Ngày 30-9, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, nghe các Ủy ban: Tư pháp, Tài chính - ngân sách của QH trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo nói trên của Chính phủ.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm qua, công tác PCTN tiếp tục chuyển biến rõ rệt trên một số mặt như xây dựng thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai các giải pháp phòng ngừa. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng,  đầu  tư xây dựng, quản lý sử dụng tài sản công. Ðã kiến nghị thu hồi 8.152,6 tỷ đồng, 2.108,5 ha đất (đã thu được 3.335 tỷ đồng, 245,4 ha đất); kiến nghị xử lý kỷ luật 562 tập thể, 2.035 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra các cấp để xem xét, xử lý hình sự 87 vụ việc, trong đó có 62 vụ, 84 đối tượng liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so cùng kỳ năm trước). Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can so cùng kỳ năm trước). Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo so cùng kỳ năm trước).


Năm 2010, tội phạm tham ô vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ án tham nhũng bị khởi tố (51,5% số vụ; 54,9% số bị can); tội nhận hối lộ chiếm 11,1% số vụ, 7,7% số bị can; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm 12,7% số vụ, 9,1% số bị can; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm 17% số vụ, 21,1% số bị can. Còn lại là các tội danh khác.


Trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9%; cấp quận, huyện: 22,5%; cấp tỉnh: 13,1%; cấp T.Ư: 0,3%; các tổ chức khác: 33,2%. Hạn chế chủ yếu vẫn là việc chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng hiệu quả chưa cao.


Thông qua dư luận quần chúng, đánh giá của các tổ chức quốc tế và với việc các vụ án tham nhũng vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp; một số đối tượng tham nhũng lại là những người trong cơ quan bảo vệ pháp luật... nên Chính phủ nhận định, tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn. Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công. Dư luận quần chúng vẫn bức xúc trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.


Tuy nhiên việc đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng hiện còn khó khăn do một số giải pháp nhằm đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác PCTN mới được triển khai thực hiện. Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các hoạt động này.


Thẩm tra báo cáo nói trên của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của QH nhận thấy, cho đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hàng trăm vụ tham nhũng với hàng trăm đối tượng phạm tội nhưng cả nước mới chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện được tham nhũng, trong khi đó các năm: 2008, 2009, 2010 không ít vụ tham nhũng đã khởi tố, sau đó đình chỉ điều tra. Lý do chủ yếu là người vi phạm đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, có nhân thân tốt nên không xử lý hình sự mà chuyển xử lý hành chính như vụ ông Võ Nhật Duy - Tổng Giám đốc Công ty cao-su Sơn La nhận hối lộ 300 triệu đồng, sau ba ngày tạm giữ, cơ quan điều tra đã tạm tha ông Duy với lý do có văn bản bảo lãnh của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam; vụ bà Trần Thị Tiến lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn hợp thức hóa chứng từ chiếm đoạt 2.900 tấn phân bón trị giá 1,222 tỷ đồng, có dấu hiệu phạm tội (tham ô tài sản) tại Công ty Foodinco Ðà Nẵng. Qua giám sát, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 02 ngày 24-12-2008 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Ðà Nẵng, nhưng cho tới nay vẫn chưa phục hồi điều tra để giải quyết...


Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 đã phản ánh nhiều mặt hoạt động, kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa và công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; đã nêu nhận định về tình hình tham nhũng năm 2010, phân tích một số hạn chế và nguyên nhân, đồng thời, đã đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2011.


Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, một số hạn chế trong việc báo cáo và đánh giá công tác PCTN đã được Ủy ban Tư pháp nêu ra trong năm 2009 và các năm trước vẫn chưa được Chính phủ khắc phục. Ðó là Báo cáo chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt công tác PCTN; những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị còn để xảy ra nhiều vụ tham nhũng.


Về kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) năm 2010, Chính phủ cho rằng, công tác THTK, CLP năm 2010 đã có nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu quả rõ rệt, thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội QH đề ra. Tuy nhiên, hiện tượng buông lỏng quản lý gây lãng phí tiền, tài sản Nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và tình trạng lãng phí trong tiêu dùng của nhân dân vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển đất nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nói trên có nguyên nhân khách quan là trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; có nguyên nhân chủ quan do ý thức về THTK, CLP trong một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân chưa cao; chế tài và việc xử lý vi phạm, lãng phí chưa đủ mạnh. Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động THTK, CLP; công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm THTK, CLP chưa tốt, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo công tác chưa nghiêm, cho nên kết quả đạt được còn hạn chế. Ðể phát huy và duy trì bền vững kết quả thực hành tiết kiệm, đẩy lùi lãng phí đòi hỏi có sự quyết tâm cao, sự nỗ lực thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của toàn dân.


Nhất trí với đánh giá của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính  -Ngân sách của QH nhận thấy, năm 2010 kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm có khá hơn, ý thức tiết kiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và trong nhân dân có bước chuyển biến hơn so năm 2009.


Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đã đề cập việc xây dựng hoàn thiện thể chế về PCTN, kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của bộ máy các Ban chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về PCTN; về phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng cũng như mục tiêu và biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí những tháng còn lại của năm 2010 và năm 2011, đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
 
                                                                               Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục