(HBĐT) - Gần một tháng sau đợt mưa lũ lớn xảy ra từ ngày 10 - 12/10, con đường lên xã vùng cao Bắc Sơn (Tân Lạc) đã thông tuyến. Tính riêng tuyến đường từ xã Lũng Vân lên có trên 25 điểm sạt lở đã được khắc phục. Tuy nhiên, tại một số đoạn sạt lở việc đi lại vẫn khó khăn, trong đó đoạn sạt nghiêm trọng ở xóm Hò Trên do khối lượng đất sạt phía taluy âm lớn nên vẫn khá nguy hiểm. Lực lượng chức năng tiếp tục chăng dây cảnh báo.


Theo số liệu của UBND xã Bắc Sơn, ngoài các tuyến đường liên xã, liên xóm bị sạt lở, nhiều tuyến đường nội đồng, cấp phối cũng bị sói mòn, rửa trôi với khối lượng lớn. Toàn xã có trên 12 ha lúa, ngô, sắn, khoa lang, lạc, quýt và một số gia súc, gia cầm, thủy sản của người dân bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp, làm dập nát, chết. 17 ha ruộng cấy lúa tại các xóm Mý, Hày Trên, Hày Dưới, Hò Trên, Hò Dưới bị lấp đất bùn không thể cấy được. 8 hộ có nhà nằm trong khu vực sạt lở phải di dời.

Với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - TKCN xã đã kịp thời huy động lực lượng công an, dân quân, thôn đội trưởng, cán bộ, công chức xã và nhân dân khu vực ít bị ảnh hưởng hơn di chuyển đồ đạc của các hộ bị sạt lở ra nơi an toàn. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau lũ, người dân trong xã đã góp ngày công cùng tu sửa, san lấp các tuyến đường liên xóm bị hư hỏng. Các hộ bị đất đá sạt lở vào nhà cũng đang tích cực, khẩn trương di dời và dựng lại nhà mới.


Cán bộ xã Bắc Sơn, huyện Tân Lạc (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi gia đình anh Bùi Văn Nin ở xóm Hò Trên phải di dời, dựng nhà mới.

Cùng chúng tôi đi thăm một số hộ trong vùng sạt lở phải di dời, đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vai trò của cấp ủy, chính quyền, tình làng nghĩa xóm và tinh thần tương thân tương ái của các nhà hảo tâm đã góp phần từng bước ổn định cuộc sống của người dân. Nhiều đoàn thiện nguyện đã đến hỗ trợ hàng hóa, tiền mặt giúp nhân dân vượt qua khó khăn sau lũ. Chính quyền xã đã tiếp nhận và phân bổ kịp thời đến tận tay các hộ bị ảnh hưởng.

Trên mảnh đất chỉ khoảng hơn 40m2 ở xóm Hò Trên, anh Bùi Văn Nin cùng mấy người họ hàng, làng xóm đang tất bật dựng lại ngôi nhà gỗ nền đất. Anh Nin cho biết: "Số gỗ được tận dụng lại từ ngôi nhà cũ. Tuy nhà nhỏ nhưng chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, chứ ở chỗ cũ bị sạt lở cứ nơm nớp lo. Ngôi nhà được hoàn thành nhờ sự động viên, giúp sức của họ hàng, làng xóm, hỗ trợ của chính quyền và những tấm lòng nhân ái.” Hai gia đình hàng xóm của anh Nin là anh Bùi Văn Thiêm và Hà Văn Lập cũng đang dọn đồ đạc để chuẩn bị di chuyển ngôi nhà sàn đến nơi ở mới. Anh Bùi Văn Thiêm chia sẻ: "Gắn bó bao đời bên ngôi nhà sàn trên sườn đồi Hò, năm nay tôi mới thấy đất sạt vào nhà. Gia đình có 4 người, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Vợ sinh con thứ 2 đúng đêm mưa lũ. Giữa đêm tối mịt mùng, nếu không có lực lượng dân quân, thanh niên và hàng xóm đến giúp đỡ, chuyển đồ đạc đến ở tạm tại trường mầm non thì tôi không biết xoay sở ra sao. Trong khó khăn hỗ trợ nhau, tôi thấy ấm lòng khi cấp ủy, chính quyền và làng xóm sẵn sàng giúp gia đình tôi di chuyển, dựng lại ngôi nhà mới ở nơi an toàn.

Đồng chí Hà Văn Huê, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có trên 600 ha đất canh tác, ngô là cây trồng chính, còn lại là sắn, lúa, khoai lang, lạc... Hằng năm, nhân dân trồng 2 vụ ngô, trong đó, vụ trồng vào tháng 3 khoảng 400 ha, vụ trồng tháng 9 khoảng 50 ha. Năng suất ngô trung bình đạt khoảng 40 - 45 tạ/ha. Mấy năm trước, giá ngô khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, năm nay giảm chỉ còn khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Đợt mưa lũ lại đúng vào giai đoạn ngô trổ bông, có bắp non. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn khoảng 80%. Trận lũ vừa qua làm cho cuộc sống của nhân dân khó khăn hơn. Để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của bà con, UBND xã chỉ đạo đối với diện tích hoa màu bị dập nát, ảnh hưởng, nhân dân thu dọn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, diện tích còn khắc phục được thì chăm sóc, trồng xen cây rau. Số diện tích cấy lúa bị bùn lấp chuyển sang trồng cây ngô và rau các loại. Tập trung sản xuất vụ đông bù lại phần nào thiệt hại trong đợt lũ vừa qua. Xã mong muốn các đoạn đường sạt lở lớn sớm được khắc phục; giãn nợ cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH bị ảnh hưởng mưa lũ; hỗ trợ giống, phân bón cho sản xuất vụ đông.


Cẩm Lệ

Các tin khác


Khẩn trương xác định danh tính người bị nạn trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính

UBND quận chỉ đạo thực hiện xác định danh tính người bị nạn; phối hợp tổ chức tang lễ cho người đã mất, thăm hỏi người bị thương.

Quốc hội gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ cháy tại Cầu Giấy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát động phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay vì người nghèo”

Sáng 24/5, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự phát động có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Cháy nhà trọ trong ngõ sâu ở Trung Kính (Hà Nội), 14 người tử vong

Một vụ cháy lớn đã xảy ra vào ban đêm tại một căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, khiến nhiều người tử vong.

Hà Nội: Cháy nhà trọ trong đêm, nhiều người thương vong

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra rạng sáng 24/5, tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khiến ít nhất 14 người thương vong.

Khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo huyện Lạc Sơn

Ngày 23/5, Công an tỉnh phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhóm thiện nguyện "Trao chia sẻ, nhận yêu thương” tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục