(HBĐT) - Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới ngày nào, người dân TP Hòa Bình vui mừng đón sự kiện thị xã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Đến nay đã tròn 10 năm - 10 mùa hoa đua nở trong lòng những ai đã sống, yêu thương và trân trọng sự phát triển của thành phố trẻ đi lên từ gian khó.

 

Trong dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, Quảng trường Hòa Bình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị thành phố Hòa Bình.

 

 “Thành phố mình khác quự, đẹp thật đấy!” - lời trầm trồ của cô bạn lâu ngày về thăm quê hương khiến chúng tôi thêm náo nức trong cuộc ngao du không hẹn trước.

 

Chuyện là, hòa chung niềm vui với sự kiện tỉnh Kỷ niệm 130 năm thành lập, 25 năm tái lập, bạn bè chúng tôi cũng gọi nhau về tụ họp kỷ niệm 20 năm rời ghế nhà trường. Người Bắc, kẻ Nam, bạn ở miền Trung đều góp mặt đông đủ. Không bàn trước mà hầu hết đều chung suy nghĩ: chẳng có gì ý nghĩa hơn là được tìm về những kỷ niệm xưa. Vậy là chúng tôi - lũ học sinh ở vùng ven thị xã xưa kia lên xe cho chuyến “du lịch” tại chính quê hương mình. Lời tếu táo, nghịch ngợm của tuổi học trò vẫn vậy. Chỉ khác là thay vì phải cuốc bộ hay trên những chiếc xe đạp cà tàng thì nay chúng tôi đi xe máy, ô tô.

 

 “Ra đầm Quỳnh Lâm hái hoa bèo, bông lau non để ăn nhé”. “Rồi phải ra thị xã chơi, tìm chỗ ăn kem đấy”. “Sang sông nhìn khu chuyên gia có nhiều nhà cao tầng rồi ra bờ sông Đà đuổi nhau nữa chứ”... ồn ào ôn lại kỷ niệm xưa để thấy vui hơn cho sự phát triển, đổi mới hôm nay. Bởi chúng tôi biết rõ, những nơi in dấu kỷ niệm xưa chỉ còn là quá khứ. Hôm nay, thành phố đã “khoắc lên mình chiếc áo mới” sặc sỡ, sang trọng với những công trình đồ sộ, hiện đại, những tuyến đường thênh thang tấp nập người, xe.

 

Cầu phao dập ghềnh bắc qua sông Đà từ lâu đã thay bằng cây cầu to đẹp, “nối những bờ vui”. Không lâu nữa, trên khúc sông này sẽ có thêm cây cầu hoành tráng hơn, tạo sức vóc mới cho thành phố khi cầu Hòa Bình 3 mới được khởi công xây dựng trong tháng 11 vừa rồi với tổng mức đầu tư 434 tỷ đồng.  Công trình cầu Hòa Bình 3 có điểm đầu kết nối với đường Trương Hán Siêu thuộc địa phận phường Thịnh Lang, điểm cuối nối với quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Trung Minh. Công trình thực hiện mục tiêu kết nối các khu vực dân cư tại bờ trái và bờ phải sông Đà, cụ thể hóa mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình thành đô thị loại II vào năm 2020 và từng bước thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch tổng thể KT -XH và quy hoạch chung của thành phố Hòa Bình đến năm 2020.

 

Bờ sông Đà um tùm lau sậy giờ đây đã được xây kè chắc chắn, tạo thêm vẻ đẹp, sự uy nghi nhưng cũng thật yên ả cho con sông Đà. Con đê Đà Giang lô nhô đất, đá, bụi mù mịt khi xe qua xưa kia, nay người dân thành phố coi đó là phố đi bộ, phố ẩm thực. Một không gian nên thơ, lãng mạn bên dòng sông uốn lượn hiền hòa mà ít thành phố nào có được. Chính vì vậy mà tôi không ít lần thấy tự hào khi được nghe những lời xuýt xoa của bạn bè các tỉnh, thành phố khác đến chơi: Thật là một nơi thư giãn lý tưởng.

 

Điểm nhấn ấn tượng của bộ mặt đô thị thành phố hôm nay chính là công trình Quảng trường Hòa Bình. Đầm Quỳnh Lâm cùng nhiều ruộng lúa, ao bèo chỉ còn trong ký ức. Giờ đây thay vào đó là các tòa nhà, trụ sở bề thế, đặc biệt là Quảng trường rộng vài chục ha với những hạng mục công trình hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường cùng hình tượng biểu trưng cho các dân tộc chủ yếu trong tỉnh sống đoàn kết bên nhau.

 

Chẳng thế mà trong dịp Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, lúc nào Quảng trường Hòa Bình cũng đông vui, đặc biệt là vào các buổi tối. Ai cũng muốn đến để chiêm ngưỡng công trình bề thế, hiện đại, lung linh ánh điện muôn màu. Mà đã đến là phải ghi lại bằng được những hình ảnh đẹp làm kỷ niệm bên đài phun nước huyền ảo, những thảm cỏ xanh, biểu tượng trống đồng, những tuyến đường sạch, đẹp, sặc sỡ cờ, hoa, lấp lánh ánh điện với những cánh chim hòa bình tung cánh.

 

Nhìn sự đổi thay, tôi nhớ lại lời Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Huy đã chia sẻ trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập TP Hòa Bình: Quá trình đô thị hóa ở TP Hòa Bình diễn ra nhanh chóng và bền vững. Để tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển đô thị, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề và các chương trình, đề án phát triển KT -XH. Tổ chức, điều hành, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch mạnh nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng đô thị ngày càng phát triển. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, thành phố đã ưu tiên hàng đầu cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Từ năm 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT -XH từ nguồn NSNN đạt trên 1.650 tỷ đồng. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường: Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu, Thịnh Lang và biểu tượng TP Hòa Bình… Đặc biệt, trên địa bàn đang triển khai thi công Dự án đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình nhằm tạo huyết mạch giao thông nối liền với các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm đã được thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm; Trung tâm Hành chính - chính trị thành phố... Khi hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn của thành phố để đi lên cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước.

 

Trong năm 2016, phát huy tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tình hình KT - XH của TP Hòa Bình tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống của nhân dân được bảo đảm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng với dịch vụ chiếm 55,3%; công nghiệp - xây dựng 38,8%; nông - lâm - thủy sản 5,9%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 44, 9 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 303, 109 tỷ đồng, đạt 108,1% dự toán giao. Thành phố giải quyết việc làm cho 2.596 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,62%. Trên địa bàn hiện có 369 doanh nghiệp ngành dịch vụ, 83 doanh nghiệp ngành CN - TTCN, 168 doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, 3 siêu thị, 9 chợ (trong đó có 1 chợ hạng I, 1 chợ hạng II, 5 chợ hạng III và 2 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm) đáp ứng nhu cầu mua bán, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

 

Tạm gác lại lo toan thường nhật để chọn một ngày thả hồn với thành phố của mình mới cảm nhận rõ sự đổi thay thật đáng quý. Cho dù đâu đó trên phố phường còn bề bộn, ngổn ngang như công trường, nhưng người dân biết rằng đó là bước tiếp nối cho sự phát triển mới trên hành trình đưa TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2020.                                    

  

 

                                                                            Bình Giang

 

 

Các tin khác


Khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo huyện Lạc Sơn

Ngày 23/5, Công an tỉnh phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhóm thiện nguyện "Trao chia sẻ, nhận yêu thương” tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Thanh niên Công an tỉnh và huyện Lương Sơn ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 

Ngày 23/5, tại trường THPT Lương Sơn, Ban Thanh niên Công an tỉnh phối hợp Đoàn Thanh niên - Hội liên hiệp Thanh niên huyện Lương Sơn và phòng Văn hóa - thông tin huyện tổ chức Lễ ra quân "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè - đẩy mạnh chuyển đổi số; hỗ trợ thực hiện cài đặt, sử dụng chữ ký số cá nhân miễn phí cho công dân” năm 2024 trên địa bàn huyện.

Một khách hàng trúng thưởng 1 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm tại Agribank

Sáng 23/5, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ trao giải thưởng chương trình tiết kiệm dự thưởng "Tết an khang - rước xế sang”.

Đã có kết quả xét nghiệm ADN trong vụ bé gái 12 tuổi sinh con ở Hà Nội

Công an huyện Thanh Trì Hà Nội cho biết hiện đã có kết quả xét nghiệm AND trong vụ bé gái 12 tuổi sinh con.

Giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc có cuộc sống ổn định

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Mai Châu nên từ năm 13 tuổi, chị Lò Thị Chanh ở xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu đã biết nghề dệt thổ cẩm. Sau khi lập gia đình, ngoài việc đồng áng chị làm thêm nghề dệt ở nhà bán cho các tư thương. Công việc tranh thủ lúc nông nhàn giúp chị có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên trước đây sản phẩm của chị được mang đi các nơi nhưng không có thương hiệu nên giá trị chưa cao.

Huyện Đà Bắc công bố dịch tả lợn Châu Phi tại 2 xã Trung Thành, Tân Pheo

Ngày 21/5, UBND huyện Đà Bắc đã công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn 2 xã Trung Thành, Tân Pheo. Chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục