(HBĐT) - Công tác giảm nghèo ít nhiều có sự biến động. Một số nơi, số hộ nghèo giảm nhưng cũng có nơi tăng lên. Đây đang là trăn trở đối với các địa phương sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.


Công chức LĐ-TB&XH thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) phối hợp với Trưởng khu Chiềng Khến điều tra, rà soát theo các tiêu chí để làm căn cứ đánh giá hộ nghèo, cận nghèo năm 2020.

Hộ chị Phạm Thị Thu ở khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có 3 nhân khẩu, gồm chị và hai con nhỏ, điều kiện gia cảnh khó khăn do thiếu nhân lực lao động. Tuy nhiên, nếu áp theo bộ công cụ điều tra thì hộ chị Thu lại không nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo. Một trường hợp khác là anh Lê Anh Tuấn cùng ở khu Tân Phong có vợ bị ung thư, duy nhất anh là lao động chính. Qua điều tra đánh giá bằng phiếu, hộ anh Tuấn cũng không thuộc diện được xét duyệt.

Theo tổng hợp hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 tại thời điểm trước khi sáp nhập thành thị trấn Mãn Đức: Xã Quy Hậu có 66 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo; xã Mãn Đức có 75 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo; thị trấn Mường Khến có 61 hộ, 55 hộ cận nghèo. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo thực hiện đầu tháng 11/2020, toàn thị trấn có 310 hộ nghèo, tăng 108 hộ so với năm 2019; hộ cận nghèo giảm từ 232 xuống còn 197 hộ.

Đồng chí Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức chia sẻ: Sau sáp nhập, thị trấn được công nhận là đô thị. Tuy nhiên, trong 2 xã được nhập vào còn có những vùng khó khăn, vùng 135. Do vậy, khi thực hiện đúng theo bộ công cụ mới đánh giá chuẩn nghèo, số hộ nghèo tăng lên. Mặt khác, khi đối chiếu phiếu điều tra theo bộ chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản đối với khu vực đô thị không tính đến tài sản khác như gia súc, gia cầm...

Với xã Vũ Bình (Lạc Sơn), trước khi sáp nhập, trong 3 xã cũ có xã Vũ Lâm đã đạt chuẩn NTM, hộ nghèo còn 41 hộ, trong khi hộ nghèo xã Bình Chân cũ là 133 hộ, xã Bình Cảng cũ 160 hộ, tổng số có 334 hộ. Kết quả điều tra thời điểm cuối năm 2020, số hộ nghèo giảm còn 242 hộ, 963 nhân khẩu, chiếm 9,01%. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho rằng: Bên cạnh thuận lợi có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, việc rà soát, điều tra hộ nghèo còn gặp không ít trở ngại. Cụ thể như quá trình ghi phiếu, một số điều tra viên có tâm lý nể nang, không ghi đầy đủ tài sản hộ đang sử dụng. Một bộ phận người dân còn ỷ lại, muốn vào danh sách hộ nghèo. Cá biệt, có hộ nghèo mang tài sản đi gửi ở nhà người thân, hoặc cố tình khóa cửa các phòng nhằm giấu tài sản.

Hiện nay, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc, giám sát kết quả điều tra của các cơ sở. Qua đó, nhiều cơ sở phản ánh, đồng thời có ý kiến đề xuất, kiến nghị với tỉnh, T.Ư xem xét, bổ sung một số tiêu chí xác định hộ nghèo để phù hợp thực tế địa phương miền núi và điều kiện sống của người dân trên địa bàn.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sau sáp nhập, các xã, phường, thị trấn có đơn vị hành chính rộng hơn, dân cư lớn hơn, đội ngũ lãnh đạo hầu hết là mới... Do đó, việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo có những khó khăn nhất định. Nhất là đối với các xã sáp nhập vào thị trấn, một trong những yếu tố tác động lớn là đang từ chuẩn nghèo nông thôn nay áp theo chuẩn nghèo thành thị, dẫn đến phát sinh thêm hộ nghèo. Công tác giảm nghèo của tỉnh do đó cũng có những ảnh hưởng.

Trước thực tế trên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2020 dự kiến khó đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cùng với biến động do sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lao động, việc làm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn bị mất việc làm tăng lên. Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, giảm nghèo chỉ là chính sách hỗ trợ, còn giải pháp cốt lõi để hộ nghèo thoát nghèo vẫn phải là nỗ lực tự thân. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hộ nghèo nắm được chính sách của Nhà nước, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thực tế cho thấy, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác giảm nghèo được thực hiện tốt.

Bùi Minh


Các tin khác


Khẩn trương xác định danh tính người bị nạn trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính

UBND quận chỉ đạo thực hiện xác định danh tính người bị nạn; phối hợp tổ chức tang lễ cho người đã mất, thăm hỏi người bị thương.

Quốc hội gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân vụ cháy tại Cầu Giấy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát động phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay vì người nghèo”

Sáng 24/5, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự phát động có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Cháy nhà trọ trong ngõ sâu ở Trung Kính (Hà Nội), 14 người tử vong

Một vụ cháy lớn đã xảy ra vào ban đêm tại một căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, khiến nhiều người tử vong.

Hà Nội: Cháy nhà trọ trong đêm, nhiều người thương vong

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra rạng sáng 24/5, tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khiến ít nhất 14 người thương vong.

Khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo huyện Lạc Sơn

Ngày 23/5, Công an tỉnh phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và nhóm thiện nguyện "Trao chia sẻ, nhận yêu thương” tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 gia đình tại 2 xã Miền Đồi, Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục