Ngày 26-10, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ năm. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết ba năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) và nhiều đại biểu khẳng định, dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, tình hình kinh tế đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Trong đó, có những điểm nhấn quan trọng, như: Kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát. Thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân... Với 12 chỉ tiêu QH giao, dự kiến có tám chỉ tiêu vượt và bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Các ý kiến cũng cho rằng, sau ba năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng trung bình GDP là 6,57%, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục 60 tỷ USD, nợ công giảm từ 63,7% (năm 2016) xuống còn 61,4% (năm 2018), nợ xấu giảm từ 24,46% xuống còn 2%. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá ba sa; đứng thứ hai về xuất khẩu cà-phê, đứng thứ ba về xuất khẩu gạo, tôm, đứng thứ năm về xuất khẩu lâm sản… Tinh giản tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị đạt kết quả bước đầu khả quan và tích cực; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét; quốc phòng an ninh được giữ vững. Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, giúp củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) và nhiều đại biểu cho rằng, dù nợ công đã giảm nhưng nợ nước ngoài và nợ Chính phủ có xu hướng tăng qua các năm. Điều đó cho thấy tăng trưởng kinh tế thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào vốn, lao động giá rẻ, chế biến thô tài nguyên và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI. Du lịch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sự đóng góp cho tăng trưởng, ngân sách chưa tương xứng và còn bất cập, việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển còn một số vướng mắc, hạn chế. Tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện, trong khi nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017. Cơ cấu chi ngân sách gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm, hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp công chi thường xuyên vẫn bao cấp. Chín tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể lại tăng so với cùng kỳ.

Một số đại biểu cho rằng, tăng trưởng GDP tuy đạt mục tiêu QH giao, nhưng ở một số khu vực chưa đạt mục tiêu của Chính phủ. Cụ thể, khu vực công nghiệp xây dựng, mục tiêu Chính phủ là tăng 7,7%, nhưng ước thực hiện đạt 7,59%; khu vực dịch vụ tăng 7,4%, nhưng ước thực hiện được 7,35%. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về tăng trưởng đạt thấp hơn năm 2017 và chưa đạt so với mục tiêu của Chính phủ, như: mục tiêu tăng năng suất lao động đạt hơn 6%, nhưng thực hiện chỉ đạt 5,5%; mục tiêu đóng góp các nhân tố tổng hợp là 46%, nhưng thực hiện đạt 40,23%... Bên cạnh đó, tỷ lệ về thu, chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ thu từ thuế và phí chưa đạt so với nghị quyết QH, thu cả năm ước tăng 3% dự toán, nhưng thu ở ba khu vực kinh tế đều thấp hơn dự toán, một số địa phương thu không đạt kế hoạch. Cơ cấu chi thường xuyên vẫn ở mức cao, ước chi cả năm là 63,3% tổng chi, tuy thấp hơn dự toán nhưng vẫn cao hơn năm 2017 (62,46%). Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) và nhiều ý kiến phản ánh tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công còn lớn. Đầu nhiệm kỳ Chính phủ, dư luận bức xúc về 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng do Bộ Công thương quản lý, đến nay lại phát sinh các dự án kém hiệu quả khác, như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỷ đồng vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau ít ngày đã hư hỏng; dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 8.769 tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm hơn 18.001 tỷ đồng (tăng 205,27%); dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 17.387 tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm 47.325 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018, nhưng đến nay chỉ hoàn thành 52% khối lượng công việc…

Các ý kiến nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như Chính phủ đề xuất, cần tiếp tục bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Huy động nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thảo luận về kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), nhiều đại biểu đánh giá, hiện nay có 118 chính sách trực tiếp đang có hiệu lực, bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và 21 chương trình mục tiêu gián tiếp tác động đến vùng DTTSMN, giúp đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này vẫn cao, chiếm khoảng 52% tổng số hộ nghèo cả nước, tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn còn nhức nhối. Hiện có 221.754 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và 80.960 hộ thiếu đất ở. Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) và nhiều đại biểu cho rằng, những bất cập này có nguyên nhân do chính sách thực hiện ổn định dân cư chậm được đổi mới và thiếu nguồn lực thực hiện. Đồng thời, cũng cần rà soát lại các chương trình, chính sách hỗ trợ để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược, thiếu khả thi, không tạo ra nguồn lực phát triển, chưa khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, khi nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nước và rừng đang ngày càng suy giảm, việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTSMN là rất cần thiết. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, gắn với các sản phẩm theo chuỗi liên kết gắn với thị trường; đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên làm tốt việc quản lý, theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ người dân để người dân nắm bắt thị trường lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ và phát triển rừng ở các tỉnh vùng DTTSMN khi triển khai các chính sách, bố trí đủ kinh phí cho công tác bảo vệ và trồng rừng nhằm tăng diện tích, chất lượng rừng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập từ nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu ý kiến giải trình một số nội dung được đại biểu QH nêu.

Tôi chưa thật sự an tâm và lo lắng trước nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới. Chất lượng tăng trưởng ít được cải thiện; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, nhất là sản xuất nông nghiệp chưa phát huy được lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, đồng thời còn chịu nhiều rủi ro về thị trường, dễ bị tổn thương. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế. Những hạn chế nêu trên không chỉ làm mất lợi thế mà đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và trước cuộc cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch diễn biến khó lường.

Đại biểu TRẦN TRÍ QUANG

(Đồng Tháp)

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, qua kết quả kiểm toán chín tháng đầu năm nay của 140 báo cáo kiểm toán đã được xét duyệt, đã kiến nghị xử lý vi phạm về tài chính là hơn 56 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy những sai phạm là quá lớn. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, tài chính, ngân sách quốc gia, vốn đầu tư công trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm cho đại biểu QH, cử tri và nhân dân chưa thể yên tâm. Bên cạnh đó, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH cũng cho thấy việc chấp hành xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về tài chính còn rất hạn chế. Cụ thể năm 2018 mới thực hiện được 50 trong số 90 nghìn tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (kiểm toán năm 2017 đối với niên độ ngân sách 2016). Đáng lưu ý là tình trạng này kéo dài trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đó cho thấy kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực hiện các kiến nghị của kiểm toán còn rất hạn chế.

Đại biểu NGUYỄN TIẾN SINH

(Hòa Bình)

                        TheoNhandan

Các tin khác


Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục