Tản văn của Bùi Việt Phương

Chẳng biết từ bao giờ, dưới khúc sông lặng sóng, miên man dòng xanh đã có xóm thuyền chài cư ngụ. Sau bao biến của dòng sông, xóm chài vẫn đó với những mẻ cá đầy, những con thuyền câu đêm rì rì tiếng động cơ rẽ sóng, tiếng trẻ bi bô tập nói… làm nên một thứ gì rất riêng để người đi xa sông Đà mỗi dịp trở về lại ngồi ngắm những chiếc nhà thuyền dưới ánh chiều lấp lánh trên mặt sông.

Sau khi dâng nước hồ thủy điện, đã có nhiều gia đình nuôi cá lồng hay làm quen với nghề chài lưới. Nhưng từ rất lâu, ở phía dưới đập xả lũ và sau này là cầu Hòa Bình đã có xóm chài nằm nép mình bên bờ sông qua bao năm tháng. Cách đây 20 năm, từ những con thuyền gỗ với vòm đan bằng cót, những chiếc thuyền neo lại mùa khô để đánh bắt cá và ẩn mình trong sương mù như trong một bức tranh thủy mặc. Mùa ấy nhìn dòng sông mỏng mảnh trong sương mai, con thuyền nhỏ như ngọn bút vẽ trên mặt sông. Những chiếc thuyền co cụm sẻ chia mồi lửa trong giá rét. Ấp iu ngọn lửa nơi mui thuyền giữa khói sương trong những đêm đông gợi nhớ "lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ” trong Phong Kiều dạ bạc.

Mùa mưa lũ, nước đỏ ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về làm xóm thuyền lao đao. Những cành củi nhỏ bập bềnh trên nước, người xóm chài chỉ việc vớt lên bờ phơi nắng là có cái để đun qua ngày. Cá sông Đà nhiều, nhất là loài cá măng mình dài, cá chép sông béo ngậy. Những người chài lưới sông Đà không ngại kiêng kị vẫn đưa thuyền ra cứu người bị rơi xuống sông.

Xóm nằm nép bên phía bờ sông ấy như chứng tích của bao biến thiên lịch sử. Từ khi người Pháp đặt tỉnh lỵ tại xã Hòa Bình, lấy luôn tên ấy làm tên gọi tỉnh thay cho tỉnh Mường, tỉnh Bờ cho đến khi ngăn sông, xây thủy điện rồi bỏ đò ngang, cầu phao xây cầu cứng. Giờ đây, xóm chài đã có những ngôi nhà nổi lợp tôn, thuyền bè kiên cố chống chịu nắng mưa và là nơi cư ngụ vững vàng cho những gia đình. Lũ trẻ được lên bờ đi học, những người dân chài thân thiện ngày ngày buông lưới bên dòng. Dường như, có một phần ký ức về những trận lũ lịch sử, về những lần ngăn sông để xây nên thủy điện, về những bãi phù sa giờ thành nương ngô xanh biếc vẫn được lưu giữ trong những bóng thuyền trầm mặc. Rồi những người ngồi ngắm sông sẽ già đi, những con thuyền sẽ đổi thay vóc dáng. Nhưng, xóm chài vẫn còn đó như một nét gì riêng lắm của thành phố bên sông này.


Các tin khác


Hạnh phúc ngọt ngào

Hải béo đứng sừng sững trước cửa nhà khiến Hội bất ngờ. Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: "Tôi còn 2 cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục