(HBĐT) - Tình cờ tìm thấy trong chồng sách cũ tập truyện tranh "Đại thắng mùa xuân” của họa sỹ Huy Toàn mà suốt những năm tháng tuổi thơ bao lần đọc đi đọc lại không chán cùng bạn bè. Nét chữ, nét vẽ cũng mờ ố bởi thời gian, nhưng mỗi sự kiện, trận đánh quan trọng qua nét vẽ, lời dẫn của tác giả vẫn tạo được ấn tượng đặc biệt. Tất cả đều hướng tới trận thắng cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, báo hiệu điều mong mỏi của muôn người dân nước Việt: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất 2 miền Nam - Bắc. Không khí 44 năm trước, lại gợi nhớ những điều thiêng liêng nhất vào những ngày tháng tư lịch sử…

Đầu năm 1975, thông tin chiến sự ở miền Nam tất cả trông chờ vào chiếc đài Cửu Long nhỏ xíu (tiếng rất nhỏ và không có nhiều trong xóm) cùng các bản tin trên Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân do cha tôi mang về. Trên tường nhà là tấm bản đồ miền Nam với các địa danh chúng tôi tô những chấm đỏ (địa danh tỉnh đã được quân ta giải phóng); xung quanh đó toàn các tờ họa báo được chọn, cắt dán hình ảnh các trận đánh của bộ đội ta ở Quảng Trị, Khe Sanh, Ấp Bắc, Bình Giã… Làng trên, xóm dưới cũng rạo rực không khí hoạt động vì miền Nam. Dân quân chăm chỉ tập luyện, tuần tra canh gác. Thiếu nhi trong xóm quét dọn đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm quanh nhà.

Xóm nhỏ luôn có các đơn vị quân đội chọn là địa điểm tập bắn và dã ngoại hành quân. Gia đình nào cũng có bộ đội đến lưu trú. Nhiều đêm xem các chú, các anh hát đồng ca thật sôi nổi và tràn đầy quyết tâm. Lớp lớp đến và đi, nhiều đến nỗi đám trẻ không nhớ nổi mặt, nổi tên, dù vẫn biết chú này ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, các chú kia người Sơn Tây, Hà Nội, Phú Thọ... Nhưng lại rất ấn tượng hình ảnh: các bác chỉ huy súng ngắn giắt hông, tiếng hô đanh thép; các chiến sỹ khoác súng AK, vai đeo ba lô rầm rập ra đường cái, lên xe xuôi về mạn Phủ Lý, Hà Nam. Cái vẫy tay, lời tạm biệt loáng thoáng trong gió: Miền Nam, chiến thắng, sẽ về, hẹn ngày chiến thắng… Những giỏ cắt tút của đám trẻ gom được sau các đợt tập bắn của các chú bộ đội ngày càng nhiều hơn… Rất nhớ những buổi tối, khi cả nhà ăn cơm xong, mấy đứa trẻ trong nhà được giao điểm tin chiến trận trên Báo Nhân dân; tin thế giới đang hướng về miền Nam Việt Nam. Nhất là khi Chiến dịch Tây Nguyên được mở ra với chiến thắng Buôn Ma Thuột, rồi tin phi công ta dùng máy bay địch ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cánh cửa ở Xuân Lộc được mở… gia đình luôn có mặt các bác, các cô trong xóm đến cùng đọc, cùng nghe đài, cùng chia sẻ, đánh giá về chiến thắng của quân dân ta… Một không khí thiêng liêng, háo hức và chờ đợi…

Trưa 30/4/1975, người anh con bác họ từ đâu phóng xe đạp lao vút vào sân nhà, hớt hải: "Mở đài… mở đài… 5 cánh quân ta đã vào Sài Gòn”. Tiếng nhạc, tiếng đọc dõng dạc, hào hùng của phát thanh viên Việt Khoa, Việt Hùng, Hà Phương, Tuyết Mai, Việt Hà… dẫn dắt mọi người đến các cung bậc của cảm xúc. Quân ta đã giải phóng Sài Gòn… Mọi người trong gia đình ai cũng rưng rưng. Càng hiểu được tâm trạng mong ngóng của người anh họ (có anh trai đang trong đoàn quân đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ở miền Nam)… Như không hẹn trước, các bác, các cô xung quanh đều dồn tụ về đây, lắng nghe từng lời, từng lời báo tin chiến thắng. Đêm đó, xóm làng tưng bừng tiếng đàn, tiếng hát, nhất là khi bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, niềm vui bất tận càng được nhân lên.

Những ngày sau đó, hàng đêm, thanh niên, thiếu nhi làng trên, xóm dưới trống giong, cờ mở tập múa hát tập thể, ca ngợi, biểu dương chiến thắng lịch sử của dân tộc. Tất cả một vòng tròn, hào hứng: "Ba mươi năm dân chủ cộng hòa/ Kháng chiến đã thành công/Việt Nam - Hồ Chí Minh/ Việt Nam - Hồ Chí Minh” (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - nhạc sỹ Phạm Tuyên), rồi "Cả nước đang vui mừng, mừng chiến công lẫy lừng miền Bắc/Cùng múa ca tưng bừng chiến công chúng ta hôm nay…" (Múa hát mừng chiến công - nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý)”. Trong ánh đèn dầu mờ tỏ, lời ca, điệu múa vang vọng, ngân xa như nói lên niềm vui lớn lao của bao người: miền Nam đã giải phóng, đất nước thống nhất… Bao năm rồi, không khí những ngày tháng tư năm 1975 vẫn còn vang vọng, sống mãi.

Bùi Huy


Các tin khác


Khẩn trương xác định danh tính người bị nạn trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính

UBND quận chỉ đạo thực hiện xác định danh tính người bị nạn; phối hợp tổ chức tang lễ cho người đã mất, thăm hỏi người bị thương.

Quốc hội gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ cháy tại Cầu Giấy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát động phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay vì người nghèo”

Sáng 24/5, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự phát động có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Cháy nhà trọ trong ngõ sâu ở Trung Kính (Hà Nội), 14 người tử vong

Một vụ cháy lớn đã xảy ra vào ban đêm tại một căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, khiến nhiều người tử vong.

Hà Nội: Cháy nhà trọ trong đêm, nhiều người thương vong

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra rạng sáng 24/5, tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khiến ít nhất 14 người thương vong.

Khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo huyện Lạc Sơn

Ngày 23/5, Công an tỉnh phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhóm thiện nguyện "Trao chia sẻ, nhận yêu thương” tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục