân 4.000 đồng/kg. ở đây, nhà ít cũng có 1-2 ha luồng, nhà nhiều 15-20 ha. Bà con tranh thủ chẻ tăm vào những giờ nông nhàn, tăm phơi dọc lối đi, tăm phơi đầy sân không còn lối đi vào nhà.

 

Là xã nằm trên vùng hồ Hoà Bình nên Hiền Lương có diện tích mặt nước lớn trên 915 ha thuận lợi cho phát triển nghề nuôi, đánh bắt thuỷ sản. Nuôi và đánh bắt thuỷ sản là một thế mạnh của Hiền Lương. Do vậy, trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề. Hiện nay, toàn xã có 20 hộ nuôi thuỷ sản, cả xã có khoảng 69 lồng sản lượng thu hoạch bình quân từ 350-400 kg/ lồng và 50 hộ đánh bắt cá tự nhiên, sản lượng thu hoạch năm 2011 ước đạt 320 tấn. Cũng theo anh Chính, xã đang hình thành 2 tổ hợp tác chuyên về nuôi thủy sản. Tuy nhiên, số hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm hơn 40%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt gần 10 triệu đồng/người/năm.

 

Tết ở đây đơn giản thôi, mọi phong tục đã được đổi mới. Đấy là thành quả của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC”. ông Xa Văn Chính tiếp tục câu chuyện: Xưa, phong tục lễ, tết, đón năm mới của đồng bào rất cầu kỳ, phức tạp, vừa tốn kém, lãng phí, vừa mất thời gian. Nay, dù đã có phần “phú quý” nhưng đồng bào không “sinh lễ nghĩa”.

 

Sóng nước vỗ nhẹ mạn thuyền, trong hương sắc mùa xuân, giữa đôi bờ bát ngát màu xanh của luồng, tre. Hiền Lương những ngày đầu xuân tưng bừng, sôi động. Trong nhà, ngoài sân, hoa đào, hoa mơ khoe sắc rực rỡ. Phiên chợ xuân trên bến rộn rã, mọi người gặp nhau tay bắt, mặt mừng, vui vẻ trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất nhân năm mới.

 

 

                                                                         

                                                                         Đinh Thắng

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục