Bài 2 - Chuyển trọng tâm sang chính sách dân số và phát triển

(HBĐT) - Trước đây, việc cung cấp dịch vụ và tuyên truyền thực hiện chính sách DS-KHHGĐ chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình. Kết quả của các địa phương cũng chủ yếu nói đến việc giữ vững bao nhiêu năm không có người sinh con thứ 3 mà chưa chú ý nhiều đến mối tương quan giữa dân số và phát triển. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH T.ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là một nghị quyết quan trọng, có nhiều điểm mới và được nhân dân rất quan tâm. Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế đã trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình về những điểm mới của Nghị quyết và mục tiêu tỉnh đề ra đối với công tác dân số trong thời gian tới.


Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh

Phóng viên: Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới ngoài việc nhìn lại những thành tựu, hạn chế sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) năm 1993 còn có nhiều điểm mới đáng chú ý. Xin đồng chí giới thiệu những điểm mới đó?

Đồng chí Trần Quang Khánh: Đầu tiên cần nói đến quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.…

Nghị quyết có 2 điểm mới cơ bản, thứ nhất là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH. Thứ hai, Nghị quyết đặt ra vấn đề duy trì mức sinh thay thế vì vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Nước ta đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và nước ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng nên việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người vào năm 2030 đã được đề ra như là mục tiêu cụ thể đầu tiên, quan trọng trong công tác dân số.

Trong biện pháp thực hiện cũng có những điểm mới. Đó là, đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp: Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Đổi mới nội dung tuyên truyền: Nêu rõ nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Đổi mới nội dung tập huấn cho cán bộ dân số: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển.

Ban hành Chiến lược dân số trong tình hình mới: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững và thích ứng với già hóa dân số.

Nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế…

Phóng viên: Được biết, ngày 24/4/2018, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Xin đồng chí cho biết mục tiêu tỉnh đặt ra đối với công tác dân số trong tình hình mới là gì?

Đồng chí Trần Quang Khánh: Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu BCH T.ư Đảng khóa XII, căn cứ vào đặc điểm tình hình của tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU. Mục tiêu tỉnh đặt ra cũng là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH của tỉnh. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển KT-XH của tỉnh nhanh và bền vững.

Cụ thể đến năm 2030: Giữ vững mức sinh thay thế, duy trì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dưới 2,1 con; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên dưới 7%; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 936 nghìn người. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%. Chiều cao người 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; đảm bảo người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên; đến năm 2025 đạt tỷ lệ dưới 112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 đạt tỷ lệ 107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 90% cặp kết hôn được xét nghiệm gen ẩn bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau.

Năm 2025 có 75% và đến năm 2030 đạt 100% vị thành niên/thanh niên hiểu biết cơ bản về một số vấn đề DS-KHHGĐ như: các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 90%.

Giảm bình quân 1,5 - 2%/năm tỷ lệ tảo hôn; đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ tảo hôn của tỉnh ở mức bình quân chung của toàn quốc; giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống.

Năm 2025 có 50% phụ nữ mang thai, 70% trẻ sơ sinh và đến 2030 có 70% phụ nữ mang thai, 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.

Đến năm 2025, tuổi thọ bình quân đạt 73,5 tuổi, đến năm 2030 tuổi thọ bình quân đạt mức trung bình của cả nước là 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Năm 2025 có 70%, đến năm 2030 có 95% người cao tuổi được cung cấp kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Đến năm 2025 có 98%, năm 2030 có 100% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn tỉnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Cẩm Lệ

Các tin khác


Vui Tết thiếu nhi cùng bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, sáng 24/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình và một số nhà hảo tâm tổ chức chương trình Vui Tết thiếu nhi 1/6 cho 100 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khẩn trương xác định danh tính người bị nạn trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính

UBND quận chỉ đạo thực hiện xác định danh tính người bị nạn; phối hợp tổ chức tang lễ cho người đã mất, thăm hỏi người bị thương.

Quốc hội gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ cháy tại Cầu Giấy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát động phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay vì người nghèo”

Sáng 24/5, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự phát động có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Cháy nhà trọ trong ngõ sâu ở Trung Kính (Hà Nội), 14 người tử vong

Một vụ cháy lớn đã xảy ra vào ban đêm tại một căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, khiến nhiều người tử vong.

Hà Nội: Cháy nhà trọ trong đêm, nhiều người thương vong

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra rạng sáng 24/5, tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khiến ít nhất 14 người thương vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục