(HBĐT) - Tắm xong cơn mưa đầu hè, áo đứa nào cũng lướt thướt, cười ngặt nghẽo vì những trò đùa, rồi đứa nào đứa ấy mất hút vào từng lối mòn, ngôi nhà vắng. Cơn mưa, cơn sốt níu chân tôi với chiếc giường. Một sớm thức dậy nghe bố bảo: “Trường nghỉ học rồi, hôm con ốm là buổi học cuối năm”. Tôi chạy lên đồi, cỏ xanh đã mọc tràn lối đi. Tôi lên sân trường, bao nhiêu hang dế mèn đã xới tung những vạch vôi trắng. Những mái lá lặng thinh trong nắng. 3 tháng nghỉ hè mênh mông, tôi thả hồn vào tiếng ve, thi thoảng nhớ quá lại lên thăm trường gianh tre trên đồi, lục lọi từng ngăn bàn, tìm một thứ gì là dấu ấn của ngày còn đến lớp như: thước kẻ gãy, ngòi bút, mẩu phấn…

 

Mùa hè này, tôi khép cửa bước ra đường vào một buổi chiều nhiều ưu tư. Gió lặng, trời trong xanh không một gợn mây. Những ngôi nhà trên phố cũng khép chặt từng ô cửa, tiếng máy điều hòa chạy ro ro, bên trong là cuộc sống náo nức, những chuyến đi đang bị dồn nén, cương tỏa bởi cái nóng. Tôi lặng lẽ ngắm núi đồi phía xa thành phố mỗi ngày như càng xa dần, rừng đưa tiếng chim đi mất hút. Phía cuối con đường là một ngôi trường nhỏ, ve ngân trong lá, tiếng ngân cô độc giữa phố xá ồn ào. Trống đã tan trường, vài đứa bé còn đứng ngước lên vòm lá bằng cặp kính dày nheo mắt tranh cãi nhau về chủ nhân của âm thanh kỳ diệu ấy. Thế rồi chúng vội vã chạy ra chiếc taxi mà cha mẹ đã thuê đón đi học hàng ngày. Hôm nay cũng ngày cuối cùng của một năm học. Một chút tuổi thơ ngơ ngác, hồn nhiên vừa tuột khỏi tay các em rồi ư?

 

Chị ở làng tôi có một quán nước bên sông, nơi một có cảng cũ giờ chỉ còn ngổn ngang những ống cống, vật liệu xây dựng. Những mảng bê tông nứt vỡ của bậc thang gợi nhớ một thời xà lan tấp nập. Bao mùa hè qua,  quán nước đầy ắp gió sông của chị vẫn neo nơi bến cũ, chị cứ tất tả cây mía, quả dừa, gói bò khô, cóc, ổi… phục vụ những người khách xa quê trở về mà nguôi ngoai tuổi chớm lục tuần. Tôi  hỏi chị bóng mát này là gốc bằng lăng hai chị em trồng ngày tôi xuống đò xa quê đúng không ? Chị bảo chị chẳng nhớ làm gì cho nhọc, nhớ nhiều buồn nhiều, có bóng mát, cậu cứ mắc võng mà nằm đi. ôi, mùa hè của chị, cứ đầu tắt mặt tối với những đồng tiền lẻ, thoắt chốc thấy quán vắng khách, ngước lên phía thượng nguồn đã lại heo may, gió bấc.

 

Những ngày mưa bão,  cọc bê tông chị thường dùng để buộc dây bạt chơ vơ giữa trời, những con thuyền dưới sông lắc lư, từ cửa sổ nhìn ra, tôi lại đưa mắt kiếm tìm một chút gì sót lại của quán vắng. Nắng lên, đường khô, phố xá lại nườm nượp những hy vọng mới. Thấy vài người bán quần áo hạ giá rải bạt bày hàng mời khách dưới tán băng lăng hoa đã rụng, giờ bung những chùm hoa mới. Một ngày, rồi hai ngày, tôi bước chân xuống phố thấy mọi người xôn xao chị đã mất, chiều nay đưa tang. Người ủ bệnh như hòn than ủ trấu, gặp dịp là bùng lên. Đám tang lướt qua con đường vắng có quán nước, đường đông hay người ta có ý đi chậm lại để vong linh người quá cố dừng chân nơi cả một đời lam lũ rồi tất cả lại trở về ồn ã, một người nào đó lại căng bạt bán hàng như chưa từng có bóng chị nơi ấy. Chị vốn chẳng muốn nhớ gì? Nghĩ cũng buồn.

 

Trưa nay, tôi không thể chợp mắt trên chiếc ghế dài bằng gỗ mát rượi. Vợ tôi bảo oi thế thế nào chiều nay cũng có mưa giông. Nhưng thực ra, tôi mải xem bức ảnh trong chiếc Ipad mỏng mà một người bạn giờ làm giáo viên đã gửi cho tôi. Trong khung hình ấy là một ngôi trường như bao ngôi trường khác. Cũng những dãy nhà cao tầng, hoa phượng, bằng lăng, những hình dáng học trò và thầy, cô. Có chút gì xao xuyến trong tôi. Đó là ngôi trường tôi học, ừ đó là một kỷ niệm thời hoa niên, dẫu chẳng thể tìm ra dấu tích nào của ngày xưa. Cũng phải, chẳng thể đòi hỏi tất cả phải vẹn nguyên như ngày nào, cũng như chị tôi bảo chẳng việc gì phải nhớ làm chi cho nặng lòng. Cuộc sống cứ thế trôi qua những mùa hè đến và đi như một người qua đường lặng lẽ những mang theo những gì quý giá như là cách để đánh dấu sự ghé chân thường niên của mình. Mùa hè nào của tôi trong số ấy? Xa lắm, xa lắm rồi mà tôi vẫn ngỡ mới đâu đây.

 

                                                                               B.V.P

                                                           (Tổ 4, P. Thịnh Lang, TP Hòa Bình)

 

Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục