(HBĐT) - Tắm sông, hồ, suối hay bể bơi là cách giải nhiệt trong những ngày nắng nóng mà nhiều người dân lựa chọn, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, việc đi bơi vào những ngày nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nguy cơ gây bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tai nạn thương tích...


Bất chấp biển cấm, người dân vẫn tắm sông Đà tại khu vực phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình).

Kể từ khi thời tiết nắng nóng, các bể bơi và một số bãi tắm tự phát ven đê sông Đà lại trở nên đông đúc. Nhiều năm nay, sông Đà đã trở thành điểm tắm giải nhiệt của nhiều người dân TP Hoà Bình. Khoảng thời gian từ 16h30 - 18h, người dân tập trung rất đông tại các bãi tắm tự phát thuộc phường Thịnh Lang, Tân Thịnh, Phương Lâm, Đồng Tiến. Điều đáng nói, tuy đã cắm những biển báo vùng nước sâu nguy hiểm, cấm tắm nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, thờ ơ trước sự cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

17h30 ngày 24/6, tại một bãi tắm tự phát thuộc phường Tân Thịnh, tuy ngoài trời vẫn nắng chói chang nhưng đã có khá đông người dân đang bơi lội, rất ít người khởi động trước khi xuống bơi, điều này khiến nguy cơ bị chuột rút, đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc xuống tắm khi trời còn nắng, gặp nước lạnh cũng dễ dẫn đến sốc nhiệt. Chưa kể dưới môi trường nước còn có rất nhiều những ẩn họa khó lường, khó phát hiện bằng mắt thường nên ít đề phòng là dòng nước xoáy chảy siết, những điểm khai thác cát gây sụt lún, hay khi nước lên, một số chỗ có bụi cây gai, mảnh thuỷ tinh vỡ, bơm kim tiêm, rác thải sinh hoạt… rất dễ gây chấn thương.

Không chỉ tắm ở sông, hồ, suối… mới tiềm ẩn những nguy hiểm, mà ở những nơi tưởng chừng an toàn như hồ bơi cũng luôn thường trực những mối nguy hại với mọi người. Thoạt nhìn nước bể trong xanh là thế, nhưng đây là môi trường có chứa các vi khuẩn độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, nhất là trẻ em, với hàng loạt những nguy cơ gây bệnh liên quan đến tai - mũi - họng, đau mắt, bệnh ngoài da… Tắm trong nguồn nước không đảm bảo, nhiều chất tẩy rửa, tạp chất, không đeo kính bơi, dễ mắc các bệnh về mắt. Khi đi bơi rất dễ để nước vào tai, nước bẩn ứ đọng trong tai lâu ngày không được vệ sinh sạch sẽ dẫn đến đau tai, thậm chí là viêm tai, ảnh hưởng tiêu cực đến thính giác. Ngoài ra, một người khi xuống bể bơi có thể đưa vi khuẩn xuống cùng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da liễu như mẩn ngứa, nấm… Để hạn chế những điều này, mọi người cần chú ý thực hiện tốt các quy định của bể bơi như tắm sạch sẽ trước và sau khi bơi, chuẩn bị những vật dụng cần thiết như kính bơi, quần áo bơi, khăn bông, áo phao đối với những người chưa biết bơi… Đồng thời, lựa chọn những bể bơi an toàn, phù hợp như luôn có nhân viên cứu hộ, có mái che, nước trong xanh, không quá nặng mùi khử trùng…

Với trẻ em, những đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt khi bơi lội để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Anh Quách Văn Định, giáo viên dạy bơi tại bể bơi Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh chia sẻ: "Điều quan trọng là trẻ phải khởi động trước khi bơi để phòng tránh tai nạn xảy ra trong môi trường nước. Khởi động kỹ toàn bộ các khớp như khuỷu tay, cổ tay, vai, gối, cổ chân, hông… trước khi bơi sẽ giúp trẻ tránh được chuột rút, đau nhức cơ thể… Trong quá trình dạy bơi, chúng tôi lồng ghép giáo dục các kỹ năng xử lý một số tình huống nguy hiểm thường gặp phải khi đang bơi như bị chuột rút, phát hiện và tránh xa những vùng nước nguy hiểm, cách xử lý khi bị người đuối nước bám víu…".

Thời gian gần đây, các vụ trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh hầu hết do thời tiết nắng nóng, các em rủ nhau đến ao, hồ… để vui chơi, không may xảy ra vụ việc đáng tiếc. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 29 trẻ bị tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các vụ trẻ bị tử vong do đuối nước xảy ra tại các huyện Lạc Thuỷ, Lương Sơn, Tân Lạc. Đối với những trẻ nhỏ ở vùng nông thôn, bể bơi còn hạn chế, rất cần có sự quan tâm, quản lý chặt chẽ từ gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương. Còn với trẻ em ở thành phố, cha mẹ cần cho con em bơi ở những bể bơi uy tín, an toàn, trẻ được bơi lội dưới sự kiểm soát của người lớn.


Linh Nhật

Các tin khác


Khẩn trương xác định danh tính người bị nạn trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính

UBND quận chỉ đạo thực hiện xác định danh tính người bị nạn; phối hợp tổ chức tang lễ cho người đã mất, thăm hỏi người bị thương.

Quốc hội gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ cháy tại Cầu Giấy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát động phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay vì người nghèo”

Sáng 24/5, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự phát động có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Cháy nhà trọ trong ngõ sâu ở Trung Kính (Hà Nội), 14 người tử vong

Một vụ cháy lớn đã xảy ra vào ban đêm tại một căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, khiến nhiều người tử vong.

Hà Nội: Cháy nhà trọ trong đêm, nhiều người thương vong

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra rạng sáng 24/5, tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khiến ít nhất 14 người thương vong.

Khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo huyện Lạc Sơn

Ngày 23/5, Công an tỉnh phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhóm thiện nguyện "Trao chia sẻ, nhận yêu thương” tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục