Đồng bào các DTTS trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xây dựng cuộc sông mới.

Đồng bào các DTTS trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xây dựng cuộc sông mới.

(HBĐT) - Rộn rã điệu múa sạp. Ngả nghiêng men rượu cần và những bàn tay xiết chặt trong điệu xòe truyền thống bên bập bùng ánh lửa. Chưa bao giờ đồng bào Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và các dân tộc anh em khác lại được hội ngộ trong niềm vui, nồng ấm tình đoàn kết xua đi giá lạnh đêm đông. Phấn khởi, tự hào và tràn ngập niềm tin là cảm nhận chung của mỗi ai được tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh lần thứ nhất – Ngày hội đoàn kết các dân tộc và cũng là dịp để tôn vinh các tập thể, cá nhân người DTTS đã có những nỗ lực cùng góp sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nơi đó có niềm tin

 

Hình ảnh người đảng viên dân tộc Mường khiêm tốn mà rắn rỏi trong đêm giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh với các đại biểu dự Đại hội cứ vương vấn, thôi thúc chúng tôi tìm về Thượng Tiến. Miền quê vẫn được gọi là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi những ngày cuối năm này cũng thật hối hả, bận rộn chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Tuy không bề thế nhưng ngôi nhà của anh Bùi Văn Quyết đã nói lên sự đầm ấm của cuộc sống mới. “Ở vùng sâu, vùng xa, thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của bà con nông dân, trong đó có cả gia đình mình. Với tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, tôi luôn trăn trở phải làm gì giúp bà con thoát nghèo. Vậy là từ những chủ trương, đường lối được tiếp thu qua các buổi sinh hoạt đảng, rồi tự mày mò, học hỏi qua tài liệu, sách báo, tôi đã vận động gia đình và bà con nông dân trong xóm từ bỏ tập quán làm ăn tự phát, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Năm 2007, được Đảng, Nhà nước quan tâm cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH và nguồn vốn NHNo&PTNT để đầu tư sản xuất đã mở ra hướng thoát nghèo cho gia đình và bà con xóm bản”, Bùi Văn Quyết chia sẻ với chúng tôi sau cái bắt tay thật chặt.

 

Với nỗ lực của bản thân dưới sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hôm nay, gia đình đảng viên Bùi Văn Quyết đã có cơ ngơi kha khá với trên 10 ha rừng keo cùng hàng nghìn m2 lúa , hoa màu được đầu tư thâm canh cho năng xuất cao và đàn gia súc, gia cầm đáng kể luôn được anh xem là thế mạnh của địa phương cần được phát triển mạnh. Nhờ đó, cái đói, cái nghèo đã lùi xa trong một gia đình yêu lao động.

 

Năm 2009 sẽ là năm đáng nhớ đối với Dương Thị Xanh, người con gái dân tộc Dao, thôn Cây Ông, xã Tân Thành (Lương Sơn). Được đại diện cho bà con trong xã tham dự Đại hội đại biểu các DTTS, Xanh mang đến đại hội niềm tin, sự biết ơn với Đảng, Nhà nước đã cho gia đình chị và người dân trong xã cuộc sống ngày một no đủ. “Dựa vào Đảng, Nhà nước cho vốn, cho kiến thức và đưa về cây trồng mới thì người Dao quê mình mới phát triển kinh tế, xóa được đói, giảm được cái nghèo”. Xanh mở đầu câu chuyện bằng cả tấm lòng chân tình. Chị kể: Từ năm 1995 trở về trước, cuộc sống của người dân xã Tân Thành nói chung, thôn Cây Ông nói riêng nghèo nàn, lạc hậu lắm. Rồi được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hỗ trợ giống cây luồng, cả xóm đã trồng được trên 200 ha. Từ đó, hàng năm có măng, có cây để bán, có tiền để tiêu. Tiếp đó, thôn lại được nhà nước đầu tư làm đường và kéo điện về tận hộ gia đình đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Riêng với gia đình Xanh, nhờ biết tranh thủ sự quan tâm và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền đã trồng được 4 ha luồng, được vay vốn 10 triệu đồng và tham gia các lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt ứng dụng vào sản xuất nên bình quân mỗi năm gia đình thu về trên 1 tấn lúa. Thóc gạo làm ra không chỉ cung cấp đủ lương thực tại chỗ mà còn hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, trong năm 2009, gia đình chị đã cải tạo ruộng một vụ, đất bãi, vườn tạp trồng khoai lang lấy củ cho thu hoạch trên 20 tấn sản phẩm. Theo đó đã cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.

 

Chia tay người con gái đảm đang, hiền hậu, chúng tôi còn mãi lưu luyến lời mời gọi: “Tết này về quê mình chơi nhé” và như nghe văng vẳng đâu đây tiếng giã bánh dầy thậm thịch cùng mùi dẻo thơm của bánh ống, những đồ vật không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của bản Dao Cây Ông.

 

Chung tay phát triển vùng dân tộc

 

Là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình”, là miền đất của Trường ca “Đẻ đất, đẻ nước”, của những lễ hội đặc sắc. Hòa Bình là nơi sống của cộng đồng các dân tộc có nét văn hóa riêng nhưng lại gặp nhau ở điểm chung là sự cần cù lao động, nghị lực vượt khó và tình đoàn kết, gắn bó, tin tưởng. Đồng bào các dân tộc là một phần không thể thiếu trong đại gia đình Việt Nam. Chính vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng, Nhà nước luôn coi việc chăm lo đời sống cho đồng bào các DTTS là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc. Với các chủ trương, chính sách phù hợp, vùng dân tộc và miền núi của tỉnh đang được đổi thay trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Thênh thang đi trên con đường Hồ Chí Minh đưa chúng tôi đến với xã Hưng Thi vùng đất mà cách đây chưa lâu chỉ mới nhắc đến thôi nhiều người phải lắc đầu vì sự gian khổ bởi sông suối cách trở, đồi núi hiểm trở. Hôm nay, Hưng Thi đang khoác lên mình sự sống mới bởi màu xanh của rừng, của đồng ruộng và vườn cây ăn trái…Chủ tịch UBND xã Bùi Hồng Diên không giấu được niềm vui, bộc bạch: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án đã mở ra hướng đi mới cho xã Hưng Thi cũng như một số xã đặc biệt khó khăn khác của huyện Lạc Thủy. Nhờ Chương trình 135,134 và các chính sách hỗ trợ khác, đồng bào các DTTS trong xã đã được hưởng ánh sáng dòng điện lưới, được đi trên con đường bớt gồ ghề khúc khửu, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, con em được yên tâm học tập trong những ngôi trường khang trang, rộng rãi. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân dân đã nâng cao nhận thức, kiến thức qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, qua báo chí và tủ sách KN- KL cũng như được hỗ trợ mua máy nông nghiệp, cây con giống, vật tư sản xuất, hỗ trợ xóa nhà ở dột nát…đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Xã Hưng Thi đang có đước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống vật  chất, tinh thần được cải thiện. Năm 2009, thu nhập bình quân của xã được nâng lên 7,5 triệu đồng/người/năm.

 

Cũng như Hưng Thi, giờ đây nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trong tỉnh đang từng ngày thay da đổi thịt. Sau 9 năm thực hiện chương trình 135 với tổng nguồn vốn thực hiện 532 tỷ đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 939 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, trạm y tế xã, chợ trung tâm cụm xã, khai hoang ruộng nước và ruộng màu. Trong đó, riêng năm 2009 chương trình đã đầu tư 71.900 triệu đồng thực hiện 223 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã, các xóm, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đầu tư trên 9,4 tỷ đồng đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã và gần 27,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Chương trình cũng luôn ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động văn hóa thông tin, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học sinh nghèo đi học, đầu tư xây dựng trung tâm cụm xã và trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách, tạo cơ hội cho nhân dân nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, mở hướng thoát nghèo.

 

Những năm qua, từ sự quan tâm, tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào các DTTS đã làm nên thành tựu phát triển KT – XH chung của tỉnh mà ở đó thành tựu quan trọng hơn cả chính là xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, xây dựng bản làng văn hóa mới, làm cho cuộc sống của người dân, nhất là đông bào các DTTS được cải thiện, niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày một vững chắc.

 

                                                                      Hoàng Nga

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục