Cán bộ xã Mường Chiềng tham gia lớp tập huấn IPM trên cây ngô để nâng cao trình độ KHKT.

Cán bộ xã Mường Chiềng tham gia lớp tập huấn IPM trên cây ngô để nâng cao trình độ KHKT.

(HBĐT) - “Để bù lấp khoảng trống về nguồn nhân lực, điều tất yếu cần làm là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), trong đó tập trung mạnh vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã” – Đó là khẳng định của ông Xa Văn Chí, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đà Bắc khi trao đổi về thực trạng nguồn nhân lực đang hoạt động trong hệ thống cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện nay.

 

Ông Xa Văn Chí cho biết: Bám sát định hướng quy hoạch và sử dụng đội ngũ CBCC trẻ có đủ trình độ và năng lực chuyên môn, một trong những mục tiêu phấn đấu của huyện Đà Bắc là đến cuối năm 2010 sẽ có 100% CBCC cấp xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, mục tiêu này đang ở ngoài tầm với của địa phương. Thực tế đang tồn tại một mâu thuẫn khá lớn giữa một bên là những cán bộ có kinh nghiệm làm việc và uy tín trong cộng đồng nhưng lại chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn và lý luận chính trị, với một bên là những cán bộ trẻ, đã qua đào tạo chuyên ngành và đạt chuẩn về trình độ nhưng lại thiếu trải nghiệm thực tế, chưa hội đủ điều kiện để trúng cử hay bổ nhiệm. Nói cách khác, giữa hai đối tượng này có “độ vênh” tương đối về bằng cấp và thực tiễn, về lý thuyết và thực hành, do đó đã tạo ra khoảng trống trong vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cơ sở. Để bù lấp khoảng trống này, điều tất yếu cần làm là đẩy mạnh công tác ĐTBD CBCC trên cơ sở huy động nguồn lực sẵn có để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Mặt khác, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã, thị trấn của huyện được nhìn nhận là yếu về năng lực quản lý và thiếu về số lượng. Nhiều CHCC cấp xã hiện vẫn chưa qua ĐTBD. Nhiều cán bộ ở các ngành, đoàn thể chưa qua đào tạo chuyên môn. Không ít cán bộ có trình độ văn hoá thấp. Theo khảo sát của phòng Nội vụ, huyện Đà Bắc hiện có 358 cán bộ chính quyền cơ sở, trong đó 246 người còn khả năng đào tạo (chiếm 68,72%) và 112 người không còn khả năng đào tạo (chiếm 31,28%). Về trình độ văn hoá, có 183 người trình độ THCS (chiếm 51,11%), 175 người trình độ THPT hoặc BTVH (chiếm 48,89%). Về trình độ chính trị, chỉ 7 người có trình độ cao cấp (chiếm 1,96%), 200 người có trình độ trung cấp (chiếm 55,87%) và 67 người có trình độ sơ cấp (chiếm 18,71%). Đáng lo ngại là trình độ chuyên môn: Trong 358 người chỉ có 1 người có trình độ đại học (0,28%), 13 người trình độ cao đẳng (3,63%), còn lại là trình độ trung cấp và sơ cấp.

 

Hàng năm, phòng Nội vụ huyện Đà Bắc đều xây dựng kế hoạch ĐTBD CBCC. Theo đó, triển khai khá nhiều chương trình ĐTBD, bao gồm ĐTBD lý luận chính trị, ĐTBD kiến thức quản lý Nhà nước, ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ, ĐTBD kiến thức tin học, ngoại ngữ... Đối với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện, việc cử cán bộ đi ĐTBD đã bám sát kế hoạch đào tạo và quy hoạch cán bộ, góp phần phát huy hiệu quả và củng cố tính bền vững cho công tác ĐTBD. Điều đáng ghi nhận là công tác ĐTBD đã tập trung mạnh vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã - vốn bị coi là mắt xích yếu kém nhất trong đội ngũ CBCC hiện nay. Theo Kế hoạch số 15/KH-HU ngày 26/10/2007 của Huyện uỷ Đà Bắc về công tác tổ chức cán bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, huyện Đà Bắc đặt ra một số mục tiêu cơ bản đến cuối năm 2010: 100% CBCC cấp xã/thị trấn có trình độ học vấn THPT và được ĐTBD chính trị nghiệp vụ. Trong đó, 90% cán bộ có trình độ trung cấp LLCT, 70% cán bộ có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên. Phấn đấu ít nhất mỗi xã có 04 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ đại học. Đây là mục tiêu đồng thời cũng là thách thức không nhỏ dồn lên công tác ĐTBD, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã.

 

Ông Xa Văn Chí khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác ĐTBD CBCC. Từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã. Trước mắt, UBND huyện đã xây dựng Đề án mở lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và quy hoạch CBCC, viên chức cấp huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011 – 2015. Những giải pháp đó đang hé mở nhiều tín hiệu lạc quan, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

 

                                                                                           Phan Anh

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục